Cà phê cuối tuần: Hãy chủ động “kết bạn” với những người giỏi, thành đạt
Sau khi tốt nghiệp đại học, mang theo mình nhiều hy vọng về mọi thứ sẽ tốt đẹp nhưng cầm tấm bằng kỹ sư đi xin việc, ông Việt Cường đã gặp nhiều khó khăn để tìm được một công việc phù hợp...
Thực tế này đã khiến ông Việt Cường thay đổi suy nghĩ, xác định bản thân phải nâng cao kiến thức, năng lực, phải đọc sách nhiều hơn, phải tiếp tục học tập nhiều hơn và quyết tâm đứng ra thành lập doanh nghiệp. Con đường ông chọn có thể khác với nhiều người ở giai đoạn đó, nhưng đổi lại nó mang đến cho ông một trải nghiệm thú vị, và quan trọng hơn cả là thỏa mãn đam mê được kinh doanh, được làm việc cho chính mình.
Gặp ông chủ Tập đoàn Kosy vào một chiều cuối tuần, giữa tiết Thu của Hà Nội. Mặc dù khá bận rộn với khối lượng công việc lớn, liên quan đến các dự án bất động sản ở nhiều tỉnh thành và các dự án thuỷ điện, điện gió tại Lai Châu, Bạc Liêu… Nhưng, ông vẫn muốn được chia sẻ những trăn trở của một người doanh nhân, một ông chủ doanh nghiệp về những điều mà theo ông, nó khiến doanh nghiệp Việt dường như chưa thể lớn mạnh thực sự.
Cà phê cuối tuần kỳ này, VnEconomy trò chuyện với TS. Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Kosy.
"Cái đầu của mình quyết định số phận của mình"
Con đường trở thành một doanh nhân, chủ một doanh nghiệp đối với ông dường như là một việc "bất đắc dĩ" hay là một lựa chọn, tính toán có chủ ý?
Sau khi tốt nghiệp đại học nhưng không tìm được cơ hội việc làm phù hợp nên cũng có nhiều áp lực. Thời gian đầu, tôi phải chấp nhận làm những công việc tạm bợ, không liên quan đến ngành mình học…
Người ta vẫn nói: "Muốn thành công phải chơi với những người thành công" và thực tế khi đó tôi không thể gặp gỡ, kết giao được với những người thành công. Nhưng tôi có suy nghĩ là không chơi được với họ ở ngoài đời thì mình sẽ kết bạn với họ thông qua những trang sách.
Thế nên tôi tìm đọc rất nhiều những cuốn sách về những người thành công trên thế giới, để hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của họ, hiểu được những tư tưởng, hành động và suy nghĩ về những bí quyết thành công của họ và cuối cùng tôi đã "chơi" được với rất nhiều người giỏi, thành đạt không những ở Việt Nam mà còn rất nhiều doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng trên thế giới. Chính những điều đó đã khơi dậy niềm đam mê kinh doanh trong tôi, thôi thúc tôi phải học tập và làm việc nhiều hơn để trở thành một người có ích cho xã hội, cho đất nước.
Từ đó tôi nhận thấy mình phải làm những việc lớn lao hơn. Tôi khởi nghiệp từ những cơ sở kinh doanh rất nhỏ ở một số lĩnh vực dịch vụ.
Đến năm 2008, tôi quyết định thành lập Kosy và trong suốt quãng thời gian qua, vấp ngã cũng nhiều và rồi lại tự mình đứng dậy, để rồi sau đó tôi nhận ra rằng "chính cái đầu của mình quyết định cho số phận của mình".
Những thất bại đều do trình độ, năng lực và nhận thức của mình còn hạn chế. Thế là tôi quyết tâm hoàn thiện bản thân mình nhiều hơn, vừa làm, vừa theo đuổi con đường học tập, nâng cao năng lực, học lên cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ về kinh tế về quản trị điều hành doanh nghiệp.
"Bằng việc đọc rất nhiều sách, tôi đã "chơi" được với rất nhiều người giỏi, thành đạt không những ở Việt Nam mà còn rất nhiều doanh nhân, chính trị gia nổi tiếng trên thế giới".
Ông có thể chia sẻ thêm về những vấp ngã trong quá trình khởi nghiệp. Khó khăn thế có khiến ông nản và có ý định bỏ cuộc không?
Trong quá trình tôi lập doanh nghiệp, có những giai đoạn công ty rất khó khăn, tưởng như bên bờ vực đóng cửa. Lần đầu là khi mới thành lập, mọi thứ chưa đi vào hệ thống, khó khăn trăm bề. Tiếp theo là giai đoạn 2011 - 2014, khi Kosy vừa chuyển hướng đầu tư trọng điểm vào lĩnh vực bất động sản, đúng lúc nền kinh tế suy giảm và thị trường bất động sản đóng băng.
