MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cà rốt Đà Lạt có bao bì đẹp chắc chắn bán được giá hơn hàng Trung Quốc

27-11-2018 - 10:35 AM | Thị trường

Từ ngày 1-1-2019, các chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM sẽ kiểm soát chặt, bắt buộc 100% hàng nông sản nhập chợ phải được sơ chế tại nguồn.

Theo ban quản lý các chợ, việc sơ chế nông sản tại nguồn đã được TP HCM và một số tỉnh, thành phối hợp thực hiện từ tháng 3-2018. Đến nay, một số mặt hàng như củ cải trắng, củ cải đỏ, bắp sú, cải thảo từ Đà Lạt đã được sơ chế 100% trước khi đưa về chợ đầu mối.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – Satra, cho biết Ban giám đốc Satra rất ủng hộ việc sơ chế nông sản tại nguồn vì việc làm đó giảm thiểu rất nhiều chi phí cho xã hội. Theo ông Khoa, mỗi năm chợ Bình Điền mất hơn 6 tỉ đồng để xử lý rác thải, trong đó 80% là rác thải nông sản ở chợ đầu mối.

"Chúng tôi kiến nghị đến hết năm 2018, tất cả nông sản vào chợ phải qua sơ chế. Hiện nay, trừ củ cải trắng và củ cải đỏ, các mặt hàng nông sản từ Lâm Đồng về chợ chưa được sơ chế tại nguồn. Việc sơ chế tại nguồn không được triển khai đồng đều tại các địa phương nên tôi kêu gọi phải giải quyết một cách đồng bộ" – ông Khoa nêu ý kiến.

Cà rốt Đà Lạt có bao bì đẹp chắc chắn bán được giá hơn hàng Trung Quốc - Ảnh 1.

Lượng rác nông sản thải ra tại các chợ đầu mối mỗi ngày rất lớn, vừa ảnh hưởng môi trường vừa tốn kém chi phí thu gom, xử lý

Ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc chợ đầu mối Thủ Đức, cũng nhất trí với việc sơ chế tại nguồn sẽ giúp làm sạch nông sản, có bao bì, nguồn gốc rõ ràng hơn. "Cà rốt Trung Quốc có bao bì rất đẹp, nếu cà rốt Đà Lạt cũng có bao bì sẽ bán được giá hơn tới 20%- 30%, thậm chí 50% cũng có người mua. Có sơ chế tại nguồn, bao bì nhãn mác thì người tiêu dùng yên tâm hơn, giá trị nông sản sẽ cao hơn" – ông Nhu nói.

Ban quản lý các chợ đầu mối TP bày tỏ mong muốn các tỉnh có chính sách hỗ trợ thương lái, nhà sản xuất để công tác sơ chế nông sản thuận lợi hơn. "Từ nay đến cuối năm là thời gian tuyên truyền động viên, giải đáp thắc mắc nhưng từ 1-1-2019 chúng tôi sẽ làm nghiêm công tác kiểm soát, hàng hóa nông sản vào chợ phải được sơ chế tại nguồn " – đại diện chợ đầu mối Thủ Đức cho biết.

Mới đây, tại hội thảo "Giải pháp sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản cung ứng vào thị trường TP HCM" trong khuôn khổ Hội nghị Kết nối cung cầu giữa TP HCM và các tỉnh thành năm 2018, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, nhìn nhận lượng hàng hóa từ các tỉnh, thành về các chợ đầu mối TP HCM ngày càng nhiều, đồng nghĩa lượng rác thải phát sinh ngày càng lớn, chủ yếu là từ các hoạt động sơ chế, phân loại, đóng gói nông sản  vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mang nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, phát sinh các nguồn bệnh, gây áp lực lớn cho công tác thu gom và xử lý rác.

Cà rốt Đà Lạt có bao bì đẹp chắc chắn bán được giá hơn hàng Trung Quốc - Ảnh 2.

