Ca ung thư cổ xưa nhất từng được ghi nhận ở loài người diễn ra từ lúc nào?
Bằng chứng sớm nhất về bệnh ung thư ở người đến từ một họ hàng đầu tiên của con người sống cách đây khoảng 1,7 triệu năm.
- 15-05-2023Quốc gia châu Âu bất ngờ xuất khẩu hàng hoá nhiều kỷ lục sang Trung Quốc, giới chuyên gia 'vò đầu bứt tai' cũng không hiểu tại sao
- 15-05-2023Cả thế giới lo lạm phát, riêng Trung Quốc theo xu hướng trái ngược: Lặp lại tình trạng của Mỹ và Nhật nhiều năm trước?
- 15-05-2023Cạnh tranh nội địa quá khó nhằn, các doanh nghiệp Trung Quốc học hỏi Tiktok và Shein để cố gắng vươn ra nước ngoài tìm đường sống
- 15-05-2023'Sự kiện trăm năm có một' đe dọa mặt hàng xuất khẩu mang giá trị văn hóa nhất Trung Quốc như thế nào?
- 05-04-2023Sản phẩm gây ung thư, Johnson & Johnson phải chi gần 9 tỉ USD để xử lý
Ung thư có vẻ giống như một căn bệnh thời hiện đại, nhưng trên thực tế nó đã ảnh hưởng tới con người từ rất lâu, theo trang Live Science. Theo đó, các nhà khoa học đã phát hiện ra sự hiện diện của bệnh ung thư trên nhiều hài cốt người tiền sử. Bằng chứng sớm nhất về bệnh ung thư ở người đến từ một 'họ hàng' đầu tiên của con người sống cách đây khoảng 1,7 triệu năm.
Cá thể này, có khả năng thuộc loài Paranthropus robustus hoặc Homo ergaster, đã phải sống với một khối u ác tính nằm ở xương ngón chân trái. Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra bộ hài cốt nói trên bên trong hang động Swartkrans, một mỏ đá vôi ở Nam Phi. Địa điểm này thường được gọi là Cái nôi của loài người, vì là nơi tập trung nhiều hài cốt của tổ tiên loài người nhất trên thế giới.
Khi so sánh hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của hóa thạch xương ngón chân với hình ảnh của các trường hợp ung thư xương nguyên phát phổ biến nhất hiện nay, các nhà nghiên cứu ngay lập tức nhận ra hóa thạch này có hình dạng khá đặc biệt như một miếng súp lơ, vốn là nét đặc trưng của u xương ác tính, theo một nghiên cứu năm 2016 về trường hợp được công bố trên Tạp chí Khoa học Nam Phi.
Ngày nay, u xương ác tính là một trong những bệnh ung thư xương phổ biến nhất ở người và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mặc dù nó thường gặp nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên và thanh niên vẫn đang trong độ tuổi phát triển, theo Hiệp hội Ung thư Mỹ.
Với ca mắc ung thư thời tiền sử nói trên, mặc dù độ tuổi chưa được xác định, nhưng có vẻ đây là một người đã trưởng thành, các nhà nghiên cứu cho biết.
Theo một nghiên cứu riêng năm 2016 trên Tạp chí Khoa học Nam Phi, một khối u lành tính thậm chí còn lâu đời hơn đã được tìm thấy trên một cá thể thuộc loài Australopithecus sediba, vốn cũng là họ hàng với con người (nhưng đã tuyệt chủng), từng sinh sống cách đây 1,9 triệu năm. Các chuyên gia nhận định, không có gì đáng ngạc nhiên khi trường hợp ung thư lâu đời nhất được biết đến thường xảy ra ở xương, vì các cơ quan nội tạng, da và các mô mềm khác dễ bị phân hủy hơn xương.
"Xương là một trong số ít các mô có thể tồn tại trong hồ sơ hóa thạch," Bruce Rothschild, nhà cổ sinh vật học động vật có xương sống tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Carnegie ở Pittsburgh, cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả khi ung thư được tìm thấy trong hóa thạch, nó thường không thể nhìn thấy bằng mắt thường và cần phải kiểm tra thêm để tìm ra —đơn cử như trường hợp ung thư xương ngón chân nói trên.
"Khoảng 1/3 trường hợp ung thư sẽ tự biểu hiện. Nhưng bạn sẽ cần thực hiện chụp X-quang để xác định xem có thứ gì đó ẩn bên trong xương hay không. Hầu hết các nhà nghiên cứu bệnh học [ngày nay] đều xem xét X-quang trước khi đưa ra chẩn đoán khối u khi nó liên quan đến xương.", chuyên gia Rothschild cho biết.
Ghi chép đầu tiên về bệnh ung thư
Mặc dù khối u ở hóa thạch xương ngón chân 1,7 triệu năm tuổi là trường hợp ung thư được biết đến sớm nhất ở hominin, một nhóm bao gồm cả người hiện đại, nhưng hồ sơ đầu tiên ghi chép về bệnh ung thư không xuất hiện cho đến rất lâu sau đó.
Vào năm 3000 trước Công nguyên, Imhotep — một nhà toán học, bác sĩ và kiến trúc sư người Ai Cập cổ đại — đã viết cái mà sau này được gọi là Giấy cói Edwin Smith. Đây được coi là một cuốn sách giáo khoa về chấn thương cơ thể và các quy trình phẫu thuật. Trong sách, ông đã trình bày chi tiết 48 trường hợp y khoa, bao gồm một số trường hợp nghiên cứu về ung thư vú. Văn bản này được viết bằng hieratic, một hệ thống chữ viết cổ của Ai Cập, và sau đó được nhà khảo cổ học người Mỹ James Henry Breasted dịch sang một văn bản tiếng Anh.
Trong đó, Imhotep đã mô tả đặc điểm của các loại khối u khác nhau, bao gồm "khối u mềm" và "khối u rắn". Ông cũng bao gồm các mô tả về một khối u ở vú — mô tả nó là "khối phồng lên ở vú", mát, cứng và đặc giống như "trái cây có máu chưa chín" lan ra dưới da. Trong khi Imhotep đưa ra một số phương pháp điều trị cho các tình trạng y tế khác trong văn bản, thì dưới phần "liệu pháp" cho khối u vú, ông đã viết, "Không có phương pháp nào."
Có thể thấy, cuốn sách của Imhotep đã mang tới một cái nhìn thoáng qua về cách thức phẫu thuật y học đã được thực hành cách đây hàng nghìn năm bởi người Ai Cập cổ đại, được cho là một trong những bác sĩ phẫu thuật đầu tiên trên thế giới, đồng thời cung cấp một số bằng chứng sớm nhất về bệnh ung thư từng được ghi nhận.
Tham khảo Live Science
Thể thao & Văn hóa