MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra sắp được giao dịch trên internet

04-07-2016 - 07:31 AM | Thị trường

2016, Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) sẽ ra mắt website thương mại điện tử cá tra, giúp môi trường kinh doanh sản phẩm này minh bạch và tin cậy hơn

Bà Võ Thị Thanh Hương, Phó Tổng Thư ký VN Pangasius, cho biết một tổ chức của Thụy Sĩ vừa tài trợ cho hiệp hội xây dựng 2 website: www.mekongfishmarket.com và www.pangasiusmap.com.

Dễ dàng truy xuất nguồn gốc

Theo bà Hương, 2 trang web nêu trên sẽ cung cấp đầy đủ thông tin của khoảng 50 hội viên là những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cá tra và vùng nuôi của họ. Nếu muốn tìm hiểu sản phẩm thì vào trang mekongfishmarket.com, còn muốn biết vùng nuôi đạt những chuẩn mực gì thì truy cập trang còn lại. VN Pangasius xác định mekongfishmarket.com sẽ giúp DN thủy sản có thể giao dịch qua internet, đồng thời giới thiệu và nâng cao vị thế của ngành cá tra Việt Nam.

“DN có thể chào bán sản phẩm trên trang web đến toàn thế giới với chi phí tiết kiệm nhất, liên lạc nhanh và tận dụng được mọi điều kiện thuận lợi về chính sách phát triển kinh tế cũng như các lợi thế về mặt địa lý” - bà Hương nhận định.

Website www.pangasiusmap.com được sự chia sẻ thông tin từ các chi cục thủy sản ở ĐBSCL nên chi tiết từng ao nuôi sẽ được cập nhật đầy đủ. Theo bà Hương, thông qua website này sẽ dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. Trang này đang cập nhật 1.104 ao nuôi với tổng diện tích 12,30 triệu m2.

Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ), nhìn nhận: “Sàn giao dịch sẽ hỗ trợ nhiều cho ngành cá tra. Người nuôi có thể cập nhật thông tin thị trường, giá cá, giá thức ăn trước khi nuôi hay đàm phán giá bán với nhà máy”.

Cần xây dựng trung tâm logistics

Bà Hương cho rằng để có sàn giao dịch cá tra đúng nghĩa thì phải xây dựng thêm hệ thống phân phối, nhà kho và nơi kiểm nghiệm sản phẩm trước khi xuất hàng. Những điều này được tập trung trong trung tâm logistics.

Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2015, ở tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có 1 trung tâm logistics hạng 2 với quy mô tối thiểu 30 ha (năm 2020) và 70 ha (năm 2030). Phạm vị hoạt động của trung tâm này gồm: Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và An Giang; kết nối với các cảng sông, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, KCN và cửa khẩu.

“TP Cần Thơ cần kêu gọi đầu tư xây dựng trung tâm logistics vì đây là trung tâm của ĐBSCL. Khi có trung tâm này sẽ có nguồn hàng tốt và sản phẩm cá tra được chuẩn hóa trước khi xuất bán” - bà Hương đề xuất.

Theo bà Lê Ngọc Diện, Chi cục phó Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, trong quá trình lập website thương mại điện tử cá tra, có nhiều ý kiến khác nhau nhưng đa phần là ủng hộ.

Người nuôi mong thoát cảnh “kèo dưới”

“Lâu nay, nông dân luôn nằm “kèo dưới” trong việc mua bán với các DN. DN ra giá mua chứ không phải người bán nên nông dân thường bị thiệt thòi. Do đó, sàn giao dịch cá tra phải giúp người nuôi đàm phán sòng phẳng với DN về giá bán” - ông Nguyễn Ngọc Hải mong muốn.

Theo Ca Linh

Người Lao động

Trở lên trên