Cá nhân trong nước đẩy mạnh bán ròng 1.294 tỷ đồng trong tuần 25-29/7
Nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh bán ròng 1.294 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần từ 25-29/7, tăng 70% so với tuần trước.
Thị trường chứng khoán biến động giằng co trong tuần giao dịch từ 25-29/7 nhưng VN-Index vẫn vượt được mốc 1.200 điểm. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 1.206,33 điểm, tương ứng tăng 11,57 điểm (0,97%) so với tuần trước đó. Trong khi đó, HNX-Index giảm 0,22 điểm (-0,08%) xuống 288,61 điểm, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (0,87%) lên 89,61 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 14.084 tỷ đồng/phiên, giảm 2%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân giảm 6,7% xuống còn 12.143 tỷ đồng/phiên.
Tương tự như tuần trước đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn bán ròng và là nhân tố quan trọng khiến thị trường rung lắc, trong khi đó, tự doanh CTCK và khối ngoại giao dịch theo chiều hướng tích cực giúp nâng đỡ thị trường chung.
Giá trị mua, bán ròng phân loại theo nhà đầu tư. Đơn vị: Tỷ đồng.
Theo dữ liệu từ FiinPro, nhà đầu tư cá nhân trong nước đẩy mạnh bán ròng 1.294 tỷ đồng ở sàn HoSE trong tuần từ 25-29/7, tăng 70% so với tuần trước, trong đó, dòng vốn này bán ròng 1.176 tỷ đồng thông qua phương thức khớp lệnh.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của cá nhân trong nước lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Các cá nhân trong nước bán ròng mạnh nhất mã KDC với 592 tỷ đồng. Tiếp sau đó, SSI và STB bị bán ròng lần lượt 130 tỷ đồng và 126 tỷ đồng. Trong khi đó, EIB được mua ròng mạnh nhất với 358 tỷ đồng. HPG cũng được các cá nhân mua ròng 273 tỷ đồng.
Trái ngược với tuần trước, nhà đầu tư tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) giao dịch tiêu cực trở lại khi bán ròng 682 tỷ đồng, trong đó có 370 tỷ đồng đến từ giao dịch khớp lệnh.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tổ chức trong nước (không gồm tự doanh) lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
KDC cũng bị nhà đầu tư tổ chức (không gồm tự doanh) bán ròng mạnh nhất với giá trị 377 tỷ đồng. EIB đứng sau với giá trị bán ròng là 210 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MSN được mua ròng mạnh nhất với 136 tỷ đồng. GAS và SHB được mua ròng lần lượt 101 tỷ đồng và 72 tỷ đồng.
Khối tự doanh CTCK và khối ngoại ngoại là điểm sáng của thị trường. Đối với khối tự doanh, dòng vốn này đẩy mạnh mua ròng 425 tỷ đồng (gấp 3 lần tuần trước) ở sàn HoSE, trong đó, nếu tính về phương thức khớp lệnh thì dòng vốn này mua ròng đến hơn 1.000 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của tự doanh lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Khối tự doanh mua ròng mạnh nhiều cổ phiếu ngân hàng, trong đó, VPB đứng đầu danh sách với 141 tỷ đồng. TCB đứng thứ hai với giá trị mua ròng 137 tỷ đồng. STB và ACB được mua ròng lần lượt 41 tỷ đồng và 39 tỷ đồng. Trong khi đó, EIB bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 142 tỷ đồng. GAS và MSN bị bán ròng lần lượt 75 tỷ đồng và 74 tỷ đồng.
Tương tự khối tự doanh, dòng vốn ngoại đẩy mạnh mua ròng 1.562 tỷ đồng (gấp 2,7 lần tuần trước) ở sàn HoSE. Nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh, dòng vốn ngoại sàn này mua ròng 541 tỷ đồng.
10 cổ phiếu có giá trị mua, bán ròng của khối ngoại lớn nhất. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Khối ngoại sàn HoSE mua ròng đột biến mã KDC với 970 tỷ đồng và chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận. MWG và SSI đều được mua ròng trên 100 tỷ đồng. Trong khi đó, HPG bị bán ròng mạnh nhất với 330 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ E1VFVN30 đứng thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại với 41 tỷ đồng.
Người Đồng Hành