Các doanh nghiệp bất động sản đang nợ bao nhiêu?
Dư nợ tín dụng với ngành bất động sản hiện ở mức gần 30 tỷ USD, không tăng đáng kể trong những năm qua. Tuy nhiên trái phiếu doanh nghiệp bất động sản lại được phát hành một cách sôi động, liên tục phá những kỷ lục mới. Riêng trong 9 tháng đầu năm, trái phiếu bất động sản phát hành ghi nhận trên 200.000 tỷ đồng.
Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp gấp 4 lần tín dụng vào bất động sản
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến 30/9/2021, dư nợ tín dụng với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 682.594 tỷ đồng, khoảng 29,6 tỷ USD (tính đến 30/6/2021 là 672.224 tỷ đồng). So với đầu năm, dư nợ tín dụng với hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 48.854 tỷ đồng, khoảng 2,12 tỷ USD.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 168.687 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24,7% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 105.558 tỷ đồng, chiếm 15,5%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 73.833 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,8%...
Trong những năm qua, tín dụng vào bất động sản không tăng trưởng đáng kể do những biện pháp siết chặt từ Chính phủ.
Tiền ồ ạt vào bất động sản qua kênh trái phiếu doanh nghiệp
Tuy nhiên, dòng tiền chảy vào lĩnh vực bất động sản thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp lại tăng mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp bất động sản là quán quân phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường, với 201.900 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
So với kênh tín dụng, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp gấp 4,1 lần.
Trong những năm qua, tăng trưởng phát hành trái phiếu doanh nghiệp rất mạnh mẽ. Năm 2019, quy mô phát hành đạt 335.000 tỷ đồng, tăng lên 429.000 tỷ đồng năm 2020. Trong 9 tháng đầu năm 2021, giá trị phát hành ghi nhận mức cao mới, 443.000 tỷ đồng.
Kể từ năm 2020, bất động sản bắt đầu vươn lên trở thành lĩnh vực dẫn đầu về phát hành trái phiếu, chiếm 38% tổng lượng, tương ứng khoảng 163.000 tỷ đồng.
2/3 lượng trái phiếu bất động sản phát hành được đảm bảo bằng cổ phiếu
Theo CTCP Chứng khoán SSI, trong nhóm trái phiếu bất động sản, tài sản đảm bảo chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản sẽ hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu/cổ phần của chính doanh nghiệp phát hành. Cụ thể, nếu tính trái phiếu bất động sản được đảm bảo một phần bằng cổ phiếu, con số này là hơn 140.000 tỷ đồng. Chiếm 67% tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành 9 tháng đầu năm 2021.
Tỷ trọng các doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo cũng tương đối cao, chiếm 15,8% tổng lượng phát hành, trong đó một số lớn doanh nghiệp không niêm yết nên khả năng tiếp cận các thông tin tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. SSI nhận định rằng đây sẽ là rủi ro lớn cho các nhà đầu tư trong trường hợp dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản không được đảm bảo nếu hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn và sẽ không trả được nợ gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư.
Một đặc điểm được lưu ý là việc đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ gốc lãi trái phiếu bằng cổ phiếu không có nhiều ý nghĩa vì khi sự kiện vi phạm xảy ra, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán thì giá trị cổ phiếu dùng làm tài sản đảm bảo (thường là của tổ chức phát hành hoặc liên quan đến tổ chức phát hành) cũng sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Trái phiếu bất động sản luôn là tâm điểm chú ý của thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp với mức lãi suất phát hành luôn duy trì hấp dẫn nhằm thu hút nhà đầu tư. Trong quý 3, các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu khi phát hành 85.500 tỷ đồng trái phiếu, bất chấp sự kiện Evergrande cũng không làm thị trường trái phiếu doanh nghiệp bất động sản kém sôi động hơn.
Các doanh nghiệp phát hành nhiều nhất trong quý 3/2021 là Vingroup, Novaland, Osaka Garden, Hưng Thịnh Land. Nếu loại trừ trái phiếu phát hành quốc tế của Vinpearl và Novaland, lãi suất bình quân các trái phiếu bất động sản trong quý 3 khoảng 10,34% và kỳ hạn bình quân 4,1 năm. Nhìn chung, kỳ hạn trái phiếu trong 2 năm gần đây là khoảng 3,5 – 4 năm, do đó áp lực trả nợ gốc sẽ tăng dần trong giai đoạn 2023 – 2025.
Thanh khoản thị trường bất động sản sẽ tăng trưởng lại khi dịch bệnh được kiểm soát tốt
Quay trở lại với thị trường bất động sản, theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, ảnh hưởng của làn sóng đại dịch thứ 4 tác động tiêu cực đến nền kinh tế và ngành bất động sản không ngoại lệ. Hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công vì lệnh giãn cách và đứt gẫy chuỗi sản xuất, cung ứng nguyên vật liệu và thiết bị. Những dự án đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư không thể triển khai vì cơ quan chính quyền các tỉnh thành cũng phải tập trung chống dịch làm nguồn cung trên thị trường vốn dĩ đã thiếu hụt không có cơ hội để cải thiện.
Trong quý 3, hoạt động giao dịch mua – bán bất động sản trên thị trường cũng bị ảnh hưởng vì không thể tiến hành gặp gỡ, trao đổi, giao nhận; trong khi, bất động sản là loại hàng hóa đặc biệt phải qua rất nhiều khâu kiểm nghiệm, pháp lý khi phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, bởi lực cầu vẫn duy trì mạnh và sự nỗ lực tìm kiếm các giải pháp bán hàng trong tình hình mới của các chủ đầu tư nên mặc dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng nhưng số lượng giao dịch có thể nói là tương đối tốt.
Theo Bộ Xây dựng, giai đoạn cuối năm 2021 thị trường bất động sản sẽ không có chuyển biến mang tính đột phá do nền kinh tế phía Nam phải gồng mình gánh chịu thiệt hại do đại dịch. Tuy nhiên nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì thanh khoản bất động sản sẽ tăng trở lại, kéo theo giá cả có thể sẽ tăng nhẹ do nguồn cung còn hạn chế mà nhu cầu nhà ở vẫn cao, giá nguyên vật liệu, nhân công… tăng.
Ngoài ra, trong tình trạng đại dịch như hiện nay, dòng vốn từ nhiều nhà đầu tư không luân chuyển được vào các kênh sản xuất, tiêu dùng, do đó sẽ có xu hướng rót về bất động sản, vì đây vẫn được đánh giá là kênh đầu tư an toàn, bền vững trong dài hạn.