Các địa phương gỡ vướng mắc, tập trung giải ngân vốn đầu tư công
Hiện tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn chưa được như kỳ vọng, một số địa phương giải ngân thấp hơn so với mức trung bình cả nước.
- 05-07-2024Tổng công ty Đường sắt thu 4.500 tỷ đồng sau 6 tháng nhưng 'mất trắng' 106 tỷ đồng vì 2 sự cố
- 05-07-2024Đề xuất xây "thần tốc" tuyến tàu điện tự lái 20.000 tỷ chạy trên kênh, rạch ở đô thị lớn nhất Việt Nam
- 05-07-2024Lào Cai "nỗ lực gấp đôi", vì sao kết quả phát triển kinh tế chưa như mong muốn?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này như vướng mắc về giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính điều chỉnh phân bổ vốn còn chậm... Do vậy, việc tập trung tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong những tháng cuối năm là một trong những ưu tiên của các địa phương.
Để hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch nguồn vốn đầu tư công, tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị, ngành, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và của tỉnh về quản lý và giải ngân vốn đầu tư công, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị, địa phương thường xuyên theo dõi tiến độ các dự án để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền kiên quyết cắt giảm, điều chỉnh kế hoạch vốn từ dự án giải ngân chậm để bố trí cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm, làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, trình phê duyệt các chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án và triển khai các dự án khởi công mới; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chuyển tiếp, trong đó chú trọng các dự án trọng điểm như: tuyến đường bộ ven biển, tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định - Thái Bình, các tuyến đường trục trong Khu Kinh tế.
Đồng thời, các đơn vị chức năng tập trung quyết liệt giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tháo gỡ khó khăn về nguồn cung cấp cát cho các dự án trên địa bàn; tăng cường chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định của pháp luật về đấu thầu, kiên quyết xử lý các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình và vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm...
Đối với việc giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Thái Bình yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện thủ tục dự án theo quy định để giao chi tiết kế hoạch vốn còn lại, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện các dự án đảm bảo theo đúng mục tiêu, nội dung, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện. Đối với giải ngân vốn ODA các địa phương đơn vị chủ động phối hợp với các bộ, ngành, các nhà tài trợ, đơn vị liên quan giải quyết các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện để đẩy nhanh tiến độ dự án và giải ngân kế hoạch vốn.
Năm 2024, tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 5.584 tỷ đồng vốn đầu tư công, 9.410 tỷ đồng vốn địa phương. 6 tháng đầu năm, ước giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Thái Bình là hơn 2.667 tỷ đồng, đạt 47,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 28,3% kế hoạch vốn địa phương; trong đó, giải ngân hơn 326 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương trong nước hỗ trợ đầu tư ngành, lĩnh vực; hơn 41 tỷ đồng vốn chương trình mục tiêu quốc gia; hơn 2.300 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình Nguyễn Quang Hưng cho biết, 6 tháng cuối năm, tỉnh Thái Bình sẽ tập trung chỉ đạo, giải quyết dứt điểm giải phóng mặt bằng tại các dự án đang triển khai để đảm bảo tiến độ đề ra, đặc biệt đối với các dự án dở dang, dự án trọng điểm; đồng thời hoàn thiện các thủ tục đầu tư để sớm khởi công dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bảo tàng tỉnh…
*Tại tỉnh Quảng Bình, trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ giải ngân các dự án đầu tư công của tỉnh mới đạt 23,3%, thấp hơn mức trung bình cả nước. Đáng chú ý, gần 50 dự án với tổng vốn hơn 268 tỷ đồng có tỷ lệ giải ngân 0%.
Đơn cử một số dự án chậm giải ngân như: Dự án cấp nước sinh hoạt cụm xã phía Tây huyện Lệ Thủy do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh làm chủ đầu tư; Dự án xây dựng đường nối đi các xã phía Bắc, huyện Quảng Trạch do UBND huyện Quảng Trạch làm chủ đầu tư; Dự án bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn bảo vệ cảnh quan môi trường cho di tích khảo cổ Bàu Tró, thành phố Đồng Hới do Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư…
Để đạt tỷ lệ giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư công năm 2024, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tích cực triển khai, thực hiện các nhiệm vụ cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng cuối năm.
Theo đó, đối với dự án nguồn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh có tỷ lệ giải ngân 0%, tỉnh Quảng Bình yêu cầu các chủ đầu tư chấn chỉnh ngay công tác chỉ đạo thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị. Các đơn vị khẩn trương tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn, thực hiện thanh toán lần đầu tại Kho bạc nhà nước các cấp.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Bình yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, chủ động tham mưu quyết định điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 từ những dự án giải ngân thấp hoặc không giải ngân được sang các dự án có khả năng giải ngân tốt.
Sở Tài chính tỉnh Quảng Bình chủ trì phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Bình tăng cường đôn đốc, kiểm tra và hướng dẫn việc thực hiện quyết toán vốn dự án; hướng dẫn chủ đầu tư giải quyết vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán dự án hoàn thành; rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục liên quan đến thanh toán nguồn vốn đầu tư công cho các dự án.
Năm 2024, tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh Quảng Bình được Thủ tướng Chính phủ giao gần 4.900 tỷ đồng. Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách nhà nước tỉnh phân bổ chi tiết trong năm gần 4.500 tỷ đồng.
*Đối với tỉnh Trà Vinh, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 4.874,53 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh giải ngân đạt khoảng 45% kế hoạch, cao hơn 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn năm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các chủ đầu tư và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công được giao; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư công đã được bố trí vốn. Các đơn vị dự kiến khả năng giải ngân vốn của từng dự án, đề xuất điều chuyển vốn từ các dự án không có khả năng giải ngân hết vốn, các dự án giải ngân chậm sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung thêm vốn để thanh toán khối lượng dự án hoàn thành hoặc các dự án cần bổ sung vốn thanh toán theo tiến độ hợp đồng thực hiện để đảm bảo giải ngân toàn bộ kế hoạch vốn..
Theo ông Lê Văn Hẳn, giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm cao hơn cùng kỳ nhưng chưa đạt như kỳ vọng. Nguyên nhân là những tháng đầu năm, các chủ đầu tư chủ yếu thanh toán để thu hồi vốn tạm ứng theo quy định của kế hoạch năm 2023 chuyển sang năm 2024. Cùng với đó, một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa đủ điều kiện phân bổ vốn theo quy định. Đối với dự án thiết kế 2 bước, chủ đầu tư mất nhiều thời gian thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán, lựa chọn nhà thầu thi công...
Bên cạnh đó, một số dự án vướng công tác giải phóng mặt bằng, do áp giá bồi hoàn thấp hơn giá thị trường; các dự án mua thiết bị y tế ở nước ngoài phải chờ Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân...
Báo tin tức