Trong ba năm liền, doanh thu không đáng kể, trong khi hàng tháng vẫn phải chi phí hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp. Bên cạnh đó trong quá trình phát triển còn gặp rất nhiều những khó khăn khác nhau. Nhưng ở những thời kỳ khó khăn nhất, tôi vẫn lạc quan, điềm tĩnh đối mặt và tìm cách vượt qua.
Tôi đã xác định từ trước là lựa chọn con đường doanh nhân thì chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, chông gai và thử thách. Do vậy phải luôn có ý chí vững vàng, đưa ra những quyết định sáng suốt. Tôi cũng xác định trong tương lai, khi doanh nghiệp lớn mạnh hơn thì chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực lớn hơn nữa. Song tôi coi tất cả là thử thách, luôn giữ vững tâm thế, chủ động đối phó và quyết tâm vượt qua.
Tôi cũng tin rằng, mọi việc đều có nhân duyên, những thứ đang diễn ra ở hiện tại đều có liên quan với những việc trong quá khứ, và những gì sẽ diễn ra ở tương lai đều liên quan đến những việc làm ở hiện tại. Có khó khăn mới giúp ta trưởng thành, có thất bại, có vấp ngã mới giúp ta thành công. Thực tế tôi thấy "những lúc khó khăn nhất thì bản thân mình luôn tìm ra những thứ có giá trị nhất trong cuộc sống cũng như trong công việc".
Kinh tế tư nhân sẽ góp trên 85% GDP trong tương lai
Có người vẫn nói rằng, dù doanh nghiệp, doanh nhân nỗ lực và đóng góp như vậy nhưng vai trò vẫn chưa được đề cao?
Trên thực tế, phải đến năm 1991 Việt Nam mới thực sự bắt đầu đổi mới. Khi đó cả nước mới chỉ có vài ba nghìn doanh nghiệp, nhưng hiện nay chúng ta có tới gần 800 nghìn doanh nghiệp và mỗi năm có trên 100 nghìn doanh nghiệp thành lập mới.
Ngày trước là nền kinh tế kế hoạch, kinh tế tư nhân không phát triển, hoạt động manh mún, nhỏ lẻ. Nhưng hiện nay, Đảng, Nhà nước coi kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay kinh tế tư nhân đóng góp gần 50% GDP, nhưng trong tương lai, tỷ lệ này chắc chắn sẽ phải tăng lên như các nước phát triển trên thế giới, tức là trên 85,9% GDP.
Chúng ta xuất phát điểm là một nước khó khăn, lạc hậu, kinh tế tập trung, bao cấp. Do đó nhiều năm trước tư tưởng, suy nghĩ của mỗi người dân cũng hạn chế. Con cái ra trường cứ nhất định phải xin vào làm việc ở cơ quan nhà nước mới yên tâm. Tuy nhiên ngày nay mọi thứ đã thay đổi.
Vui mừng là đất nước phát triển, càng ngày Đảng, Nhà nước càng coi trọng vai trò kinh tế tư nhân - là động lực phát triển kinh tế. Các doanh nghiệp như Kosy càng ngày có cơ hội phát triển hơn, được đóng góp tích cực cho sự phát triển lớn mạnh của đất nước.
Theo ông thì doanh nhân Việt còn thiếu những tố chất nào để có thể vươn ra biển lớn?
Tôi nghĩ đa số doanh nhân Việt rất giỏi song đâu đó vẫn còn thiếu khát vọng lớn. Tất cả những người thành công đều bắt đầu từ những khát vọng, lòng mong muốn lớn lao. "Khi bạn thật sự mong muốn một điều gì, cả vũ trụ sẽ hợp lại giúp bạn đạt được nó". Khát vọng, lòng mong muốn là thứ đầu tiên đưa bạn đến thành công.
Đất nước của chúng ta trước đây khá khó khăn, nên ít nhiều vẫn ảnh hưởng đến tư duy của không ít người. Tất nhiên vẫn có những doanh nghiệp có khát vọng lớn. Hy vọng mỗi thế hệ sau nối tiếp, sẽ mang trong mình hoài bão và khát vọng lớn lao hơn thế hệ trước.
Bên cạnh đó, lớp doanh nhân trước đây hầu như không được đào tạo bài bản, làm theo kiểu tự mày mò đi lên, nên năng lực quản trị điều hành ở một mức độ nhất định. Hầu hết doanh nghiệp Việt không có phương pháp quản trị bài bản. Chúng ta đều đi từ những ngành nghề khác nhau lên rồi trở thành ông chủ, nên kiến thức quản trị và phương pháp luận còn hạn chế. Chúng ta chưa quá quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo năng lực quản trị của doanh nhân.
