Cà phê phòng đủ thứ bệnh, nhưng uống cà phê nóng hay đá tốt hơn?
Cà phê khá nổi tiếng bởi những tác dụng cho sức khỏe. Thế nhưng, cà phê nóng và cà phê đá liệu có lợi ích giống nhau?
- 18-07-2024Uống cà phê mỗi sáng có thực sự tốt cho tuổi thọ? Chuyên gia tiết lộ sự thật khiến nhiều người phải thay đổi suy nghĩ
- 12-07-2024Chuyên gia chống lão hóa tiết lộ bí quyết trường thọ mới: 1 thói quen tốt hơn cả uống cà phê mỗi sáng
- 06-07-2024Uống cà phê mỗi ngày tốt hay hại sức khoẻ? Câu trả lời của Giáo sư ĐH Harvard khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ lâu nay
Cà phê không đơn giản chỉ là một thứ đồ uống giúp tăng năng lượng và sự tỉnh táo. Theo các nghiên cứu, uống một lượng phù hợp cà phê mỗi ngày có thể giảm nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 và một số loại ung thư; bảo vệ gan, tim, não; kéo dài tuổi thọ.
Khi thưởng thức cà phê, nhiều người thích uống nóng, nhiều người lại thích nhâm nhi một ly cà phê đá mát lạnh. Thế nhưng, uống cà phê nóng hay cà phê đá sẽ tốt hơn cho sức khỏe?
Uống cà phê nóng hay cà phê đá tốt hơn?
Theo tiến sĩ Majid Basit, bác sĩ tim mạch tại Bệnh viện Memorial Hermann (Texas, Mỹ), cà phê nóng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn cà phê đá hay cà phê ủ lạnh. Một nghiên cứu đăng tải trên Scientific Reports vào năm 2018 đã chứng minh điều này. Các chất chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, trong đó có ngăn ngừa hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào.
Một nghiên cứu khác của Hiệp hội Hóa học Mỹ lại phát hiện, cà phê nóng có lượng caffeine cao hơn một chút so với cà phê đá. Tiến sĩ Basit giải thích: "Caffeine có tác dụng làm tăng sự tỉnh táo cho não bộ cũng như tăng mức năng lượng". Thế nhưng, bên cạnh những tác dụng tích cực này, tiến sĩ Basit cho biết caffeine cũng có thể làm tăng axit trong dạ dày và dẫn đến đau dạ dày ở một số trường hợp. Vị bác sĩ tim mạch nói thêm, caffeine còn có thể làm tăng lượng nước tiểu, huyết áp, nhịp tim, đồng thời giảm khả năng hấp thu canxi của cơ thể, từ đó làm giảm mật độ xương.
Song, Hiệp hội Hóa học Mỹ nhấn mạnh sự khác biệt về hàm lượng caffeine giữa cà phê nóng và cà phê đá là không đáng kể. Nhìn chung, dù uống cà phê nóng hay lạnh, bạn cũng sẽ nạp vào cơ thể một lượng caffeine nhất định.
Một đặc điểm khác biệt nữa giữa cà phê nóng và cà phê đá đó là mùi hương. Một nghiên cứu được công bố trên The Journal of Agricultural and Food Chemistry vào năm 2008 cho thấy, mùi hương của cà phê có tác dụng chống oxy hóa và thư giãn cơ thể. "Cà phê nóng sẽ mang lại tác dụng này tốt hơn so với cà phê đá, bởi cà phê nóng có nhiều hơi nước hơn", tiến sĩ Basit cho biết.
Đây mới là những điều cần lưu ý khi uống cà phê
Không phải cà phê nóng hay cà phê đá, điều bạn cần quan tâm hơn cả khi thưởng thức cà phê đó là:
Không nên uống quá nhiều cà phê
Uống quá nhiều cà phê có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và rối loạn giấc ngủ. Theo Mayo Clinic, một ngày bạn không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine (tương đương 4 tách cà phê).
Tránh uống cà phê vào buổi chiều và tối
Caffeine trong cà phê có thể ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Do đó, tốt nhất nên tránh uống cà phê sau 2-3 giờ chiều.
Chú ý đến phản ứng của cơ thể
Mỗi người có khả năng dung nạp caffeine khác nhau và có phản ứng khác nhau khi uống cà phê. Do đó, hãy theo dõi phản ứng của cơ thể. Nếu xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, khó tiêu, đầy hơi, tim đập nhanh, cần xem xét lại mức cà phê mà mình uống và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Cân nhắc lượng đường và kem thêm vào
Thêm quá nhiều đường hoặc kem, chất tạo ngọt vào cà phê có thể làm tăng lượng calo và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Uống thêm nước
Caffeine có tính lợi tiểu. Do đó, khi uống cà phê, mọi người nên bổ sung nước để tránh tình trạng mất nước.
Không uống cà phê ngay khi thức dậy
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng nồng độ cortisol - hormone gây căng thẳng - cao nhất khi chúng ta thức dậy. Chính vì thế, uống cà phê quá sớm vào buổi sáng sẽ càng làm tăng nồng độ hormone này trong cơ thể và có thể khiến chúng ta cảm thấy bồn chồn, căng thẳng. Theo các chuyên gia, thời gian tốt nhất để uống tách cà phê đầu tiên trong ngày là từ 9 rưỡi đến 11 giờ sáng.
(Nguồn: Huffpost, Healthline)
Đời sống và pháp luật