MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước sang năm 2023, thời điểm nào BĐS lấy lại đà?

24-12-2022 - 15:35 PM | Bất động sản

Bước sang năm 2023, thời điểm nào BĐS lấy lại đà?

Mặc dù những khó khăn đang bao trùm BĐS nhưng niềm tin về sự phục hồi của thị trường trong ngắn hạn là có cơ sở.

Bước sang quý 2/2023, BĐS dần phục hồi

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VaRS) tại diễn đàn mới đây.

Theo ông Đính, dự báo quý 1/2023, thị trường BĐS Việt Nam sẽ thoát khỏi tình trạng suy thoái, nhưng vẫn còn trầm lắng, do trùng vào thời điểm Tết Nguyên đán 2023. Nguồn cung thị trường vẫn hạn chế do quá trình chuẩn bị và triển khai các thủ tục pháp lý dự án cần thêm thời gian.

Bước sang quý 2, quý 32023, thị trường bất động sản sẽ dần phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý. Triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan cùng với đà tăng trưởng của các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng, các vướng mắc trên dần được tháo gỡ… giúp thị trường lấy lại đà tăng.

Thời gian qua, một số động thái của Chính phủ với thị trường BĐS càng tạo niềm tin phục hồi. Đơn cử như trong 3 ngày liên tiếp, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Công điện để chỉ đạo xử lý các vấn đề cấp bách của nền kinh tế và thị trường bất động sản. Đó là, Công điện số 1156 ngày 12.12.2022 "về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế"; Công điện số 1163 ngày 13.12.2022 "về thị trường trái phiếu doanh nghiệp"; Công điện số 1164 ngày 14.12.2022 "về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở".

“Những động thái của Chính phủ có thể sẽ mở ra những cơ hội thoát khó cho thị trường BĐS đến từ nhiều yếu tố”, ông Đính nhấn mạnh.

Bước sang năm 2023, thời điểm nào BĐS lấy lại đà? - Ảnh 1.

Các cuộc họp khẩn với doanh nghiệp địa ốc gần đây của lãnh đạo Sở, ban ngành cũng cho thấy những động thái hỗ trợ thị trường BĐS. Cụ thể, các bộ, ngành chủ động làm việc và cùng với các địa phương, doanh nghiệp trong việc rà soát khó khăn, vướng mắc để triển khai thực hiện các dự án bất động sản; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương để giải quyết, tháo gỡ ngay các nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp; đề xuất giải pháp cụ thể vượt thẩm quyền, nhất là các giải pháp cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn kịp thời, vượt qua thách thức, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Bên cạnh đó, các bộ ngành rà soát, đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật theo thẩm quyền còn chồng chéo, bất cập gây cản trở trong triển khai thực hiện dự án bất động sản thuộc lĩnh vực xây dựng, quy hoạch, phát triển đô thị, nhà ở, kinh doanh bất động sản; sớm ban hành các văn bản về quy trình, trình tự, thủ tục triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và khu đô thị.

Cũng theo vị này, ngay sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, qua nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp hội viên, cho thấy tâm lý của doanh nghiệp và thị trường đang dần được phục hồi, vững tâm hơn để vượt qua thách thức. Các doanh nghiệp bất động sản, cũng như ngành nghề liên quan đang tích cực, chủ động cơ cấu lại các phân khúc khách hàng, các sản phẩm, giá cả, thời hạn thanh toán… phù hợp, khả thi, thuận lợi cho khách hàng, nhất là những ai có nhu cầu thực.

Những rủi ro của thị trường BĐS còn phải đối mặt là gì?

Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Trần Kim Chung , Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã chỉ ra 5 rủi ro cho thị trường BĐS năm 2023.

Thứ nhất là rủi ro kinh tế quốc tế. Kinh tế thế giới đang tiềm tàng những bất ổn. Vấn đề là khi nào thì khủng hoảng nổ ra, liệu quy mô cuộc khủng hoảng lớn thế nào? Đó là những rủi ro đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.

Thứ hai là rủi ro kinh tế vĩ mô. Ông Chung cho rằng lạm phát, lãi suất và tỷ giá có tiếp tục tăng hay không? Tín dụng đối với thị trường bất động sản có tiếp tục bị kiểm soát hay không? Đầu tư công có tiếp tục giải ngân thấp hay không? Đầu tư nước ngoài có biến động thế nào? Vấn đề xuất nhập khẩu, nhất là xăng dầu được quản lý thế nào? Đó là những rủi ro kinh tế vĩ mô tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản.

Thứ ba là rủi ro thị trường. Thị trường bất động sản đang điều chỉnh theo hướng đi xuống. Nếu không có chính sách nào đặc biệt, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh xuống cho tương ứng với khoản tài chính đã bị rút khỏi hiện trường do các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn.

Thứ tư là rủi ro đối tác. Ngoài những rủi ro như các năm, hiện nay xuất hiện thêm rủi ro phái sinh là một số doanh nghiệp bị phong tỏa tài sản do liên quan đến các doanh nghiệp đang gặp các vấn đề pháp lý. Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác đang có những diễn biến tài chính khó khăn.

Thứ năm là rủi ro chính sách. Theo ông Chung, các vấn đề liên quan đến chính sách tín dụng, lãi suất, tỷ giá… nếu thay đổi theo hướng tăng cao hơn nữa sẽ tác động đến thị trường bất động sản.

Đặc biệt, trong năm 2023, Luật Đất đai, Luật nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sẽ được thông qua. Trong đó, thuế nhà đất (hoặc thuế tài sản) sẽ được đưa ra và thị trường bất động sản - một khách hàng tiềm năng của các luật này, sẽ bị ảnh hưởng. Chính sách đầu tư, nhất là đầu tư tư nhân có định hướng hỗ trợ mạnh cho thị trường bất động sản hay không…

Bước sang năm 2023, thời điểm nào BĐS lấy lại đà? - Ảnh 2.

Cùng quan điểm, TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận thực tế rằng bức tranh hồi phục ấy không chỉ toàn những gam màu sáng. Theo ông Khương, thị trường BĐS vẫn đối mặt với một số khó khăn chính như:

Thứ nhất là vấn đề nguồn cung hạn chế, các sản phẩm mới trên thị trường chủ yếu có giá trị cao.

Thứ hai là về góc độ tài chính bao gồm việc hệ thống ngân hàng thắt chặt tín dụng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu doanh nghiệp; và lãi suất tăng cao.

Thứ ba, ở góc độ phát triển dự án, tình trạng tắc nghẽn pháp lý diễn ra trong thời gian dài gây khó khăn cho nguồn cung thị trường, ảnh hưởng đến phương án tài chính của chủ đầu tư dẫn đến giá thành tăng.

Thứ tư là quỹ đất phát triển dự án rất hạn chế, làm ảnh hưởng đến khả năng phát triển dự án mới của các chủ đầu tư.

Theo vị chuyên gia này, thị trường bất động sản vẫn còn những vấn đề như quỹ đất hạn chế, vấn đề tài chính và pháp lý, dẫn đến giá trị sản phẩm bán ra có xu hướng tăng dần.

Đánh giá của chuyên gia Savills cho thấy trên bình diện của một nền kinh tế, việc Nhà nước thắt chặt tín dụng và lãi suất ngân hàng tăng sẽ ảnh hưởng đến tất cả ngành nghề, bao gồm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng…. Thực tế, thị trường bất động sản đã đối mặt với khó khăn về mặt pháp lý trong nhiều năm qua, do đó TS Sử Ngọc Khương cho rằng vấn đề tài chính chỉ là một yếu tố khiến tình trạng này khó khăn thêm.

“Để thị trường có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại cần phải có hỗ trợ về pháp lý trong việc phát triển dự án cho các doanh nghiệp. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, những nút thắt này sớm được tháo gỡ để tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư cũng như giải quyết được bài toán về nhà ở cho đại bộ phận người dân, giúp họ có thể tiếp cận với ước mơ sở hữu nhà ở với mức giá hợp lý hơn”, ông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đó, thị trường bất động sản phải chịu những tác động kinh tế này, theo ông Khương năm 2023 thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng.

Bảo Anh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên