Các công ty kinh doanh xuyên quốc gia như Facebook, Google, Agoda có trốn thuế tại Việt Nam hay không?
Cung cấp dịch vụ cho người dùng ở Việt Nam với quy mô lớn nhưng không có trụ sở hay văn phòng đại diện tại đây, liệu Google, Facebook, Agoda… có trốn thuế hay không? Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC Việt Nam.
- 26-01-2017Agoda, Traveloka đang bị bộ Tài chính "sờ gáy"
- 23-01-2017Bộ Tài chính yêu cầu Agoda, Traveloka, Booking, Expedia... phải đóng thuế tại Việt Nam
- 07-12-2016"Người anh em" của Agoda là Booking.com đang bị Pháp truy thu 400 triệu USD tiền trốn thuế
Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và loại hình kinh doanh xuyên biên giới như Nguyễn Hà Đông (người tạo ra trò chơi Flappy Bird nổi tiếng) thì việc trốn thuế tại các quốc gia có xảy ra với các công ty như Google, Facebook, Agoda… ?
Theo thông lệ quốc tế, quyền đánh thuế TNDN đối với một công ty/doanh nghiệp thường được xác định trên cơ sở “cư trú” và “cơ sở thường trú”. Nếu công ty nước ngoài có cơ sở thường trú tại nước nào thì nước đó có quyền đánh thuế. Các Hiệp định mà Việt Nam ký kết với nước ngoài cũng có những điều khoản tương tự.
Ngoài ra, nguồn gốc thu nhập cũng là một cơ sở thường được các quốc gia sử dụng để xác định quyền đánh thuế. Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc thu nhập là rất khó.
Vấn đề đánh thuế đối với dịch vụ xuyên biên giới là nan giải của tất cả các nước, chứ không riêng Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định một công ty nào đó có trốn thuế hay không cần phải xem xét cụ thể từng trường hợp và trên cơ sở qui định pháp luật, không thể chỉ trên cơ sở “xét đoán”, “nghi ngờ” hay “có biểu hiện”.
Với Agoda và Airbnb, họ cung cấp dịch vụ môi giới đặt phòng tại nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam và doanh số có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng nhưng không có liên hệ gì với cơ quan thuế Việt Nam. Số doanh thu này có bị coi là trốn thuế không?
Agoda, Airbnb… là doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài, cung cấp dịch vụ môi giới đặt phòng thông qua Internet. Ai cũng có thể truy cập vào website của họ để thực hiện đặt phòng. Một người ở Việt Nam có thể truy cập vào website của họ để đặt phòng tại Việt Nam hoặc một nước khác. Họ có thể thanh toán tiền phòng trực tiếp cho Agoda, Airbnb bằng thẻ tín dụng hoặc trả trực tiếp cho khách sạn. Điều này dẫn đến hiểu lầm rằng các doanh nghiệp này thu được rất nhiều tiền nhưng không đóng thuế.
Trên thực tế, Agoda hay Airbnb không sở hữu bất cứ khách sạn hay phòng nghỉ nào. Số tiền họ thu từ người dùng được chi trả ngược lại các đơn vị lưu trú (các khách sạn, nhà nghỉ tại Việt Nam hoặc nước ngoài). Các đơn vị lưu trú này vẫn đóng thuế như thường lệ theo quy định của cơ quan thuế địa phương. Agoda và Airbnb chỉ được hưởng phần nhỏ doanh thu từ việc môi giới khách nghỉ đến với khách sạn.
Tại Việt Nam, các cơ sở lưu trú phải đóng thuế theo quy pháp luật. Khi khách sạn Việt Nam thanh toán phí môi giới cho Agoda, Airbnb, các khách sạn phải nộp thay Agoda, Airbnb khoản “thuế nhà thầu” do sử dụng dịch vụ môi giới do các doanh nghiệp này cung cấp.
Như vậy, vấn đề thu thuế đối với các doanh nghiệp xuyên biên giới được quan tâm trong thời gian qua, thực chất là nhắc tới khoản phí môi giới nhỏ mà các doanh nghiệp nước ngoài như Agoda, Airbnb đang thu được từ việc môi giới cho các khách sạn tại Việt Nam, chứ không phải toàn bộ khoản doanh thu mà khách hàng trả để đặt phòng. Doanh thu từ việc cung cấp dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác đã được các công ty tại Việt Nam đóng thuế theo qui định.
Thiết kế: Hương Xuân
Google và Facebook thu tiền trực tiếp của rất nhiều công ty tại Việt Nam và cũng không có văn phòng tại Việt Nam. Họ có trốn thuế không?
Tương tự như Agoda và Airbnb, Google và Facebook không cần phải đặt văn phòng tại Việt Nam mới có thể cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và người sử dụng dịch vụ của họ cũng vậy, không cần phải ở Việt Nam mà có thể ở bất cứ nơi đâu. Google và Facebook khi nhận được tiền từ khách hàng thì họ phải đóng thuế tại nơi họ là đối tượng cư trú thuế hoặc có cơ sở thường trú chứ không phải là trốn thuế đối với phần dịch vụ cung cấp ở Việt Nam.
Theo quy định, các doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ quảng cáo do Google, Facebook cung cấp, có trách nhiệm nộp thuế nhà thầu thay cho Google, Facebook tại Việt Nam. Chính sách thuế nhà thầu của Việt Nam hiện nay yêu cầu bên chi trả thu nhập (bên thanh toán các khoản phí) có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế thay các doanh nghiệp nước ngoài không phân biệt công ty nước ngoài có hay không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
Như vậy chính sách thuế của Việt Nam hiện nay thông qua hình thức khấu trừ tại nguồn bởi bên chi trả đã có cơ sở để thu thuế đối với các công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ cho công ty Việt Nam. Cơ quan thuế đã thực hiện thu thuế đối với các hình thức này. Có thể nói trong bối cảnh của Việt Nam thì thuế nhà thầu là cơ chế linh hoạt và hiệu quả để thu thuế đối với các công ty nước ngoài.
Đối với các khoản thu nhập từ cung cấp dịch vụ trực tiếp cho các cá nhân Việt Nam, nghĩa vụ kê khai và nộp thuế theo qui định của pháp luật cũng thuộc về các cá nhân (người chi trả thu nhập). Tuy nhiên trên thực tế rất hiếm các cá nhân thực hiện kê khai và nộp thuế thay cho các công ty nước ngoài. Đây không phải là lỗi của các công ty nước ngoài do vậy không nên qui chụp cho họ tội “trốn thuế” trước khi xem xét các tình huống cụ thể.