MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘Các bộ, địa phương đừng đá ngược quả bóng trách nhiệm lên Thủ tướng!’

Có lẽ, để đi theo hướng xây dựng một Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển và liêm chính như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay từ khi nhậm chức đã mong mỏi, tôi nghĩ Chính phủ, Thủ tướng và các Phó thủ tướng sẽ không thể làm tốt được nếu như cơ quan điều hành Chính phủ cứ phải giao cả chục ngàn nhiệm vụ mỗi năm cho các bộ ngành và địa phương giải quyết hoặc chỉ đạo, trao đổi qua lại.

Đó sẽ là một "núi văn bản quá trời đất !" (như Thủ tướng nói hôm 29.11) nếu phải xử lý khiến cho công việc nhiều khi quá tải. Từ đó, Chính phủ, Thủ tướng và các Phó thủ tướng cũng khó đôn đốc và kiểm soát tốt hoàn toàn.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 11 hôm qua, (29.11), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương từ nay cần chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền của mình và “đừng đá ngược quả bóng trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng và các Phó thủ tướng!”. Tôi nghĩ, có lẽ một Chính phủ hành động cũng cần xuất phát từ tinh thần đó.

Một cuộc họp mới đây của Văn phòng Chính phủ (VPCP) cũng đã cho chúng ta những con số rất đáng suy nghĩ: Tính chung trong cả nước, từ đầu năm đến 28.11.2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao 10.241 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm triển khai, yêu cầu báo cáo và cho ý kiến thực hiện. Trong đó, có 5.860 nhiệm vụ đã hoàn thành; chưa hoàn thành 4.381 nhiệm vụ (trong hạn 4.186 và quá hạn là 195).

Nói như Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thì kể từ khi Tổ công tác được thành lập ngày 19.8 tới nay, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao có chuyển biến rõ nét. Số nhiệm vụ quá hạn giảm nhiều so với thời điểm trước đó. Trong 11 tháng năm 2016, số nhiêm vụ quá hạn chỉ chiếm 3,2%, giảm 13,8% so với thời điểm 31.7.2016 (trước khi Tổ công tác được thành lập) và giảm 15,1% so với cùng kỳ năm trước.

Từ thực tế trên,Tổ công tác đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, các cơ quan và địa phương thực hiện nghiêm Quy chế làm việc của Chính phủ trong phối hợp, xử lý các công việc có tính chất liên ngành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn yêu cầu bộ máy Văn phòng thuộc quyền của ông và muốn nhắc nhở chung luôn ở các cấp bộ, ngành, địa phương: “Khi được hỏi ý kiến phải trả lời đúng hạn, trúng vấn đề, không trả lời chung chung, không rõ quan điểm; đặc biệt là khi VPCP gửi lấy ý kiến, phải trả lời rõ quan điểm đúng sai, đồng ý hay không đồng ý, tránh ý kiến chung chung, như: “đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật” hoặc “Nếu Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì Bộ đồng ý”, đùn đẩy trách nhiệm lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”.

Tôi cho rằng đó chính là một bước đột phá trong cải cách hành chính của bộ máy nhà nước chúng ta mà lâu nay đang có nhiều vấn đề rất đáng bàn. Đây cũng có thể là một trong nhiều nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phàn nàn khi công việc của họ bị ách tắc, chậm chuyển động chỉ vì thủ tục, quy trình ra văn bản, xin ý kiến cấp trên khá rườm rà mà lẽ ra chính ở cấp bộ, ngành, địa phương đã có đủ thẩm quyền xử lý, không phải xin ý kiến Trung ương. Và nhiều khi, khó có ai lại tin được điều đó đang là sự thật, cản trở bước tiến của xã hội.

Tôi xin đơn cử một ví dụ rất nhỏ để minh hoạ và cũng là để chúng ta dễ hình dung.

Hồi tháng 9.2016, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua kết luận thanh tra của Tổng cục Lâm nghiệp (sau 3 tháng thanh tra) xung quanh dự án Du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Ba Vì (Le Mont Resort Ba Vì), Hà Nội cùng 3 dự án khác nữa của các doanh nghiệp cũng tại Vườn Quốc gia Ba Vì (của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) do báo chí có một giai đoạn đề cập khá rầm rộ.

Thực tế là sau 8 năm, doanh nghiệp có dự án mang tên "Le Mont Resort Ba Vì" thuộc Công ty TNHH Phát triển công nghệ (CFTD) trầy trật trong việc trình luận chứng kinh tế kỹ thuật với hồ sơ đã hoàn chỉnh và đầy đủ cơ sở pháp lý. Nhưng rồi dự án vẫn tắc ở khâu ra quyết định cấp giấy phép hoạt động là Bộ NN&PTNT (bộ chủ quản đất rừng quốc gia Ba Vì).

Do nôn nóng, một số doanh nghiệp trên đã lẳng lặng triển khai dù giấy phép hoạt động chưa được bộ này ban hành. Họ đã vi phạm quy định một cách không đáng có, mặc dù cái sai thì cũng đã rõ. Họ cũng khó có thể bao biện, nhưng cũng cần được dư luận chia sẻ sau gần chục năm mỏi mòn chờ đợi.

Hai tháng sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu 5 bộ, ngành và TP.Hà Nội cho ý kiến bày tỏ quan điểm để Chính phủ căn cứ vào đó sẽ chỉ đạo tiếp Bộ NN& PTNT xử lý dứt điểm thì mới đây, vào ngày 26.10.2016, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đã có văn bản số 2404/BXD gửi Văn phòng Chính phủ bày tỏ quan điểm của Bộ Xây dựng. Văn bản này đã ít nhiều cho thấy một tinh thần rất thẳng thắn, đúng với thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngay khi ông mới nhậm chức đã phát biểu, tất cả vì một Chính phủ hành động, kiến tạo và liêm chính. Qua đó cũng cho thấy, từ nhiều năm nay, có những dự án kinh tế bị đình trệ rất không đáng có, khiến cho doanh nghiệp lao đao, khổ sở...

Theo văn bản của Bộ Xây dựng như trên vừa đề cập thì bản thân Quyết định 24/2012/QĐ -TTg ngày 1.6.2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020 đã nêu rất rõ rằng: "Dự án Khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính dịch vụ 1 thuộc Vườn Quốc gia Ba Vì là dự án được Nhà nước khuyến khích đầu tư...". Văn bản cũng bày tỏ chính kiến khá rõ, đó là việc bộ này "đề nghị Bộ NN& PTNT khẩn trương thực hiện phê duyệt dự án Khu du lịch sinh thái trong khu vực hành chính, dịch vụ 1 làm cơ sở để tiếp tục triển khai thi công và đưa dự án vào khai thác".

Cũng qua văn bản này, dư luận cũng như báo chí đã hiểu rõ hơn rằng, theo quy định của Điểm B, Khoản 2, Điều 89 của Luật Xây dựng năm 2014, công trình thuộc dự án còn được miễn giấy phép xây dựng; công trình chỉ được tiếp tục triển khai thi công khi có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt theo đúng quy định về quản lý đầu tư xây dựng. Tóm lại, nếu căn cứ vào Luật Xây dựng (2014) hiện hành, việc phê duyệt cấp phép xây dựng cũng không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương bởi đây là khu rừng quốc gia thuộc bộ NN&PTNT quản lý.

Từ câu chuyện này, tôi càng tâm đắc với những lần phát biểu gần đây của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mỗi khi liên quan đến việc Chính phủ cam kết sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư hoạt động, tránh để mang tiếng cản trở, gây khó cho doanh nghiệp.

Hôm 27.8, khi vào dự hội nghị với các nhà đầu tư tại Ninh Thuận, một lần nữa Thủ tướng lại bày tỏ quan điểm xuyên suốt này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chính quyền mọi cấp, mọi ngành cần phấn đấu trở thành chính quyền đối thoại, cần tích cực, chủ động hơn trong trao đổi và lắng nghe ý kiến nhà đầu tư. Có vị tổng giám đốc đã nói với tôi rằng, để nhận được mảnh đất phải mất vài năm, rất khó về đền bù, tái định cư. Chúng ta có khắc phục được tình trạng này không? Hoàn toàn có thể nếu chính quyền chúng ta mạnh, sát dân, cùng đối thoại với dân và doanh nghiệp để xử lý các vấn đề cụ thể. Để vài năm thì cơ hội kinh doanh với nhà đầu tư còn đâu nữa?”, Thủ tướng tâm sự nhưng cũng là gợi mở hướng khắc phục.

Từ ví dụ nói trên cũng như tâm tình sẻ chia rất "gan ruột" của Thủ tướng, mong rằng nhiệm kỳ Chính phủ này sẽ làm hết sức mình để hoàn thành thật tròn vai mà Thủ tướng đã hứa trước Đảng, Quốc hội và nhân dân cả nước. Tuỳ ở mỗi vị trí công tác của mình, cần tránh hết sức những chuyện như Thủ tướng vừa nêu, đó là đừng có đá ngược quả bóng trách nhiệm trong chân mình lên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Có như vậy, mọi việc mới sẽ chuyển động và được giải quyết hanh thông ngay từ cấp cơ sở...

Theo Quốc Phong

Một thế giới

Trở lên trên