Cá tra liên tục rớt giá: Doanh nghiệp tranh giành khách, tự triệt tiêu nhau
Dù Việt Nam “một mình một chợ” bán cá tra, nhưng không nắm được đằng chuôi. Doanh nghiệp (DN) trong ngành tự hạ giá để giành khách hàng, thị trường. Với cách làm đó, có ý kiến cho rằng, chẳng khác nào Việt Nam “gánh vàng đổ ra biển”.
- 30-05-2016Đổ nợ vì cá tra
- 27-05-2016Cá tra sẽ hết bị giám sát!
- 26-05-2016Sản lượng cá tra Đồng bằng sông Cửu Long giảm 7% so với cùng kỳ
Tự triệt tiêu
Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết, hiện Việt Nam có trên 6.000 ha nuôi cá tra, sản lượng hơn 1 triệu tấn, xuất khẩu có lúc đạt gần 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn lại hơn chục năm qua, giá cá tra cứ theo đà tụt dần, từ hơn 4 USD/kg năm 2003, nay chỉ còn khoảng 2,5 USD/kg; kim ngạch xuất khẩu năm 2015 cũng chỉ còn 1,56 tỷ USD.
Theo ông Thắng, tính liên kết của các DN chế biến xuất khẩu cá tra của Việt Nam rất kém: “Ông cha bảo buôn có bạn, bán có phường; chúng ta cũng nói thế, nhưng không làm”. Ông này cho rằng, giá cá tra giảm là quá trình các DN tự phá giá, tự triệt tiêu lẫn nhau. “Mỗi hội chợ, các DN đều cam kết không phá giá, thế này thế kia, nhưng cuối cùng thì mạnh ai nấy làm”- ông Thắng nói.
“Vua tôm” Lê Văn Quang - Chủ tịch Cty CP Tập đoàn Minh Phú, có lần chia sẻ: “Khi tôi đi bán tôm, làm việc với khách hàng nước ngoài, họ nói rằng: Người Việt Nam bán cá tra, basa như gánh vàng đổ ra biển. Cá tra, basa của Việt Nam ăn rất ngon, người Mỹ, châu Âu rất thích, nói là trên 10 USD/kg cũng mua, chứ không chỉ giá chưa đến 3 USD/kg như hiện nay”.
Theo ông Quang, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) từng đưa ra giá sàn xuất khẩu, các DN cũng chấp nhận, nhưng sau đó DN lại “thối lại” cho lại khách tới mấy chục cent. “Có khách hàng bảo, họ vừa mua được của DN Việt Nam giá 4 USD/kg, tưởng thế là rẻ; nhưng khi tàu của họ về được nửa đường, DN Việt lại chỉ bán giá 3,8 USD/kg cho khách khác; khi tàu về đến nơi, lại có người bán chỉ 3,5 USD/kg…” - ông Quang nói.
Còn theo ông Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Phó Chủ tịch VASEP, mấu chốt vấn đề giá cá tra là dùng chất tăng trọng (được phép), làm cho miếng phile cá tra hút nhiều nước thêm. “Cá tra thì rất tốt, nhưng phile cá tra có vấn đề, phile chất lượng thấp, thì bán giá thấp thôi”- ông Dũng nói.
Ông Dũng cho biết, phần lớn cá tra xuất khẩu dưới dạng phile đông lạnh, phần chế biến giá trị gia tăng rất ít, muốn cá tra phile giá cao, phải bớt nước đi. Hiện có DN làm tốt, họ không đưa nước vào phile, nên có thể xuất được với giá tới 5 USD/kg ở thị trường Anh. “Hay như phile cá tra hun khói, chắc chắn giá sẽ khác với phile đông lạnh, nó có thể đi được nhiều thị trường. Như thị trường Nhật, vốn lâu nay không nhập lô cá tra phile động lạnh nào, nhưng hun khói họ lại mua”- ông Dũng nói.
Là người theo dõi sát ngành cá tra thời gian qua, ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản cho rằng, thực ra, giá cá giảm nhanh. Trong một thời điểm, sản lượng tăng quá nhanh, từ vài trăm nghìn tấn lên cả triệu tấn, phát triển thị trường không kịp. Sau đó, đến giai đoạn ngành cá tra “đau đầu” vì hàng kém chất lượng.
Đề xuất phạt DN không theo “phường”
Theo Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian qua, dù có nhiều cam kết, thỏa thuận thống nhất về giá cho từng sản phẩm cá tra xuất khẩu, nhưng khi thực hiện, nhiều DN không tuân thủ. “Sau khi cam kết, DN vẫn hạ giá với nhiều lý do, Hiệp hội cũng không làm gì được” - ông Thắng nói.
Để ngành cá tra “buôn có bạn, bán có phường”, lãnh đạo Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho rằng, mỗi khu vực, thị trường, cần tập hợp nhóm DN xuất vào thị trường đó. Nhóm DN này cần thống nhất về khung giá cả, chất lượng sản phẩm…để làm, nếu ai làm khác là vi phạm. Chẳng hạn, thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh (hiện chiếm trên 10% thị phần) nếu không thống nhất được, sẽ rất ảnh hưởng đến ngành cá tra Việt Nam.
“Nếu bán rẻ mà có lãi, đó cũng là cách để chiếm lĩnh thị trường. Còn mình bán rẻ mà lỗ, đi nợ ngân hàng, phá sản, gây thiệt hại cho xã hội, thì đâu có được”.
Bà Trương Thị Lệ Khanh
Ông Thắng đề nghị, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương cho phép Hiệp hội Cá tra có quyền công bố danh sách các thành viên trong hiệp hội không tuân thủ các cam kết, quy chế, điều lệ trong phát triển ngành hàng bền vững; đồng thời ban hành các chế tài phạt các thành viên này khi Hiệp hội công bố danh sách.
Trao đổi với PV Tiền Phong, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Vĩnh Hoàn- DN xuất khẩu cá tra lớn nhất cả nước nhiều năm qua cho rằng: DN không muốn bán rẻ, nhưng do thị trường quyết định. “Bán đắt hay rẻ cũng khó nói. Vấn đề là mình đừng để lỗ, phá sản. Còn nếu bán rẻ mà có lãi, đó cũng cách để chiếm lĩnh thị trường. Còn mình bán rẻ mà lỗ, nợ ngân hàng, phá sản, gây thiệt hại cho xã hội, thì đâu có được”- bà Khanh nói.
Theo bà Khanh, cá tra Việt Nam đang phải cạnh tranh với các loại cá thịt trắng ở nhiều nước, bị tác động bởi truyền thông quốc tế; phụ thuộc vào sản lượng, chất lượng… “Cá tra là một câu chuyện dài. Có thời, thấy có lãi, ai cũng nhảy vào làm, kể cả người ở lĩnh vực khác, nên mới phát triển nóng. Đến khi sản lượng nhiều quá, quản trị rủi ro không chuyên nghiệp, không phân tích thị trường…dẫn đến hậu quả”- bà Khanh nói. Chủ tịch Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng cho rằng: “Hãy để cho thị trường điều tiết, ắt ngành cá tra sẽ tự sắp xếp lại. DN làm ăn không hiệu quả, ngân hàng không cho vay, thì phải bán cho người làm hiệu quả hơn”.
Tiền phong