MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BSC: “Định giá thị trường đang ở mức tương đối hấp dẫn, Covid-19 tác động tiêu cực lên KQKD doanh nghiệp chỉ mang tính chất ngắn hạn”

BSC cho rằng, mặc dù triển vọng KQKD 2H2020 của các doanh nghiệp sẽ tương đối phụ thuộc vào khả năng khống chế và kiểm soát "làn sóng thứ 2", tuy nhiên triển vọng hồi phục về KQKD cũng như EPS sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 là tương đối khả thi.

Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho biết trong 7 tháng đầu năm, hiệu suất của VN-Index vẫn đang diễn biến tốt hơn hầu hết so với khu vực Đông Nam Á (đứng thứ 2 sau Malaysia), và kém hơn so với các nước khu vực Châu Á khác (Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc).

Theo BSC, thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 chứng kiến sự hồi phục đáng kể về điểm số theo mô hình chữ "V" sau khi mức định giá đã ở mức tương đối thấp. Xét theo góc nhìn về chỉ số định giá P/E, VN-Index đang giao dịch ở mức khoảng 13,1 lần, thấp hơn 14,3% so với mức bình quân 5 năm. Ngoài ra, Việt nam cũng đang giao ở mức P/E tương đối thấp hơn so với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, BSC cho rằng sự kiện "thiên nga đen" Covid-19 tác động tiêu cực lên KQKD của các doanh nghiệp chỉ mang tính chất ngắn hạn trong năm 2020.

Với kỳ vọng Vaccine sẽ được sản xuất thành công trong năm 2021 và KQKD các doanh nghiệp phục hồi, chỉ số EPS sẽ có tính biến động tương đối mạnh, do đó sẽ làm sai lệch góc nhìn về chỉ số định giá P/E. Do đó, BSC sử dụng góc nhìn dựa trên chỉ số định giá P/B.

BSC: “Định giá thị trường đang ở mức tương đối hấp dẫn, Covid-19 tác động tiêu cực lên KQKD doanh nghiệp chỉ mang tính chất ngắn hạn” - Ảnh 1.

VN-Index đang giao dịch ở mức P/B 1,72 lần, thấp hơn 21,2% so với mức bình quân 5 năm, và thấp hơn 26,8% so với mức bình quân 3 năm. BSC cho rằng, mặc dù triển vọng KQKD 2H2020 của các doanh nghiệp sẽ tương đối phụ thuộc vào khả năng khống chế và kiểm soát "làn sóng thứ 2", tuy nhiên triển vọng hồi phục về KQKD cũng như EPS sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021 là tương đối khả thi. Do đó, dựa trên mức nền KQKD thấp 2020, BSC đánh giá thị trường chứng khoán đang ở mức tương đối hấp dẫn trong điều kiện dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt đến cuối năm 2020.

Cơ hội nào cho thị trường trong nửa cuối năm?

Về cơ hội đầu tư trong giai đoạn cuối năm, BSC cho rằng tiến độ giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm 2020 vẫn còn tương đối chậm, sự kỳ vọng đẩy mạnh đầu tư công chuyển dần sang nửa cuối năm 2020 và năm 2021, dự kiến sẽ được đẩy mạnh triển khai hơn trong năm 2020 nhờ việc chuyển đổi 8 dự án từ hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công.

Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp vật liệu xây dựng (Thép – Xi măng – Nhựa đường), ngành xây dựng và một số ngành được hưởng lợi gián tiếp từ hạ tầng được triển khai như Bất Động Sản (VHM, DXG, NVL, DIG, NLG) và Khu Công nghiệp như (GVR, D2D, SZL).

Bên cạnh chủ đề đầu tư công, kỳ vọng về các thương vụ thoái vốn Nhà nước cũng là điểm đáng chú ý. Cuối Q2/2020, thủ tướng đã phê duyệt danh mục các doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn đến hết năm 2020. Gần nhất, SCIC đã công bố đấu giá 46 triệu cổ phiếu FPT, với tổng giá trị ước tính thu về trên 2.200 tỷ đồng. Ngoài các nhóm cổ phiếu có sở hữu của SCIC còn nhóm các cổ phiếu liên quan đến các bộ/ban ngành (Bộ Xây Dựng, Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng).

Kỳ vọng dòng vốn ngoại trở lại cũng là yếu tố đáng chú ý trong giai đoạn cuối năm khi MSCI chuẩn bị nâng hạng Kuwait lên thị trường mới nổi sang vào thời điểm tháng 11/2020. Ngoài ra, Việt Nam với khả năng kiểm soát dịch tương đối tốt, môi trường đầu tư và định giá thị trường hấp dẫn cũng là một trong những yếu tố tiên quyết có thể giúp thu hút dòng tiền khối ngoại trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021.

Long Nhật

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên