MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bước vào tuổi trung niên: Đừng quá bi lụy, đừng ngủ quá khuya, đừng nghĩ quá nhiều

05-07-2020 - 13:50 PM | Sống

Khi bạn đã nỗ lực hết mình, nhưng vẫn chỉ đổi lại được kết quả không như ý muốn, hãy học cách buông tha cho chính mình.

Có người nói: "Tình yêu giống như cát trong tay, nắm càng chặt thì cát rơi càng nhanh". Thực ra, không chỉ có mỗi tình yêu là như vậy, đời người cũng như vậy, càng chấp niệm, càng cố chấp, càng không được như ý.

Cho tới cuối cùng, không thể nào không tin "3 phần do trời, 7 phần nhờ nỗ lực". Khi bạn đã nỗ lực hết mình, nhưng vẫn chỉ đổi lại được kết quả không như ý muốn, hãy học cách buông tha cho chính mình.

Bước vào tuổi trung niên, hãy học cách thay đổi bản thân, phàm là chuyện gì cũng đừng chỉ chăm chăm theo đuổi kết quả của ước mơ duy nhất ấy, mà hãy học cách bao dung, học cách chấp nhận sự tương đối. Đừng quá bi lụy, đừng ngủ quá khuya, đừng nghĩ quá nhiều, mọi thứ hãy cứ để thuận tự nhiên.

Bước vào tuổi trung niên, đừng quá bi lụy

Có người nói: "Quá yêu một người, quá bi lụy vì tình, người cảm động chỉ có bản thân, người mệt mỏi cũng chỉ có bản thân. Yêu quá sâu đậm là sự dày vò, yêu cầu quá nhiều tình yêu tới từ người khác là một điều vô cùng xa xỉ."

Khi còn trẻ, chúng ta cho rằng "chân tình có thể cảm động được cả trời xanh", gặp được người mà mình muốn yêu cả đời, bất chấp tất cả đi yêu, bất chấp tất cả đi đợi chờ. Cho dù người được yêu không tỏ thái độ, dù nhận thấy không có hi vọng, nhưng vẫn sống chết không buông, thậm chí bỏ quên mất cả chính mình.

Không cần nói người khác, thực ra, tôi cũng là một người từng trải, dù mọi chuyện đã qua 7,8 năm rồi, nhưng trong lòng vẫn còn một chút nhói đau, tuy nhiên, giờ đây, khi ngồi viết những dòng này, so với trước kia thì tôi thực sự đã đỡ hơn rất nhiều rồi.

Là một cô gái nông thôn lớn lên trong một gia đình với gia giáo nghiêm khắc, tôi từ nhỏ đã được dạy rằng phải học cho giỏi, bước ra khỏi cánh cửa nông thôn, nỗ lực làm việc và lấy một người chồng tốt. Cứ như vậy tôi nỗ lực học hành, trở thành một giáo viên. Được đồng nghiệp giới thiệu, tôi gả cho một người làm cùng ngành, và giờ là chồng cũ của tôi.

Trong mắt bạn bè, tôi có một cuộc sống vô cùng đáng ngưỡng mộ. Chồng cũ của tôi là người hoàn hảo trong mắt mọi người, gia cảnh nổi trội, có nhà có xe, tài khoản ngân hàng phong phú, nhưng tất cả những thứ đó đều không liên quan tới tôi, tôi không quan tâm, và trước giờ cũng chưa bao giờ nghĩ sẽ động vào tài sản nhà anh ấy.

Trên thực tế thì nhà chồng cũng đối xử với tôi như kiểu "ban phát ân huệ", như kiểu số tôi may mắn mới được gả vào nhà họ, ai ai cũng ra vẻ tầng lớp thượng lưu, tôi cũng trở thành cô con dâu nhẫn nhịn chịu đựng tất cả khi được gả vào nhà giàu trong các bộ phim truyền hình.

Nhưng tôi không quan tâm, bởi tôi luôn nghĩ rằng chỉ cần chồng yêu mình, hai đứa tôi hết mực yêu nhau là đủ, vậy là tôi hạnh phúc rồi.

Nhưng tôi lại không ý thức ra được rằng suy nghĩ của mình khi đó ấu trĩ tới nhường nào.

Trong mối tình này, tôi luôn là người yêu anh ấy nhiều hơn, còn anh ấy, chưa được bao lâu đã lao vào cuộc tình mới, đối phương lại là một cô giáo thực tập ở cùng trường với anh ấy…

Không lâu sau, con trai của chúng tôi ra đời, tôi cho rằng chồng sẽ hồi tâm chuyển ý, cho rằng nhà chồng sẽ đứng về phía tôi. Nhưng tất cả chỉ là "tôi cho rằng".

Vì muốn mau chóng đuổi tôi đi mà cả chồng và nhà chồng hợp sức lại nhanh chóng làm thủ tục ly hôn có lợi cho họ, ngoài quyền nuôi con ra thì mọi tài sản khác đều rũ sạch quan hệ với tôi.

Còn đứa ngu ngốc như tôi thì dù đã ly hôn nhưng vẫn thường xuyên đưa con về tìm cách gặp chồng, hi vọng anh ấy thay đổi để con có một gia đình hoàn chỉnh.

Nhưng anh ta lại cười khểnh rồi lạnh lùng nói với tôi: "Chưa thấy ai mặt dày như cô". Sau đó anh ta yêu hết người này tới người khác, chán rồi thì kết hôn với một bà mẹ đơn thân kém anh ta gần chục tuổi để kết hôn, lý do là: cô gái này khiến anh ta muốn che chở?

Còn tôi và con, tiền trợ cấp hàng tháng anh ta cũng không đưa đúng hạn…

Hiện tại, tôi một mình nuôi con, mỗi ngày đều bận rộn đi làm, bận rộn kiếm tiền, chăm con, ngược lại lại cảm thấy cuộc sống rất đầy đủ và an toàn. Ngoảnh đầu nhìn lại mình của quá khứ, tôi thấy quả thực không đáng chút nào, không biết giữ giá, bỏ đi hết lòng tự tôn, cuối cùng đổi lại được, chỉ là sự khinh thường của đối phương.

Đứng từ một mức độ nào đó mà nói, chính vì tôi quá yêu, quá tin tưởng, quá nhẫn nhịn nên mới khiến anh ta coi thường, thậm chí phớt lờ cả con cái như vậy.

Có yêu một người tới đâu cũng hãy chỉ yêu 7 phần thôi là đủ rồi, 3 phần còn lại, hãy yêu lấy chính mình. Có như vậy thì đến khi tình yêu mất đi, mới không đánh mất đi cái tôi của chính mình.

 Bước vào tuổi trung niên: Đừng quá bi lụy, đừng ngủ quá khuya, đừng nghĩ quá nhiều  - Ảnh 1.

Bước vào tuổi trung niên, đừng ngủ quá khuya

Mấy giờ bạn đi ngủ? 10h? 12h? hay 2h?

Đại khái là khoảng 10 năm trước, tôi thường hay đi ngủ trước 10h. Cũng giống như mọi bà mẹ khác, kể chuyện cho con nghe, nhiều hôm thức đợi chồng về rồi sau đó an tâm đi vào giấc ngủ.

Nhưng từ khi trở thành mẹ đơn thân, mất ngủ bắt đầu gõ cửa tìm tới tôi. Trong một khoảng thời gian khá dài, tôi luôn trong trạng thái khóc lóc rồi chìm vào giấc ngủ trong mơ hồ, nhưng được một lát lại giật mình tỉnh dậy trong nước mắt.

Tình trạng như vậy cứ tiếp diễn trong khoảng 2,3 năm. Cho tới khi tôi bắt đầu tiếp xúc với công việc viết lách. Trong thế giới rộng lớn này, mọi hỉ nộ ái ố của tôi đều được giải tỏa ra. Chỉ là, ban ngày phải đi làm, buổi tối phải dạy con học, sau khi cho con ngủ rồi lại vội vàng bật dậy.

Càng là đêm khuya yên tĩnh, mọi thứ càng tuôn ra rất dễ dàng, bất kể viết thành cái gì, cũng đều giống như nhật kí cảm xúc, viết ra rồi đăng lên, rồi đọc bình luận của mọi người, tôi cảm giác mình vẫn được người khác cần tới.

Cứ như vậy, tôi bắt đầu đắm chìm vào công việc này, mỗi ngày bất kể có mệt tới đâu, cũng đều kiên trì đăng bài mới, ở đây, tôi dùng tình yêu của những người xa lạ để trị liệu cho mình, rồi dùng những dòng văn của mình để sưởi ấm lại cho họ.

Nhưng, thức đêm hiển nhiên sẽ đem lại tác dụng phụ.

Nhiều khi, vừa mở mắt ra là tôi uể oải, ngáp ngắn ngáp dài cả ngày; nhiều khi cơm trưa không buồn ăn, chỉ muốn nằm đấy cho xong, lại rất hay cáu giận… Càng ngày càng cảm thấy khả năng tập trung kém đi, công việc cũng khó hoàn thành đúng hạn, cứ như vậy, sẽ lại chiếm hết khoảng thời gian tiếp theo.

Dần dần, tôi bước vào tình trạng ngày nào cũng bận rộn, nhưng cái gì cũng nhàng nhàng, không thể hoàn thành tốt hết được.

Tôi quyết định, vẫn là ngủ sớm dậy sớm thì tốt hơn. Không còn thức đêm thức hôm để viết lách nữa, thay vào đó tôi sẽ viết vào giờ nghỉ trưa hoặc bất cứ thời gian nào rảnh rỗi.

Ban đầu, quả thực rất khó thích ứng, đại khái phải mất 3 tháng tôi mới quen được guồng sinh hoạt mới.

Chỉ là, khi không còn thức khuya nữa, trạng thái tinh thần dần dần có sự chuyển biến, cộng thêm với việc tận dụng thời gian hợp lý, tôi đã hòa hợp được cả công việc và chuyện viết lách.

Đừng ngủ quá muộn, bởi lẽ tính mạng quả thực phải trông cậy vào sự trân trọng của bạn. Bước vào tuổi trung niên, bạn sẽ phải thích nghi hơn với "cuộc chiến giằng co" này, chỉ khi mỗi ngày tiến bộ một chút, lâu dần, mới có những bước tiến lớn hơn.

 Bước vào tuổi trung niên: Đừng quá bi lụy, đừng ngủ quá khuya, đừng nghĩ quá nhiều  - Ảnh 2.

Bước vào tuổi trung niên, đừng nghĩ quá nhiều

Chúng ta sở dĩ luôn lo lắng, mệt mỏi, một phần là bởi tiếc nuối những gì đã mất đi, một phần là vì lo lắng vì những điều chưa xảy ra. Nhưng lo đi lo lại thì sẽ không còn sức lực và tinh thần đi sống cho thật tốt ngày hôm nay.

Nghĩ quá nhiều, rất dễ hủy hoại một người.

Các đồng nghiệp của tôi dạo này hay bàn tán rằng vì chị V. nghỉ việc nên công việc mà chị ấy phụ trách sẽ chuyển lại cho tôi, một người được mọi người đánh giá là trung thực và nghiêm túc nhất. Nhưng nếu nhận việc này thì cũng chẳng khác nào ngồi trên đống lửa, không có người chống lưng thì xem trụ được bao lâu…

Nếu đổi lại là tôi của trước đây, tôi nghĩ mình nhất định sẽ suy nghĩ rất nhiều. Nhưng khi trải qua nhiều đả kích như việc ly hôn, hay ba bị ốm nặng, tôi cảm thấy chuyện đó nhỏ như con muỗi.

Cái gì đến rồi cũng sẽ đến, việc gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết của nó, còn giải quyết thế nào, thì cứ đợi tới ngày thực sự phải giải quyết rồi bàn tiếp.

 Bước vào tuổi trung niên: Đừng quá bi lụy, đừng ngủ quá khuya, đừng nghĩ quá nhiều  - Ảnh 3.

Sống cho hiện tại, mới là điều quan trọng nhất. Bởi lẽ, nghĩ thế nào, nghĩ cái gì, cũng chẳng được ích lợi gì, chỉ làm tâm thêm mệt hơn mà thôi.

Bước vào tuổi trung niên, sống thực tế lên một chút, đừng ngốc nghếch mơ tưởng hão huyền nữa. Đừng cái gì cũng nghĩ kiểu phải "đầy ắp", phải "viên mãn" thì mới được. Cũng giống như khi vẽ tranh vậy, phải học cách để lại "những khoảng trắng", để có thể sửa sai, cũng là để có cơ hội chấm phá thêm những nét bút mang tính đột phá vào trong đó, biến bức tranh trở nên hoàn hảo hơn.

Đời người như vậy, mới có tiến có lui, có đi có ở!

Theo Minh Vân

Báo dân sinh

Trở lên trên