MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Brexit và Tổng thống Trump "vẽ lại" bức tranh ngân hàng toàn cầu?

15-05-2017 - 08:30 AM | Tài chính quốc tế

Hai nền kinh tế lớn Mỹ và Anh đang thay đổi hướng đi, và điều này khiến nhiều người lo sợ về tình trạng “chênh lệch quy định”.

Tại Mỹ, tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ đảo ngược các quy định tài chính được thông qua sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Tại Anh, trước nguy cơ các ngân hàng “di cư” khỏi Anh sau Brexit, Thủ tướng Theresa May khẳng định sẽ đáp trả bất cứ biện pháp “trừng phạt” thương mại nào từ EU bằng cách giảm thuế hoặc thay đổi chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Cùng lúc đó, một vài quốc gia thành viên EU có thể sẽ cân nhắc nới lỏng quy định nhằm “dụ dỗ” các công ty có trụ sở tại Anh. Ở Brussels, các nhà quản lý cũng “nhẹ tay” hơn trong vòng đàm phán gần nhất về các tiêu chuẩn ngân hàng quốc tế.

Đây là một xu hướng hoàn toàn mới. Trước khi những thay đổi chính trị lớn xảy ra tại Mỹ và Anh vào năm ngoái, các nhà quản lý tài chính vẫn tập trung theo hướng hoạch định quy định cứng rắn hơn và tăng cường phối hợp. Họ nỗ lực hạn chế tình trạng “chênh lệch quy định”, tức là các ngân hàng chuyển dịch các lĩnh vực kinh doanh rủi ro nhất tới các vùng lãnh thổ có tiêu chuẩn yếu nhất. Bài học rút ra về hoảng loạn tài chính trong thế kỉ 21, từ Lehman Brothers tới khủng hoảng nợ tại châu Âu, là khủng hoảng không chỉ giới hạn trong biên giới quốc gia.

Các nhà quản lý đòi hỏi các ngân hàng lớn trên thế giới cần nắm giữ nhiều vốn hơn và củng cố sự an toàn của hoạt động cho vay; nhờ đó, các ngân hàng có thể xử lý thiệt hại tốt hơn. Người cho vay cần vượt qua các bài kiểm tra áp lực thường xuyên để đánh giá nguy cơ thất bại.

Tuy nhiên, khi các bộ trưởng tài chính, ngân hàng trung ương và giám đốc điều hành ngành có mặt trong buổi họp mùa xuân hàng năm về chủ đề kinh tế toàn cầu vào cuối tháng Tư tại Washington, nội dung thảo luận có phần khác biệt.

Mặc dù chưa xảy ra tình trạng đảo ngược quy định và có lẽ sẽ cần nhiều năm để thực hiện điều này, nhưng trong bài phát biểu vào ngày 20/4, Mark Carney, thống đốc Ngân hàng Anh và cũng là giám đốc Ban Ổn định Tài chính của các nhà quản lý toàn cầu được thành lập sau khủng hoảng, cảnh báo vấn đề “mệt mỏi cải cách” có thể cản trở nhiều nỗ lực thay đổi quy định.

Carney cho biết “hệ thống tài chính toàn cầu đang ở thời điểm quyết định”, và nếu không được kiểm định, thì những nguy cơ mới có thể sẽ đe doạ đến những tiến bộ đã đạt được.

Kể từ sau cuộc bầu cử Mỹ, các cổ phiếu tài chính đã tăng lên khoảng 20%, một phần là do các nhà đầu tư hi vọng quy định sẽ nới lỏng. Theo Jamie Dimon, giám đốc điều hành tại JPMorgan Chase & Co., hệ thống tài chính an toàn hơn sau khủng hoảng, nhưng các ngân hàng lại đang nắm giữ quá nhiều vốn, hạn chế cho vay.

Anat Admati, giáo sư tài chính tại Stanford, cho biết “không quy định nào có thể ngăn cản các ngân hàng sử dụng lợi nhuận của mình, hoặc tăng huy động vốn từ các nhà đầu tư để tạo ra các khoản vay xứng đáng”.

Trong một vài trường hợp, một số nhà quản lý công nhận vẫn còn có thể điều chỉnh các quy định tại Mỹ. Daniel Tarullo, người đã từng khởi xướng nhiều hạn chế tại Cục Dự trữ Liên bang FED trước khi từ chức vào tháng tư, cho biết có thể giảm nhẹ một số yêu cầu đối với các ngân hàng nhỏ hơn.

Tuy nhiên, Trump đang nhắm tới những thay đổi lớn hơn. Vào ngày 21/4, tổng thống yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin xem xét lại các quy định về hỗ trợ của chính quyền với các ngân hàng thua lỗ, cũng như đánh giá tầm quan trọng của các tổ chức tài chính ngoài ngân hàng đối với hệ thống và vì vậy phụ thuộc vào các hạn chế bổ sung.