Đó là lý do nhiều doanh nghiệp Việt chỉ phát triển đến một mức nào đó, nếu có phát triển lên nữa sẽ vượt ngoài tầm quản trị điều hành của người đứng đầu, và hậu quả là doanh nghiệp mất kiểm soát, không thể lớn mạnh được, hoặc có thể dẫn đến đóng cửa, phá sản.
Để nâng cao năng lực thì buộc phải có thời gian. Khi đất nước phát triển hơn, cạnh tranh hơn thì bản thân doanh nhân, doanh nghiệp phải tự nâng cao năng lực quản trị của mình, phải trải qua công việc thực tiễn nhiều hơn, tham gia nhiều chương trình học tập hơn và học hỏi từ các doanh nghiệp khác…
Bản thân tôi cũng thấy mình còn thiếu nhiều thứ, tôi rất muốn được học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp, doanh nhân khác, nhưng ở vị trí của tôi, rất khó để rời bỏ mà "đi làm ở đâu đó" cho dù chỉ vài ba tháng để học kinh nghiệm, tiếp cận phương pháp quản trị ưu việt đang được vận dụng.
Muốn vươn ra biển lớn, doanh nhân phải có một khát vọng lớn, mong muốn thành công, mong muốn cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn trên thế giới. Và mỗi doanh nhân, phải tự nâng cao năng lực quản trị điều hành của mình, để đáp ứng được sự phát triển lớn mạnh của doanh nghiệp.
"Nhiều người vẫn nói là nhiều tiền có thể mua được tất cả, nhưng qua những vụ việc vừa rồi đã cho thấy, có nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền cũng không thể mua được
Có người "chống lưng" cũng không chống lại được luật pháp
Có ý kiến cho rằng, làm doanh nghiệp tư nhân thì nên và cần phải người "chống lưng" để thuận lợi trong hoạt động cho mình?
Kosy chúng tôi xây dựng những mục tiêu và chiến lược phát triển trong dài hạn, phát triển bền vững, không làm ăn chụp giật nên buộc phải đi trên chính đôi chân, khối óc của mình.
Trước đây có lúc tôi cũng đã từng có suy nghĩ là trong quá trình phát triển cũng cần phải có người "chống lưng". Thế nhưng thời gian qua, hàng loạt doanh nhân lớn thành đạt vẫn thất bại, ngã ngựa. Nhiều người vẫn nói là nhiều tiền có thể mua được tất cả, nhưng qua những vụ việc vừa rồi đã cho thấy, có nhiều tiền, thậm chí rất nhiều tiền cũng không thể mua được.
Nếu có người chống lưng, chúng ta cũng không thể chống lại được luật pháp, mình làm sai thì không ai có thể cứu được mình.
Nhưng cũng có người nói rằng, nếu làm đúng quá thì đi chậm, bị bỏ lại phía sau?
Đất nước chúng ta mới chỉ có hơn 30 năm đổi mới, hệ thống luật pháp đang trong quá trình hoàn thiện, đồng bộ. Doanh nghiệp còn non trẻ và đội ngũ doanh nhân chủ yếu là tầng lớp doanh nghiệp mới, còn nhiều hạn chế dẫn đến môi trường kinh doanh chưa được hoàn thiện.
Kinh doanh trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn và rủi ro. Có nhiều doanh nghiệp thực sự chưa lường trước được khó khăn nên gặp thất bại. Cũng có những doanh nghiệp tính toán sai, cố tình làm trái thì cũng không thể bền được, khó mà thành công lâu dài.
Nếu được lựa chọn lại, ông có làm một doanh nhân không?
Tôi vẫn sẽ chọn là một doanh nhân, bởi đó là mong muốn của tôi và có lẽ cũng là số mệnh của mình. Trong thời đại ngày nay, vai trò của doanh nhân đã được đề cao, là người trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tạo ra nhiều việc làm, đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Và đặc biệt, làm doanh nhân không có nhiệm kỳ, không có khái niệm về hưu. Doanh nhân, nếu có năng lực, có trí tuệ, nhiệt huyết thì có thể thỏa sức làm việc và cống hiến đến khi nào không thể làm việc được nữa thì thôi.
Qua đây, chúc các đồng nghiệp doanh nhân luôn đẩy cao khát vọng, nâng cao năng lực để phát triển doanh nghiệp, phát triển đất nước. Đặc biệt, tôi cũng mong muốn đội ngũ doanh nhân Việt không sợ hãi, nếu sợ hãi thì sẽ không làm được gì cả.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong muốn cơ quan quản lý gần doanh nghiệp hơn, hiểu doanh nghiệp hơn. Thay vì giám sát soi tìm bắt lỗi thì cần tương tác với doanh nghiệp nhiều hơn để hướng dẫn, hỗ trợ, chỉ cho doanh nghiệp cách làm đúng đắn.
Vneconomy