Các bác sĩ đình công 3 tháng, tìm phòng cấp cứu ở Hàn Quốc khó hơn bao giờ hết
Sau 3 tháng xảy ra cuộc đình công của các bác sĩ, chính phủ Hàn Quốc vẫn bế tắc trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế.
- 16-05-2024Cuộc chiến chưa kết thúc: 12.000 bác sĩ Hàn Quốc đình công tiếp tục đối mặt với khó khăn mới, khủng hoảng y tế toàn quốc rơi vào bế tắc
- 07-05-2024Làn sóng bác sĩ đình công làm tê liệt hoạt động bệnh viện ở những thành phố nhỏ của Hàn Quốc
- 21-04-2024Khủng hoảng y tế Hàn Quốc cuối cùng cũng tạm thời kết thúc: Sau 2 tháng bác sĩ đình công, kết quả thế nào?
- 19-04-2024Chính phủ Hàn Quốc chấp nhận xuống nước với các bác sĩ sau khi hứng đòn đau
Để đánh dấu cột mốc 3 tháng đình công, phóng viên báo Hankyoreh đã đến tìm hiểu Trung tâm Y tế Cấp cứu Quốc gia ở quận Jung-gu (Seoul), nơi chịu trách nhiệm tiếp nhận các ca cấp cứu nặng từ tuyến dưới.
Một nhân viên y tế tại đó cho biết, thời gian qua, số lượng cuộc gọi yêu cầu giường bệnh trong phòng cấp cứu tăng mạnh và nhiều bệnh nhân bên ngoài khu vực thủ đô không được điều trị kịp thời.
Vào lúc 4h30 chiều 10/5, một cuộc điện thoại khẩn cấp gọi đến phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Cấp cứu Quốc gia. Các bác sĩ từ Trung tâm Y tế Cấp cứu khu vực ở tỉnh Gangwon đang rất tuyệt vọng vì một bệnh nhân ở đó đã bị 5 bệnh viện trong khu vực từ chối.
Rất may mắn là bệnh nhân này cuối cùng cũng được chấp nhận gửi lên tuyến trên. Nhưng để làm được điều đó, phải mất 23 phút và 10 cuộc điện thoại, các bác sĩ tuyến dưới mới tìm được nơi tiếp nhận bệnh nhân.
Xuất phát từ tính khẩn cấp của hệ thống y tế, Chính phủ Hàn Quốc đã dựa vào hệ thống dịch vụ chăm sóc y tế tạm thời để giảm thiểu sự gián đoạn về chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc, do hàng loạt thực tập sinh và bác sĩ từ chức.
Kế hoạch ban đầu là thành lập các phòng cấp cứu khẩn cấp ở các khu vực tàu điện ngầm Seoul, Chungcheong, Jeolla và Kyungsang vào tháng 4 và tháng 5, nhưng dự định đã bị dời lại vài tháng do nhiều nhân viên tại các bệnh viện đình công.
Nhiều bệnh nhân tại Hàn Quốc phàn nàn về việc khó tiếp cận dịch vụ cấp cứu tuyến trên (Ảnh: Hankyoreh)
Theo Trung tâm Y tế Quốc gia, cứ 10 người đến phòng cấp cứu ở Hàn Quốc thì có 1 người được chuyển đến phòng cấp cứu tuyến trên để được điều trị.
Việc hàng loạt thực tập sinh y khoa và bác sĩ nội trú nghỉ việc đã khiến các phòng cấp cứu thiếu nhân lực và khó tìm được người thay thế các vị trí trống.
Sau 3 tháng đình công, chỉ khoảng 5% bác sĩ thực tập tại Hàn Quốc quay trở lại bệnh viện làm việc. Con số này cho thấy cuộc khủng hoảng trong ngành y tế nước này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Park Min-soo cho biết tính đến ngày 20/5, chỉ 659 bác sĩ thực tập trong tổng số 13.000 người đã quay lại làm việc.
Tuần trước, Tòa án phúc thẩm Seoul đã bác bỏ đơn kiện của cộng đồng y tế, mở đường cho chính phủ tiến hành cải cách.
Thứ trưởng Park Min-soo kêu gọi các bác sĩ thực tập chấm dứt đình công và tham gia đối thoại với chính phủ. Tuy nhiên, các bác sĩ thực tập vẫn giữ lập trường cứng rắn. Phần lớn các bác sĩ trẻ vẫn kiên quyết phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường y của chính phủ và yêu cầu cơ quan chức năng chấp nhận đơn xin nghỉ việc của họ.
VTV