Kế hoạch của Trump khiến các nhà hoạch định chính sách của nhiều quốc gia khác phải lo lắng. Karen Shaw Petrou, đối tác quản lý tại Tập đoàn Phân tích Tài chính Liên bang tại Washington, cho biết băn khoăn chủ yếu của châu Âu là liệu nước Mỹ có tự ý hành động trong những vấn đề tối quan trọng như giải quyết các công ty thua lỗ theo trật tự hay không.

Tại Uỷ ban Giám sát Ngân hàng Basel, một nhóm các nhà quản lý đã bàn bạc các thoả thuận quốc tế về tiêu chuẩn vốn từ những năm 1980. Bản sửa đổi bộ quy định đang được hoàn chỉnh có thể sẽ hạn chế khả năng sử dụng các biện pháp đánh giá rủi ro nội bộ của ngân hàng nhằm xác định liệu các ngân hàng này có đủ vốn hay không.

Các nhà quản lý và chính khách châu Âu cho biết các đề xuất thay đổi là quá cứng nhắc đối với các đối tượng cho vay của nước họ. Tới nay, lập trường của nước Mỹ luôn vững chắc hơn so với châu Âu. Các quy định mới nhất của Basel được cho là đã được hoàn chỉnh vào đầu năm nay, nhưng vẫn chưa công bố, trong khi các chính khách và các nhà quản lý châu Âu đang chờ xem liệu Trump và các nhà quản lý của ông có thay đổi hướng đi hay không.

Trong bài phát biểu vào ngày 20/4, Valdis Dombrovskis, giám đốc dịch vụ tài chính của EU, cho biết EU hiện đang thảo luận nhằm tinh chỉnh các quy định, giúp liên minh phát triển. Dù vậy, ông cho rằng liên minh vẫn chưa sẵn sàng hạ thấp tiêu chuẩn giúp các ngân hàng an toàn.

Các quan chức châu Âu cũng đang tự nhìn nhận lại mình bởi họ đã từng đấu tranh trong cuộc trưng cầu dân ý rời EU của nước Anh. Thủ tướng May cùng nhiều nhà lập pháp khác cho rằng các thay đổi về quy định có thể được thực hiện sau Brexit.

Intercontinental Exchange, tập đoàn đứng sau nhiều trong số những sàn giao dịch lớn nhất thế giới, cho biết Brexit đem tới cho nước Anh cơ hội xem xét lại những quy định sai lầm của Brussels. Các luật sư tại Shearman & Sterling LLP tại London đã kêu gọi các nhà lập pháp cân nhắc sử dụng Brexit nhằm đạt được “khung quy định thân thiện với thị trường”.

Các nước EU đang cạnh tranh để thu hút các định chế tài chính sau khi hệ thống tài chính châu Âu đang tái tổ chức sau Brexit. Băn khoăn của họ là liệu các quy định có được sử dụng như một loại ưu đãi. Ireland đã phản ánh lên Uỷ ban châu Âu, cơ quan điều hành của EU tại Brussels, rằng các quốc gia khác đang đề xuất nới lỏng quy định nhằm cạnh tranh trong kinh doanh.

Cơ quan Thị trường và An ninh châu Âu đang tìm cách điều phối tiêu chuẩn trên toàn châu Âu. Tổ chức này cũng lo lắng về những diễn biến tiếp theo nếu các nhà quản lý quốc gia tại châu Âu cho phép các doanh nghiệp Anh thành lập văn phòng tại đất nước của họ trong khi hoạt động kinh doanh chính vẫn đặt tại London nhằm hạn chế giám sát của các nhà quản lý châu Âu.

Tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu ECB, các nhà quản lý đã cảnh báo về một lỗ hổng có thể gây tổn hại đến khả năng giám sát thị trường của họ nếu các ngân hàng di chuyển kinh doanh khỏi Anh: ECB không giám sát các chi nhánh và các đơn vị môi giới của đối tượng cho vay là người nước ngoài. Vấn đề này sẽ do các nhà quản lý quốc gia xử lý.

ECB cho biết cần phải củng cố công tác giám sát để ngăn chặn các ngân hàng “châm ngòi” xung đột giữa các giám sát viên quốc tế nhằm trục lợi. Sabine Lautenschlaeger, một thành viên trong hội đồng quản trị của ECB, phát biểu: “Chúng tôi sẽ cẩn trọng trong vấn đề chênh lệch quy định và giám sát”.

Quỳnh Mai

Bloomberg

Trở lên trên