Bùng nổ giao hàng hỏa tốc
Sau giai đoạn đua nhau "câu kéo" khách hàng thông qua việc giảm giá để định hình tên tuổi, các sàn thương mại điện tử bắt đầu chuyển sang đầu tư mạnh cho việc rút ngắn thời gian giao hàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Hải Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam (VECOM), đánh giá 2018 là năm ghi dấu ấn đậm nét nhất cho lĩnh vực TMĐT từ trước đến nay, thông qua cuộc chạy đua rót vốn vào các sàn. Việc này kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành giao hàng và thanh toán. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục sôi động trong năm 2019.
Ăn theo thương mại điện tử
Theo ông Lê Hải Bình, cuộc tranh giành ngôi vương của các sàn TMĐT sẽ còn khốc liệt hơn trong năm 2019, nhất là sau khi Shopee bất ngờ ngoạn mục vượt Lazada giành vị trí dẫn đầu thị trường.
Nắm bắt xu thế đó, nhiều đơn vị kinh doanh vận chuyển hoặc bản thân các công ty TMĐT đã đầu tư lớn vào lĩnh vực giao nhận nhằm đẩy nhanh thời gian giao hàng. Chẳng hạn, lĩnh vực giao nhận của các công ty độc lập như Giaohangnhanh, Giaohangtietkiem, DHL eCommerce… cho ra đời các dịch vụ giao hàng trong ngày.
Về phía các sàn TMĐT, Shopee 4H của Shopee giao hàng trong vòng 4 giờ, áp dụng cho đơn hàng nặng dưới 10 kg hoặc chiều dài sau khi đóng gói dưới 50 cm. Lazada Việt Nam tung dịch vụ giao hàng trong ngày với tên gọi "Hỏa tốc". Tiki có dịch vụ giao hàng tức thời TikiNow, tới tay người mua trong vòng 2 giờ. Chưa kể, thị trường giao nhận còn ghi nhận một số gương mặt khởi nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ thông qua khai thác dữ liệu Google Maps để điều phối đơn hàng, như Ship60, SuperShip, NowShip…
Các doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến đang đầu tư mạnh cho dịch vụ giao hàng nhanh để lấy lòng khách hàng và cạnh tranh với đối thủ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Phùng Khắc Huy, Tổng Giám đốc Ship60, cho biết việc ứng dụng các công nghệ máy móc, phân tích dữ liệu lớn cùng với khai thác dữ liệu giao thông trên nền tảng Google Maps sẽ giúp dự đoán các khả năng có thể xảy ra trong mạng lưới giao thông, từ đó lựa chọn được phương án vận chuyển nhanh chóng, tối ưu.
Các gương mặt giao nhận mới này còn cung cấp dịch vụ giao nhận linh hoạt, chuyên biệt theo nhu cầu khách hàng. Mỗi đơn vị giao nhận có thể là đối tác của nhiều khách hàng khác nhau như sàn TMĐT, chuỗi bán lẻ có bán hàng trực tuyến… và đáp ứng nhiều loại yêu cầu khác nhau, đặc biệt tập trung vào đơn hàng cần giao ngay.
Ai nhanh người đó thắng!
Bên cạnh các "tay chơi mới" trong sân chơi giao nhận, nhiều nhà bán lẻ hoặc các siêu ứng dụng cũng đổ nguồn lực không nhỏ vào cuộc chiến này. Điển hình là dịch vụ giao nhận NowShip trên ứng dụng Now của Công ty CP Foody phục vụ giao hàng nhanh cho khu vực nội thành TP HCM, Hà Nội và có thể tiến tới triển khai tại hơn 10 tỉnh, TP khác.
Với mức phí 6.000 đồng/km, NowShip được đánh giá là bảo đảm giá hợp lý với những đơn hàng cần giao gấp. Mức phí 6.000 đồng/km tuy không quá cao so với mức thông thường khoảng 4.000-5.000 đồng/km nhưng cũng đủ mang lại khoản thu nhất định cho sàn TMĐT và đối tác giao hàng.
Trên thị trường giao đồ ăn, tốc độ và chất lượng là yếu tố quyết định chứ không phải mã khuyến mại hay các chiêu trò ưu đãi khác. Bởi vậy, Grab được cho là khá nhanh nhạy khi tận dụng lợi thế mạng lưới tài xế GrabBike khổng lồ để phục vụ mảng giao nhận đồ ăn, hàng hóa. Điều này mang lại cho Grab số đơn hàng bùng nổ chỉ sau không tới 1 năm ra mắt mảng giao nhận thức ăn.
Chị Lê Thu Hằng (quận 3, TP HCM) nhận xét: "Phí giao nhận của Grab tuy không phải lúc nào cũng rẻ hơn các dịch vụ khác nhưng tốc độ nhận đơn hàng và giao khá nhanh, có thể do đội ngũ tài xế đông đảo. Vì thế, dù ứng dụng này không quá hào phóng trong việc tặng mã giảm giá, nhất là với đơn hàng thanh toán bằng tiền mặt nhưng trong nhiều trường hợp cần giao sớm, tôi vẫn đặt Grab".
Chuyên gia của VECOM đánh giá việc đầu tư vào chiến lược cải thiện tốc độ giao hàng hiện nay là nhằm thay thế dần các "cơn bão" giảm giá khuyến mại trước đây. Theo đó, thay vì đổ tiền vào việc này, các nhà bán lẻ nên đầu tư vào công đoạn khác nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ở chiều sâu.
"Thực tế, việc tung mã giảm giá đã thành công khi những thương hiệu mạnh định vị được vị trí trong thói quen mua sắm của người dân. Điều tất yếu là sau khi đã thành công họ sẽ chuyển sang cải thiện chất lượng dịch vụ và nhắm tới nhóm khách hàng VIP. Như thế, phía nhà bán lẻ hoặc cung cấp dịch vụ không bị dàn trải nguồn lực và có đủ sức đấu lâu dài hơn, còn khách hàng được hưởng lợi hơn" - chuyên gia này nhận xét.
Còn nhiều tiềm năng
Báo cáo Chỉ số TMĐT Việt Nam năm 2018 cho thấy nhiều doanh nghiệp chuyển phát lớn có tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ này từ 62% đến 200% trong năm 2017. Với khoảng 30% dân số Việt Nam được dự đoán sẽ chuyển sang mua sắm trực tuyến vào năm 2020, nhu cầu giao hàng của ngành TMĐT sẽ tăng lên đáng kể.
Đây là điều kiện thuận lợi cho mảng giao hàng hỏa tốc phát triển. Theo đó, các doanh nghiệp TMĐT sẽ phải dựa vào đơn vị giao nhận để chạy đua về tốc độ, còn các công ty giao nhận phải có nhiều hơn các gói dịch vụ phù hợp cho đối tác.
Người lao động