Một bãi rác từ sơ chế bắp sú tại chợ đầu mối Thủ Đức

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Công Thương TP HCM, lượng hàng nhập 3 chợ đầu mối bình quân hằng đêm hơn 9.000 tấn, 80% trong đó là hàng nông sản. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ đầu mối ước đạt 240 tấn, trong đó gần 90% lượng rác có nguồn gốc từ các hoạt động sơ chế nông sản tại chợ. Ban Quản lý 3 chợ đầu mối hiện phải tốn chi phí hơn 8,5 tỉ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.

Công tác thu gom, vận chế, sơ chế tại 3 chợ đầu mối đang có những vấn đề lớn là TP tốn chi phí xử lý rác rất lớn, trong khi rác phát sinh từ hoạt động sơ chế là rác hữu cơ, có thể ủ làm phân xanh, tạo dinh dưỡng cho đất trồng phục vụ cho nông nghiệp.

Do không sơ chế, đóng gói, bảo quản với điều kiện nhiệt độ phù hợp ngay sau khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị của sản phẩm, tỉ lệ hao hụt nông sản sau thu hoạch còn cao, lên tới 30%, đặc biệt là mặt hàng dễ hư hỏng như rau, củ, quả.

Người tiêu dùng đang phải trả giá đắt hơn để sử dụng một đơn vị sản phẩm nông sản; nông dân phải bỏ nhiều công sức và chi phí hơn để nuôi trồng một đơn vị sản phẩm trong khi lợi nhuận đang bị bào mòn bởi những hao hụt từ khâu trồng trọt, thu gom, vận chuyển, sơ chế.

"Thời gian qua, Sở Công Thương TP HCM đã phối hợp với các Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành để triển khai công tác sơ chế tại nguồn đối với nguồn hàng nông sản thực phẩm tại các tỉnh, thành Đông Tây Nam Bộ. Thời gian tới, tất cả hàng hóa nông sản thực phẩm của các tỉnh miền Tây, miền Đông, miền Trung và phía Bắc nhập vào 3 chợ đầu mối phải được sơ chế, phân loại, kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, đóng gói trước khi phân phối trực tiếp vào các kênh bán lẻ" – bà Trang thông tin thêm.

Đại diện chính quyền Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An… cho biết đã tập trung tuyên truyền, thông tin đến các trang trại, nông trại, cơ sở nuôi trồng và cơ sở sơ chế trên địa bàn tỉnh để nắm bắt các thủ tục phục vụ thuận lợi trong kinh doanh. Nhìn chung các cơ sở sơ chế nông sản trên địa bàn tỉnh đã thực hiện sơ chế, đóng gói trước khi đưa vào TP HCM tiêu thụ. Tuy nhiên, tùy theo yêu cầu khách hàng mà có mức độ sơ chế khác nhau.

Các tỉnh cũng đề nghị TP HCM thực hiện nghiêm việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, hướng dẫn cụ thể đối với mặt hàng nào cần sơ chế và cách thức đóng gói đối với loại nông sản cụ thể để cơ sở cung cấp nắm rõ hơn và tuân thủ quy định.

Tập trung giải quyết an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và vệ sinh môi trường chợ

Một trong những quan điểm cốt lõi của Quy hoạch phát triển ngành Thương mại TP HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phát triển thương mại để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, đưa sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng đảm bảo đến với người tiêu dùng; qua đó, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa TP HCM với các tỉnh/thành; hướng đến vai trò là trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại quốc tế ở Đông Nam Á.

Để triển khai quan điểm này, Lãnh đạo TP HCM định hướng tập trung hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp 3 chợ đầu mối bán buôn nông sản thực phẩm Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn thành các trung tâm bán buôn, xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm và địa điểm tham quan, mua sắm du lịch khu vực phía Nam. Trong đó, ưu tiên giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, vệ sinh môi trường tại 3 chợ.

Theo Phương An

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên