MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam

11-04-2024 - 10:50 AM | Doanh nghiệp

Thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam có quy mô hơn 27 nghìn cơ sở trên cả nước được cho là không mấy tươi sáng khi điểm nhấn chính là tình trạng lỗ nhiều hơn lãi của các doanh nghiệp nổi bật như F88, Người Bạn Vàng,VietMoney, Srisawad,…

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam- Ảnh 1.

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam. Ảnh: Vietdata

Vietdata vừa cập nhật báo cáo thị trường cầm đồ Việt Nam năm 2023, theo đó, dẫn báo cáo thống kê của Bộ Công an vào cuối năm 2022, Vietdata ước tính, tại Việt Nam có khoảng 27 nghìn cơ sở cầm đồ đang hoạt động.

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam- Ảnh 2.

Số lượng cửa hàng của một số doanh nghiệp chuỗi cầm đồ tại Việt Nam. Nguồn Vietdata

Theo Vietdata, hiện nay, một số công ty nổi tiếng trong ngành và phát triển theo dạng chuỗi như F88, Người Bạn Vàng, VietMoney, Srisawad,… đã và đang thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư tài chính, giúp lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Các gói vay của họ không chỉ có thủ tục đơn giản mà còn thích ứng linh hoạt với nhiều phân khúc khách hàng nhằm tối ưu hóa trải nghiệm và đáp ứng nhanh chóng nhu cầu tài chính của khách hàng.

Về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp nổi bật trên thị trường chuỗi cửa hàng cầm đồ, dữ liệu thống kê của Vietdata hiện cho thấy bức tranh không mấy khả quan khi các doanh nghiệp, kể cả tên tuổi dẫn đầu thị trường là F88 để trong cảnh “lời ít, lỗ nhiều”.

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam- Ảnh 3.

Lợi nhuận sau thuế của một số doanh nghiệp chuỗi cầm đồ tại Việt Nam. Nguồn Vietdata

F88 - doanh nghiệp quy mô nhất thị trường

Theo Vietdata, ra đời từ năm 2013 với mục tiêu cung cấp dịch vụ tài chính nhanh chóng - dễ dàng - minh bạch, F88 là một những doanh nghiệp lớn tham gia thị thị trường cho vay cầm cố tại Việt Nam.

F88 cung cấp dịch vụ cho vay thông qua bằng ô tô/đăng ký ô tô, xe máy/đăng ký xe máy, điện thoại, laptop… Ngoài ra, công ty còn cung cấp các dịch vụ tiện ích tài chính khác như bảo hiểm, chuyển tiền, chi hộ, thu hộ tiền điện, nước, internet…

Với lợi thế nguồn vốn lớn từ sự đầu tư của các quỹ đầu tư tài chính như Mekong Capital và Granite Oak cùng với hệ thống hơn 800 chi nhánh trải dài khắp đất nước, F88 có thể nhanh chóng tiếp cận hầu hết các đối tượng khách hàng khi có nhu cầu vay tiền thông qua hệ thống phòng giao dịch trên toàn quốc.

Về bức tranh kinh doanh của F88, dữ liệu của Vietdata cho thấy, trong giai đoạn bốn năm 2020-2023, doanh thu thuần của công ty tăng đều qua từng năm, ghi nhận hơn 2300 tỷ đồng năm 2023.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty có xu hướng phát triển tiêu cực. Sau khi lợi nhuận chứng kiến một sự tăng trưởng đột phá vào năm 2022, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế năm 2023 là âm hơn 500 tỷ đồng. Nguyên nhân lợi nhuận giảm là do công ty thận trọng trong quá trình trích lập dự phòng rủi ro.

Người Bạn Vàng

Theo Vietdata, Người Bạn Vàng cũng là một trong những công ty khá có danh tiếng trên thị trường cầm đồ tại Việt Nam và là thương hiệu đối tác chiến lược của PNJ.

Thành lập năm 2017, chuỗi có dịch vụ cầm đồ đa dạng các sản phẩm từ điện thoại, laptop cho đến vàng, trang sức, kim cương và các thương hiệu đồng hồ nổi tiếng như Rolex, Hublot, Patek Philippe… Khách hàng có thể trao đổi thông tin qua 117 cửa hàng, tập trung ở khu vực phía Nam, chủ yếu tại TP. HCM.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của Vietdata, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Người Bạn Vàng ghi nhận xu hướng tăng trưởng trái ngược nhau. Khác với sự tăng trưởng ổn định của doanh thu thuần, tăng gấp 2-3 lần mỗi năm, lợi nhuận sau thuế vươn lên mức lợi nhuận dương năm 2021 sau đó có sự giảm nhẹ trong năm 2022, chỉ đạt hơn 1 tỷ đồng.

Tiện Ngay

Ra đời vào cuối năm 2019, thương hiệu hướng đến định vị là chuỗi tài chính đa tiện ích tiên phong tại Việt Nam. Mô hình công ty tập trung phát triển theo chuỗi các phòng giao dịch, đồng thời cung cấp đa dạng các giải pháp tài chính như: thanh toán, thu hộ, chi hộ, sản phẩm đầu tư, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ vốn,…

Qua từng năm phát triển, Tiện Ngay liên tục mở rộng chuỗi chi nhánh và nhanh chóng đạt tới quy mô hơn 30 phòng giao dịch tại Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ và một số tỉnh thành khác.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của Vietdata, dịch vụ tài chính Tiện Ngay chứng kiến sự tăng trưởng doanh thu thuần trong ba năm nhưng lợi nhuận sau thuế lại có xu hướng tiêu cực.

Cụ thể, doanh thu của thương hiệu tăng khoảng 18 tỷ đồng mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2022, đạt gần 55 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn chưa có tín hiệu tích khi tiếp tục tăng lỗ xuống âm 14 tỷ đồng năm 2022.

Srisawad

Theo Vietdata, Srisawad Việt Nam là một trong những công ty con của tập đoàn tài chính International Holding với 100% vốn Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực giải pháp cho vay tiền tiêu dùng tín chấp. Công ty được thành lập từ 2016 có trụ sở chính tại tỉnh Nghệ An, Việt Nam. Sau gần 10 năm phát triển, hiện Srisawad Việt Nam có 120 chi nhánh trên toàn quốc với hơn 2000 nhân sự.

Xét về tình hình kinh doanh của Srisawad Việt Nam, dữ liệu từ Vietdata cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận xu hướng giảm trong doanh thu thuần kéo theo mức lỗ tăng thêm.

Trong năm 2022, doanh thu thuần của chuỗi dịch vụ đạt hơn 43 tỷ đồng, trong khi đó lợi nhuận xuống mức âm 75 tỷ đồng.

Vietmoney

Thành lập từ năm 2016, với định hướng trở thành hệ thống chuỗi cầm đồ, VietMoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) và hiện đang có 35 chi nhánh hoạt động tại nhiều tỉnh thành phía Nam.

Hướng đến mục tiêu trở thành hệ thống cầm đồ uy tín và có quy mô hàng đầu tại Việt Nam, VietMoney luôn không ngừng mở rộng và phát triển để mang đến cho khách hàng giải pháp tài chính tiện lợi.

Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu của Vietdata,Vietmoney cũng ghi nhận sự tăng trưởng ổn định về doanh thu thuần, đạt hơn 13 tỷ đồng năm 2022. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế giảm dần đều và ghi nhận âm 22 tỷ đồng vào năm 2022.

Bức tranh “lời ít lỗ nhiều” của thị trường chuỗi cầm đồ Việt Nam- Ảnh 4.

Doanh thu thuần của một số doanh nghiệp chuỗi cầm đồ tại Việt Nam. Nguồn Vietdata

Triển vọng đi cùng thách thức cho thị trường chuỗi cầm đồ

Dù ước tình có đến khoảng 27 nghìn cơ sở cầm đồ đang hoạt động, nhưng theo Vietdata, số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại các cơ sở cầm đồ truyền thống này rất khó ước tính bởi không được thống kê rõ ràng. Tuy nhiên, Vietdata cũng cho biết, theo nghiên cứu của các chuyên gia, số lượng khách hàng của các loại hình cho vay này là rất lớn.

Năm 2016, với sự ban hành Nghị quyết mới của chính phủ, các công ty cho vay cầm cố tài sản kiểu mới ra đời, hoạt động chuyên nghiệp và minh bạch hơn trong thẩm định và thực hiện các thủ tục cho vay. Từ đó, nhằm hạn được một phần của nạn "tín dụng đen" của Việt Nam.

Một số công ty nổi tiếng trong ngành và phát triển theo dạng chuỗi như F88, Người Bạn Vàng, và VietMoney,... đã và đang thu hút sự quan tâm của các quỹ đầu tư tài chính, giúp lĩnh vực này ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích cho người dân đang có nhu cầu gấp về vấn đề tài chính. Nhưng trên thực tế, theo Vietdata, hiện nay mô hình cầm đồ cũng như dịch vụ vay tiêu dùng tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề kiểm soát và thu hồi nợ.

Theo báo cáo của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, năm 2023, ước tính tỷ lệ nợ xấu bình quân ở nhóm công ty tài chính có nguy cơ tăng trên 15% (trong bối cảnh tỷ lên nợ xấu trong tín dụng tiêu dùng toàn hệ thống có xu hướng gia tăng (khoảng gần 3,7% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, trong khi từ năm 2018 đến năm 2022 chỉ xấp xỉ 2%).

Lý giải cho tình trạng trên, Vietdata nhận định nguyên nhân được cho là khách hàng bị suy giảm khả năng thanh toán nợ do kinh tế khó khăn. Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng khác vẫn chưa có chế tài xử lý là do khách hàng cố ý không trả nợ. Điều này làm cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro tăng cao.

Nhận định về sự khác biệt giữa các công ty hoạt động cho vay cầm cố tài sản kiểu mới và các công ty cầm đồ truyền thống, Vietdata đánh giá không chỉ là về tài chính mà còn liên quan đến hình ảnh và xây dựng thương hiệu bởi việc vi phạm pháp luật hoặc tự hủy hoại hình ảnh có thể đe dọa nguồn tiền lớn từ các quỹ đầu tư tài chính nước ngoài.

Với mục đích giúp người dân, đặc biệt là những người yếu thế tiếp cận được các dòng vốn chính thức, tránh xa tín dụng đen. Cùng với việc các công ty cho vay cầm cố tài sản có thể cung cấp các khoản vay nhỏ và thủ tục đơn giản, điều này cho thị trường vẫn có tiềm năng phát triển mở rộng.

Tuy nhiên, theo nhận định của Vietdata, để lĩnh vực này phát triển hơn trong tương lai, các công ty cần thận trọng hơn trong quá trình thẩm định tín dụng, định giá tài sản, trích lập dự phòng rủi ro theo quy định để phản ánh đúng chất lượng nợ và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời chính phủ cần đưa ra những biện pháp phù hợp để ngăn chặn kịp thời những hành vi “bùng nợ”, bạo lực để thu hồi nợ.

Theo Diệp Nam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên