MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BS Trương Hữu Khanh lật tẩy 2 sai lầm ngày Tết khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng

10-02-2021 - 21:38 PM | Sống

Trong bài viết dưới đây, BS Trương Hữu Khanh – chuyên gia về truyền nhiễm - phân tích về 2 sai lầm ngày Tết khiến dịch COVID-19 lây lan nhanh.

Dịch Covid-19 xảy ra từ ngày 28/1 tại Chí Linh, Hải Dương và Quảng Ninh sau đó lây lan ra các tỉnh thành. Mới đây nhất dịch lại xảy ra tại TP.HCM không liên quan gì tới Hải Dương và Quảng Ninh.

Hiện các cơ quan y tế đang giải trình tự gen của virus để xác định biến chủng của virus ở TP.HCM có giống với ở Hải Dương và Quảng Ninh hay không.

Ở các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này chu kỳ lây chỉ 1-2 ngày.

Thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở các đợt dịch trước, bệnh nhân phải mất 5-7 ngày ủ bệnh nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng. Từ đó, khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh rất cao. Hiện virus lây với hệ số lây nhiễm cao. Trong khi đó, đây là thời điểm vô cùng nhạy cảm do lễ, tết, đi lại nhiều.

 BS Trương Hữu Khanh lật tẩy 2 sai lầm ngày Tết khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh chóng - Ảnh 1.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân TP.HCM.

Các chuyên gia dịch tễ nhận định số ca mắc sẽ tăng cao lên rất nhiều nếu người dân không chú ý giữ gìn.

BS Trương Hữu Khanh – chuyên gia về truyền nhiễm - cho biết đến thời điểm này có thể đánh giá có rất nhiều sai lầm của người dân dẫn tới virus lây lan trong cộng đồng.

Hiện, hai thể bệnh biến chủng từ Anh và Nam Phi đều đã xuất hiện ở Việt Nam. Dù người mang biến thể từ Nam Phi đã được cách ly ngay khi nhập cảnh nhưng cũng không thể chủ quan với biến thể này. BS Khanh cho biết có hai sai lầm chúng ta hay coi thường, dễ mắc phải trong dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Sai lầm thứ nhất: Khai báo không trung thực 

Bác sĩ Khanh cho biết các trường hợp khai báo không trung thực như trường hợp N.T.K.A. ở Trần Bình, Hà Nội, rất nguy hiểm. Bệnh nhân có tiếp xúc với F0 nhưng lại không khai báo thành khẩn mà chỉ khi có triệu chứng mới cầu cứu cơ quan y tế. Trong thời gian này, K.A. đã tiếp xúc với nhiều người, và những người này lại tiếp xúc với các đối tượng khác.

Bác sĩ Khanh cho rằng khai báo trung thực là cách chúng ta khoanh vùng dịch và bảo vệ chính bản thân, người thân của mình. Nếu giấu diếm không khai báo thì virus có thể lây lan ra người thân, ra hàng xóm, ra cộng đồng. Người già, người bị bệnh mãn tính ảnh hưởng vô cùng nặng nề thậm chí tử vong. Vì vậy, đây là sai lầm không nên mắc phải.

Ngày Tết đi lại nhiều, bác sĩ Khanh cho biết mọi người vẫn cần nhớ khẩu hiệu khai báo trung thực. Nếu đến từ vùng dịch hay khu vực có dịch, cần khai báo để nhận được sự hỗ trợ của cơ quan y tế. Không nên sợ cách ly, sợ không thể di chuyển mà khai báo sai.

Sai lầm thứ hai: Tụ tập

Ngày thường, nhu cầu tụ tập đã lớn, ngày Tết nhu cầu này càng lớn hơn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng, ngành y tế liên tục tuyên truyền hạn chế tụ tập để chống lây lan dịch bệnh. Bất cứ ai cũng có thể là người mang virus nhưng mọi người vẫn chủ quan. Nhiều người cho rằng dịch không ở cạnh mình nên vẫn tụ tập ăn uống.

Trường hợp bệnh nhân ở công ty bốc vác hàng hoá trong sân bay Tân Sơn Nhất là điển hình. Bệnh nhân tụ tập nhiều khiến các cơ quan chức năng khó truy vết.

Bác sĩ Khanh lưu ý lần nữa rằng dịch lần này do virus chủng mới có tốc độ lây lan rất nhanh, vì thế nếu không hạn chế tập trung đông người thì dịch phát tán rất nhanh.

Từ 1 người mang virus không có biểu hiện của bệnh có thể lây cho rất nhiều người. Điển hình như một người ở Hải Dương đi ăn cưới và ghi nhận hàng loạt các ca tiếp theo trong cộng đồng. Chỉ trong vài ngày, từ ca bệnh đã lây sang người tiếp xúc gần, rồi người tiếp xúc với người tiếp xúc gần đó và lây sang các tỉnh rất nhanh.

BS Khanh không lên án người mang bệnh tụ tập vì bản thân họ có thể không biết. Nhưng thực tế là virus đã có trong cộng đồng, chúng ta không ai đoán được người nào mang virus, có thể người ăn cùng, ngồi cùng với chúng ta mang virus. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, bác sĩ Khanh kêu gọi hãy ngưng tụ tập, thực hiện khoảng cách an toàn.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC, ngày 10/02, TP.HCM ghi nhận thêm 01 trường hợp nghi nhiễm là nhân viên làm việc tại công ty VIAGS, liên quan đến đội bốc xếp mà có 7 trường hợp nhiễm trước đó. Trường hợp này được phát hiện khi thực hiện xét nghiệm tầm soát lần 2 đối với 1.600 nhân viên làm việc tại VIAGS. Như vậy đã có 07 trường hợp nhiễm, 01 nghi nhiễm chung tổ sắp xếp, bốc dỡ, giám sát hàng hóa tại sân bay.

Thành phố đã tiến hành truy vết, khoanh vùng các địa điểm liên quan đến trường hợp nghi nhiễm này.


Theo Ngọc Anh

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên