MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước tiếp theo của đề xuất loại bỏ 675 điều kiện kinh doanh là gì?

Bộ Công thương đề xuất bãi bỏ 675 điều kiện kinh doanh nhưng tiếp theo cần làm gì để động thái này có hiệu quả trong thực tế? TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Việc loại bỏ phải từ trên xuống, phải có chế tài rất mạnh".

2 điều cần làm ngay

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng đề xuất cắt giảm 675 điều kiện doanh đã thể hiện nỗ lực rất lớn của Bộ Công thương nhưng cần thực hiện ngay 2 điều: Một là, Chính phủ ban hành Nghị định để loại bỏ ngay các ràng buộc; Hai là, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành phối hợp cùng hành động.

“Đây là 2 yếu tố mà tôi cho là phải làm. Cũng cần nói thêm rằng, những ràng buộc, điều kiện kinh doanh này gắn liền với lợi ích của những người thực thi, nên bỏ không dễ. Đã trói buộc tức là có quyền lực với người khác, có lợi ích với người bị trói buộc, nên khi bỏ đi là mất những thứ đấy. Do đó, việc loại bỏ phải từ trên xuống, phải có chế tài rất mạnh” – ông Trần Đình Thiên nói.

Theo ông Thiên, Chính phủ đã nghiêm túc giám sát và lắng nghe doanh nghiệp. Việc thu thập ý kiến, nắm bắt tình hình đã được Tổ công tác của Thủ tướng thực hiện trong thời gian vừa qua. Các bộ ngành cũng đã trung thực nói rõ tình hình trong báo cáo dựa trên thực tế giám sát. Mục đích cao nhất là dẹp bỏ điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp, nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Phải giảm 2 mới cho ban hành 1 quy định mới

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) cho rằng cần có một hành động thực chất, quyết liệt để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong thời cải cách điều kiện kinh doanh. Theo ông Tuấn, để giảm số lượng điều kiện kinh doanh có thể tiếp cận theo hướng “muốn ban hành 1 quy định mới, phải đề xuất cắt giảm 2”. Điều này sẽ buộc các bộ ngành phải suy xét thật kỹ trước khi đưa ra quy định thay vì nghĩ ngay lập tức nghĩ đến giấy phép mới.

Đại diện VCCI dẫn lại bản nghiên cứu của tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), WB từ năm 2003 rằng, sự kiểm soát quá mức và tập trung tại Việt Nam đã khuyến khích hoạt động không chính thức, thúc đẩy “tính ngầm” của nền kinh tế. Ước tính, hoạt động không chính thức tỷ lệ thuận với thời gian doanh nghiệp đối phó với các quy định luật pháp.

Bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá quyết định xử phạt ngay khi ban hành điều kiện kinh doanh sẽ có tính cảnh cáo mạnh. “Khi Bộ Công thương giảm mấy trăm điều kiện kinh doanh, Thủ tướng khen ngay lập tức. Nhưng tại sao để cho họ ban hành tới 1.200 điều kiện. Đáng lẽ phải thổi phạt từ trước đó” – bà Phạm Chi Lan nói.

Theo bà Lan, hàng nghìn điều kiện kinh doanh được ban hành là kết quả của việc một số cơ quan quản lý nhà nước không nghĩ tới sự phát triển chung của cả nền kinh tế. Doanh nghiêp hướng tới hiệu quả dưới sự phát triển mạnh của các ngành nghề; trong khi đó, một số cơ quan quản lý nhà nước không xuất phát từ yêu cầu cải thiện hiệu quả, phát triển kinh tế.

“Tôi nghĩ mục tiêu của 2 bên cũng đã khác nhau quá nhiều. Điều đáng tiếc là đáng lẽ cơ quan nhà nước phải là người nghĩ đến hiệu quả chung, đến sự phát triển chung của nền kinh tế, thì đây chưa phải là động lực của họ” – bà Phạm Chi Lan nhận định.

Vương Diệu Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên