Buồn của nền kinh tế số 1 châu Á: Nghịch lý dân số già hóa nhưng nhiều người lao động chưa đến 35 tuổi đã thất nghiệp
Đất nước này đối mặt với tình trạng khan hiếm việc làm nghiêm trọng và khủng hoảng sa thải, đặc biệt là đối với ngành công nghệ trong những năm gần đây.
- 26-12-2024Buồn của nền kinh tế lớn thứ 2 châu Á: Đất nước khát hơn 11 triệu nhân lực nhưng người dân đổ xô đi “xuất khẩu lao động” vì kiếm được mức lương cao gấp 2, gấp 3
- 06-08-2024Ngành học 'khát' nhân lực, là mũi nhọn kinh tế: Mức lương trung bình 15 – 20 triệu đồng/tháng, ai chăm chỉ thu nhập gấp 2, gấp 3 là chuyện thường
- 06-03-2024Không học kinh tế, đây mới là ngôi trường sinh ra "vua cafe" Đặng Lê Nguyên Vũ: Từng bị bạn bè coi là "kẻ điên hạng nặng" nhưng vẫn ôm mộng khởi nghiệp để không vi phạm lời thề vĩnh cửu
“Quá già để làm những công việc cấp thấp nhưng quá trẻ và quá nghèo để nghỉ hưu”
Trong nhiều năm trở lại đây, Trung Quốc - quốc gia có nền kinh tế đứng đầu Châu Á đang đối mặt với khủng hoảng già hóa dân số, một thế hệ người dân chưa kịp giàu đã già. Thế nhưng, trong bối cảnh những người ở độ tuổi sau 30-40 thậm chí 50-60 vẫn còn đầy đủ sức khỏe để sẵn sàng tham gia vào thị trường lao động, thì một bộ phận lớn người lao động Trung Quốc lại phải đối mặt với một thực trạng đáng sợ hơn, đó là “lời nguyền tuổi 35”.
Ở thời điểm hiện tại, tuổi 35 dường như đã ngầm được xem là một độ tuổi “già” ở Trung Quốc. Nhiều thông báo tuyển dụng từ mọi ngành nghề đều ghi rõ chỉ tuyển người dưới 35 tuổi. Theo một báo cáo năm 2021 của Tân Hoa Xã, nhiều ý kiến cho rằng nhân viên chưa được thăng chức lên cấp quản lý trước 35 tuổi có thể bị coi là kém thành công hơn, do đó dễ bị sa thải hơn. Trương Quốc Ngọc, một giáo sư tại Trung Quốc nêu quan điểm: “Hầu hết nhân viên có 10 năm kinh nghiệm sẽ trở thành lãnh đạo hoặc quản lý nhóm nếu năng lực của họ thực sự tốt. Nói cách khác, 'ngưỡng 35 tuổi' không phải là về tuổi tác, mà là thước đo năng lực làm việc của người sử dụng lao động.”
Và những giới hạn này đã khiến cho nhiều nhân sự có trình độ cao, học vấn cao, kinh nghiệm dày dặn nhưng lại phải vật lộn để kiếm sống bằng công việc tạm thời. Họ rơi vào tình trạng không còn được chào đón ở thị trường lao động, vì các nhà tuyển dụng chỉ muốn tuyển những người trẻ hơn với mức lương thấp hơn.
Tao Chen, một người đang làm công việc sáng tạo nội dung cho biết anh đã từng tốt nghiệp Đại học Tứ Xuyên danh tiếng với bằng thạc sĩ triết học. Tuy nhiên, sau đó Tao Chen đã bị sa thải khi đang làm công việc trong ngành báo chí. Sau đó, anh tiếp tục bắt tay vào một loạt các dự án kinh doanh nhưng thất bại. Ở tuổi 38, Tao Chen khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định nên đã trở thành một tài xế giao đồ ăn. Nhưng cuối cùng cũng từ bỏ công việc đó vì thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
“Mặc dù tôi có kinh nghiệm làm việc thực sự tốt và tấm bằng bằng thạc sĩ, nhưng vẫn không thể cạnh tranh được khi đã qua tuổi 35. Hơn 98% đơn xin việc tôi gửi đi không nhận được phản hồi và số còn lại thấy nói rằng tôi ‘không phù hợp’ với vị trí này. Tinh thần tôi gần như hoàn toàn suy sụp”, Tao Chen chia sẻ.
“Lời nguyền tuổi 35” của các kỹ sư công nghệ
Tình trạng này còn nghiêm trọng hơn đối với những người làm công việc ngành IT (công nghệ thông tin) tại đất nước tỷ dân. Mặc dù là một trong những quốc gia có nền công nghệ phát triển, những kỹ sư công nghệ tại Trung Quốc cũng không thể thoát được sức ảnh hưởng của “lời nguyền tuổi 35”.
Theo Financial Times, giờ đây những nhân viên công nghệ tuổi 35 đã được coi là “lao động già ở Trung Quốc, nhất là khi họ đã lập gia đình. Một cựu giám đốc bán hàng tại Meituan cho rằng, chỉ ở ở độ tuổi 20-30 bạn mới tràn đầy năng lượng, sẵn sàng tiến về phía trước. Nhưng khi đã thành cha mẹ, bắt đầu già đi, chúng ta sẽ không còn theo được văn hóa làm việc 996 cường độ cao ở Trung Quốc.
Tại nền kinh tế hàng đầu châu Á này, lực lượng lao động phải đáp ứng được “văn hóa 996” - chỉ thời gian làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối 6 ngày trong tuần, đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực công nghệ. Theo dữ liệu từ trang tuyển dụng Maimai, độ tuổi nhân sự trung bình ở các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như ByteDance, Pinduoduo là 27 tuổi, tại Kuaishou là 28 tuổi. Dữ liệu từ Tổng Công đoàn Trung Quốc cũng cho thấy, lao động nước này có độ tuổi trung bình chỉ là 38,3.
Lãnh đạo một công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc cho biết, việc lĩnh vực công nghệ tăng trưởng quá nhanh trước đại dịch, tiếp đến là các chiến dịch siết chặt của chính phủ buộc họ phải cắt giảm nhóm quản lý nhận lương cao. Bên cạnh đó, trong bối cảnh ngành công nghệ liên tục sa thải và thắt chặt hoạt động kinh doanh, xu hướng trẻ hóa bộ máy ngày càng rõ ràng.
Ngoài ra, một quan niệm phổ biến khác là những người lớn tuổi sẽ không theo kịp tiến bộ của công nghệ, không đủ năng lượng để làm những công việc áp lực cao trong khi công ty phải trả lương cao hơn người trẻ. Trong bối cảnh ngành công nghệ Trung Quốc bị siết chặt, nguy cơ mất việc của những người ngoài 35 tuổi trong vài năm qua ngày càng tăng cao.
Giải pháp nào cho người lao động ngoài 35?
Những năm gần đây, Trung Quốc phải vật lộn với một khó khăn khác là cuộc khủng hoảng nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh giảm khiến dân số nước này giảm năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2023. Tính đến cuối năm 2023, dân số Trung Quốc ở mức 1,409 tỷ người, giảm khoảng hai triệu người so với mốc 1,41175 tỷ người cuối năm 2022. Việc dân số già hóa cho thấy các nhà tuyển dụng sẽ không thể tiếp tục dựa vào nhóm lao động trẻ trong tương lai. Tuy nhiên, đó có thể là một điều may mắn cho những người lao động đang hy vọng có thể vượt qua "lời nguyền tuổi 35".
Tianlei Huang, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, Mỹ, nói với tờ Business Insider: “Cho đến nay, các nhà tuyển dụng vẫn có thể phân biệt đối xử với những người lao động lớn tuổi và thay thế họ bằng những người lao động trẻ hơn. Đó là do hàng năm vẫn có rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đang tìm kiếm việc làm. Nhưng trong 10 năm nữa, họ có thể sẽ không còn được lựa chọn điều đó. Bởi vì dân số Trung Quốc đang giảm dần, và nhóm tuổi dưới 35 cũng đang giảm dần".
Kelvin Seah, giảng viên kinh tế cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore, cũng cho rằng rằng sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với những lao động trẻ sẽ đẩy mức lương của những người trẻ lên, dần dà sẽ khiến việc tuyển dụng họ trở nên tương đối tốn kém hơn. Ông nhận định điều này sẽ khiến những lao động lớn tuổi ngược lại sẽ trở thành đối tượng tiềm năng hơn đối với các nhà tuyển dụng.
Nhưng dù "lời nguyền tuổi 35" có thể được giải quyết trong vài thập kỷ nữa, thì có một điều rõ ràng là hiện tại nó vẫn đang một vấn đề nhức nhối ở Trung Quốc và là nỗi lo của một bộ phận lớn người lao động nước này.
Đối với thế hệ Thế hệ Millennials (những người sinh từ đầu thập niên 80 đến giữa thập niên 90) tại Trung Quốc, sau khi phải vật lộn với điều kiện kinh tế khó khăn và kiếm được quá ít để tích lũy tiền tiết kiệm , "lời nguyền tuổi 35" như đổ thêm dầu vào lửa cho cuộc đời họ. Đó cũng là lý rất nhiều người hình thành xu hướng từ bỏ cuộc sống hối hả để tham gia phong trào tangping (nằm dài mặc kệ tất cả) hoặc bailan (hoàn toàn buông bỏ việc cố gắng).
Trên mạng xã hội Weibo, có một câu nói từ người dùng mạng đã tóm tắt rõ ràng thực trạng về “lời nguyền tuổi 35” hiện nay: “Tất cả những gì chúng ta tạo ra là một nhóm người vô định, mờ mịt về tương lai. Không phải những người 35 tuổi không muốn làm việc chăm chỉ, mà là vì xã hội đang từ chối họ”.
(Theo CNN, ABC, Business Insider)
Đời sống pháp luật