MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước nhảy vọt của đầu tư bền vững tại Đông Nam Á

Chỉ khoảng 10 năm trước, hầu hết các nhà đầu tư lớn ở Đông Nam Á thường nhắm đến các ngành công nghiệp dầu khí, khai khoáng và nông sản trong các quyết định đầu tư. Ngày nay, nhiều nhà đầu tư lại dồn sự chú ý đến các dự án năng lượng tái tạo, dịch vụ y tế, giáo dục hay nền tảng tài chính hỗ trợ khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp nhỏ.

Nhiều dòng vốn đầu tư trong khu vực Đông Nam Á đang hướng đến các dự án hoạt động với mục tiêu bền vững. Một nghiên cứu của Bain&Co cho thấy có sự gia tăng đáng kể dòng vốn chảy vào các công ty đóng góp cho tiến bộ môi trường và xã hội thời gian qua.

Trong tất cả giao dịch vốn cổ phần tư nhân nửa đầu năm 2019, có tới 56% công ty tham gia đáp ứng các tiêu chí bền vững, tăng từ mức 30% năm 2017. Tổng giá trị các khoản đầu tư bền vững nửa đầu năm 209 là khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 60% so với nửa đầu năm 2018.

Đầu tư có tính tới lợi ích xã hội đang có xu hướng tăng trên thế giới. Điều này được thúc đẩy bởi sự quan tâm của công chúng với những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nạn phá rừng và bất bình đẳng xã hội.

Nhiều bên liên quan đang nỗ lực trong việc quản lý quỹ đầu tư theo hướng kết hợp các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) vào quy trình đầu tư. Kết quả là, ngày càng nhiều quỹ đầu tư được lập nên đáp ứng các nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm (PRI), được hỗ trợ một phần bởi Liên Hợp Quốc.

Các quỹ đầu tư tư nhân trên toàn cầu cũng đang nhanh chóng áp dụng các tiêu chí ESG và chuyển dần trọng tâm các khoản đầu tư của họ. Và khi nhận thức cũng như cam kết cho sự bền vững tăng lên, các doanh nghiệp tư nhân ngày càng nhìn thấy nhiều cơ hội lớn.

Ví dụ như tập đoàn đầu tư toàn cầu EQT có trụ sở tại Thụy Điển, hiện quản lý tổng tài sản khoảng 45 tỷ USD. Tập đoàn này có một bảng đánh giá ESG riêng cho tất cả các danh mục đầu tư và có thể theo dõi hiệu suất các tiêu chí ESG của mỗi dự án.

Trong khu vực Đông Nam Á, các quỹ đầu tư lớn hoặc có sự liên kết với chính phủ cũng đang có nhiều hoạt động tích cực. Các quỹ như Temasek và Khazanah Nasional đã góp phần cung cấp vốn dài hạn để phát triển các nền tảng kinh doanh thành công trên nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe.

Một khi các quỹ lớn nhất trong khu vực trở thành người dẫn đầu trong việc đưa các mục tiêu bền vững vào chiến lược đầu tư, họ đã và đang truyền cảm hứng cho các công ty và quỹ đầu tư khác có những động thái tương tự. Trong một khảo sát gần đây của Bain&Co, có tới 96% nhà đầu tư trong khu vực cho biết họ đã tăng các nỗ lực trong việc kết hợp các tiêu chí môi trường và xã hội vào quyết định đầu tư.

Quan trọng hơn, ngày càng có nhiều nhiên cứu cho thấy rằng các khoản đầu tư có kết hợp các tiêu chí ESG đã thực hiện không thua kém hoặc có phần tốt hơn so với các khoản khác. Đó chính là sự thúc đẩy chuyển đổi sang lĩnh vực đầu tư bền vững.

Bước nhảy vọt của đầu tư bền vững tại Đông Nam Á - Ảnh 1.

Số lượng các nhà quản lý quỹ cam kết theo nguyên tắc PRI do Liên Hợp Quốc hỗ trợ đã tăng lên hơn 2.660, từ con số 1.200 năm 2013. Tổng lượng vốn của các quỹ đầu tư này đã tăng lên tới 82 nghìn tỷ USD, với mức tăng trưởng kép hàng năm là 19% cùng kỳ.

Vào tháng 12 năm 2018, quỹ đầu tư KKR đã thực hiện khoản đầu tư có tác động toàn cầu đầu tiên tại Đông Nam Á khi cam kết đầu tư 33 triệu USD vào cổ phần của Barghest Building Performance, nhà cung cấp giải pháp tiết kiệm năng lượng của Singapore. Chiến lược đầu tư của KKR chú trọng vào các dự án tiềm năng, nơi hiệu quả tài chính và tác động xã hội được liên kết và không có sự đánh đổi giữa hai mục tiêu.

Cũng trong năm 2018, các quỹ đầu tư tư nhân đã chi hơn 6 tỷ USD vào danh mục có tính bền vững ở Đông Nam Á, chiếm 41% tổng giá trị đầu tư. So với con số vỏn vẹn chỉ có 1% năm 2010 thì các khoản đầu tư mới này đã có bước nhảy vọt đáng kể.

Các dự án khởi nghiệp tại khu vực cũng đang đẩy nhanh việc chuyển sang đầu tư với mục tiêu bền vững. Halodoc, một nền tảng kỹ thuật số trong lĩnh vực y tế tại Indonesia, cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh. Một ví dụ khác là sự hợp tác của tập đoàn Topica Edtech với 16 trường đại học ở Mỹ, Philippines và Việt Nam để cung cấp các khóa học trực tuyến chất lượng cao tại Đông Nam Á.

Hoàng Linh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên