MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BTC yêu cầu ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt: Ai có đủ thẩm quyền quyết định?

15-06-2016 - 07:45 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính không thống nhất được việc 2 ngân hàng Vietinbank và BIDV chia cổ tức bằng tiền mặt thì có lẽ phải đưa lên cấp cao hơn để giải quyết.

Ngân hàng đúng hay Bộ Tài chính đúng?

Trước thông tin Bộ Tài chính khẳng định, việc ban hành văn bản yêu cầu 2 ngân hàng: Vietinbank và BIDV chi trả cổ tức bằng tiền mặt của Bộ Tài chính là Bộ đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình khi yêu cầu các ngân hàng phải chấp hành đúng chính sách pháp luật của nhà nước.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho hay, ngân hàng này cũng khẳng định rằng họ đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thực hiện đúng đầy đủ trình tự phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức tại ĐHCĐ 2016.

Ngân hàng BIDV cho rằng, theo qui định của Luật Doanh nghiệp, các doanh nghiệp cổ phần phải tiến hành ĐHCĐ trong thời hạn 4 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Và vào cuối tháng 2/2016, BIDV đã có nghị quyết thống nhất về việc tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư 21 của Bộ Tài chính, trước khi BIDV tổ chức ĐHĐCĐ năm 2016 thì BIDV đã có công văn gửi NHNN báo cáo tài liệu thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2016, trong đó có phương án chi trả cổ tức 2015. Đồng thời, BIDV cũng liên tiếp có các văn bản giải trình, bổ sung các nội dung tài liệu tại ĐHĐCĐ 2016 theo yêu cầu của NHNN.

Cũng theo qui định của Luật doanh nghiệp, “mức cổ tức đối với mỗi cổ phần của từng loại” là nội dung ĐHĐCĐ thường niên thảo luận và thông qua. Vì vậy, BIDV đã có văn bản báo cáo rõ về dự thảo tờ trình thông qua BCTC năm 2015, trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận; Tờ trình phương án tăng vốn điều lệ…

Như vậy, về trình tự thủ tục phê duyệt phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức năm 2015 tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2016, BIDV khẳng định đã thực hiện đầy đủ theo đúng qui định của pháp luật hiện hành. Hơn nữa, BIDV cũng đã thực hiện trình ĐHĐCĐ thường niên thông qua các vấn đề gồm phương án phân phối lợi nhuận, chi trả cổ tức 2015 theo đúng quy định của pháp luật.

Ai sẽ quyết định?

Theo BIDV cho biết, trước nhu cầu cấp bách về vốn để đảm bảo các mục tiêu như: Duy trì tăng trưởng tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, tuân thủ theo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động kinh doanh theo quy định của NHNN và cam kết với các đối tác, thực thi các mục tiêu quản trị theo thông lệ quốc tế như Basel II-III, cải thiện định hạng tín nhiệm và đảm bảo các cam kết với cộng đồng quốc tế; BIDV đã xây dựng và đề xuất một số biện pháp để cải thiện và nâng cao nền vốn tự có của ngân hàng.

Trong đó có đề xuất tăng vốn từ lợi nhuận để lại, cụ thể là thông qua hình thức chi trả cổ tức năm 2015 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,5% cho các cổ đông có tên trong danh sách chốt tại thời điểm chi trả.

Trên cơ sở yêu cầu tăng vốn, sau khi đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục theo qui định, tại ĐHĐCĐ 2016, BIDV đã đưa ra thảo luận các nội dung như đã báo cáo, đề xuất, trong đó có nội dung chia cổ tức năm 2015. Các nội dung đã được ĐHĐCĐ 2016 đưa ra thảo luận công khai và thông qua theo đúng qui định.

Riêng nội dung dự thảo tờ trình ĐHĐCĐ thông qua BCTC năm 2015, việc trích lập các quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016 và phương án tăng vốn điều lệ năm 2016, ĐHĐCĐ đã ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án theo phê duyệt chính thức cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, ĐHĐCĐ thông qua nội dung phương án chi trả cổ tức là quyết định “có điều kiện” và ủy quyền cho HĐQT BIDV thực hiện điều chỉnh phương án chi trả cổ tức theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trao đổi với PV Infonet về việc ngân hàng và Bộ Tài chính đều khẳng định rằng họ thực hiện theo đúng quy định pháp luật, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm CLB Pháp chế Hiệp hội Ngân hàng, Chủ tịch Công ty Luật BASICO cho biết, NHNN là đại diện chủ sở hữu tại các ngân hàng này và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về việc quản lý vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại doanh nghiệp, trong đó có việc chia cổ tức theo quy định của pháp luật.

“Về phía Bộ Tài chính cũng đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng chỉ là khuyến nghị, chứ không chịu trách nhiệm trực tiếp và không ra quyết định hành chính yêu cầu nộp tiền cổ tức. Do vậy, nếu NHNN và Bộ Tài chính không thống nhất được là ai đúng, ai sai thì phải đưa lên cấp cao hơn”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.

Bởi theo Luật sư Đức, vấn đề mâu thuẫn ở đây là mục đích sử dụng tiền cổ tức cho tái đầu tư vào ngân hàng thương mại hay cho mục đích chung. Do vậy, NHNN và Bộ Tài chính phải ngồi lại với nhau để xem xét thực sự những ngân hàng này có cần phải tăng vốn hay không? Trong trường hợp cần thiết, không những cần giữ lại cổ tức để tăng vốn, mà thậm chí còn phải cấp thêm ngân sách để bảo đảm việc tăng vốn cho ngân hàng. Và Thủ tướng Chính phủ sẽ là người quyết định cuối cùng.

“Nếu việc tăng vốn điều lệ chưa thực sự cấp bách, thì có thể nộp toàn bộ hoặc một phần cổ tức về Kho bạc Nhà nước. Nhưng Bộ Tài chính cũng phải bảo đảm nguồn vốn nếu việc yêu cầu tăng vốn của các ngân hàng là cần thiết. Và nhu cầu tăng vốn điều lệ cũng thực sự cần thiết và cấp bách, thì cần giữ lại để tăng vốn hoặc chuyển hết cổ tức về Kho bạc Nhà nước, đồng thời với việc quyết định việc thoái vốn Nhà nước khỏi ngân hàng, chẳng hạn như chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho tư nhân", Luật sư Đức nêu ý kiến.

Theo Hải Yến

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên