Bức tranh 4G 2019 không sáng sủa!
Tuy lưu lượng data 4G tăng hàng trăm phần trăm nhưng doanh thu chỉ tăng chậm hơn nhiều do cuộc đua giảm giá "phá đáy" giữa các nhà mạng...
- 01-12-2019Khi 5G 'bỏ xa' 3G và 4G: Nhìn lại 3 thế hệ mạng di động
- 30-01-2019Chi tiết chất lượng 4G của các 'đại gia' viễn thông ở khu vực Hà Nội
- 14-01-2019Băng tần dành cho 4G đứng chót bảng, chất lượng 4G của Việt Nam đáng lo ngại
Lưu lượng 4G năm 2019 tăng rất mạnh nhưng doanh thu lại không tăng tương xứng.
Điều này khiến ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), khi nhìn lại bức tranh kinh doanh 4G năm 2019, đã bày tỏ không vui vì kết quả kinh doanh dịch vụ 4G – dịch vụ đang được xem là chủ đạo của nhà mạng - đã không đạt được như mục tiêu, và do vậy, theo ông, 4G 2019 là bức tranh không sáng sủa!
Khi 4G đang "gánh" vai trò chủ đạo
Theo lãnh đạo VNPT, 4G hiện nay đã trở thành dịch vụ truyền thống và là động lực tăng trưởng chính của các nhà mạng. Số liệu thống kê của Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến thời điểm tháng 11/2019, Việt Nam có 61,86 triệu thuê bao sử dụng dữ liệu (data, gồm 3G và 4G – PV).
Tuy cơ quan quản lý không phân chia cụ thể số thuê bao 3G và 4G nhưng theo tìm hiểu thuê bao 4G đang chiếm nhỉnh hơn 3G, và tất nhiên tốc độ tăng trưởng 4G của các nhà mạng cũng cao hơn rất nhiều so với 3G.
Ông Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, hiện nay, tăng trưởng chính của viễn thông là data, thoại thì giảm mạnh. Chính sự tăng trưởng của data đã giúp duy trì được tăng trưởng của viễn thông di động và bù được sự suy giảm của thoại.
Cụ thể tại Viettel, năm 2019, 4G của nhà mạng lớn nhất Việt Nam này tăng hơn 200%, 3G tăng khoảng 30%, còn thoại giảm tới 45%. Theo ông Thắng, mặc dù tăng trưởng của data lớn như vậy, đặc biệt 4G, nhưng do doanh thu từ thoại vẫn rất lớn (trong cơ cấu doanh thu của nhà mạng) do vậy mức tăng của data mới chỉ giúp duy trì được mức tăng trưởng nói chung của nhà mạng chứ chưa tạo được sự tăng trưởng đột phá.
Theo đánh giá của các nhà mạng lớn, 4G ở Việt Nam hiện đang là chủ đạo (trong nhóm các dịch vụ viễn thông), vì 2G chỉ là thoại mà thoại lại đang giảm mạnh, 3G thì doanh nghiệp không còn đầu tư. Còn 4G đang là thời điểm cao nhất về hiệu quả khai thác và cũng là thời điểm chín muồi nhất.
"Sở dĩ data 4G tăng trưởng mạnh vì là xu thế tất yếu, bởi ngày càng nhiều nội dung trên môi trường Internet, nhiều dịch vụ số, nhiều nền tảng số (platform),… hay sự chuyển dịch tự nhiên sang số cũng góp phần tăng trưởng data", ông Thắng lý giải về "điểm rơi" khai thác 4G cũng như vai trò chủ đạo của thế hệ công nghệ di động này trong hoạt động kinh doanh viễn thông di động của nhà mạng.
Nhưng bức tranh 4G 2019… không sáng sủa!
Dù 4G được đánh giá có vai trò chủ đạo về tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh viễn thông của nhà mạng nhưng ông Phạm Đức Long, Tổng giám đốc VNPT lại cho rằng, bức tranh 4G năm 2019 không sáng sủa vì lưu lượng data tăng rất nhiều, khách hàng dùng 4G tăng rất mạnh nhưng doanh thu chỉ tăng "là đà", không được bao nhiêu.
"Mục tiêu tăng doanh thu từ data năm 2019 của chúng tôi là 32%, tuy nhiên thực tế chỉ đạt được 18,6%", ông Huỳnh Quang Liêm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết.
Nguyên nhân khiến lưu lượng data 4G tăng hàng trăm % nhưng doanh thu chỉ tăng một vài chục % theo lý giải của nhiều nhà mạng là do cuộc đua giảm giá "xuống đáy" giữa các nhà mạng. Cuộc đua này bắt đầu từ cuối năm 2018 và kéo dài suốt cả năm 2019. Cụ thể, trước đây thời 3G, giá 1GB trung bình khoảng 40-50 đồng, tuy nhiên, hiện nay 1GB data cho cả 3G và 4G chỉ còn khoảng trên dưới 10 nghìn đồng.
Đại diện một nhà mạng lớn cho biết, khi các mạng lao vào cuộc chiến nhân (x) 2, tức giảm xuống còn 20 nghìn đồng/GB, tiếp đến là x4, rồi x5, x6, chính vì thế giá data đã lao dốc khủng khiếp. Và đây chính là lý do khiến lưu lượng data luôn tăng gấp đôi gấp ba nhưng doanh thu data chỉ tăng từ 10-20%.
"Với một số nhà mạng nhỏ chỉ bỏ vốn đầu tư ít để xây dựng hạ tầng mạng lưới (trạm BTS) nhưng liên tục tung ra các gói cước rất rẻ và siêu rẻ để lôi kéo khách hàng. Còn chúng tôi, dù phải đầu tư hạ tầng 4G rất lớn và vẫn đang phải tiếp tục đầu tư nhưng cũng buộc phải lao vào cuộc đua giảm giá không sẽ bị mất một phần khách hàng", đại diện một nhà mạng lớn cho biết.
Vị đại diện nhà mạng này lập luận, về nguyên tắc anh kinh doanh kiểu gì thì kinh doanh nhưng không được bán phá giá, nhưng ở đây – dịch vụ 4G – nhà mạng cứ đua nhau phá giá và không có hồi kết, dẫn tới triệt tiêu tất cả lợi nhuận của doanh nghiệp, mà nghịch cảnh không đua không được.
"Hiện nay dịch vụ di động này không quản lý giá sàn. Do vậy để thị trường 4G phát triển bền vững rất cần thiết phải có chính sách quản lý, kiểm soát để không ai được bán dưới đáy đấy", vị lãnh đạo nhà mạng lớn trên đề xuất.
Vneconomy