Các doanh nghiệp F&B đồng loạt chuyển mình, mảng kinh doanh trực tuyến chưa bao giờ sôi động như bây giờ
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Giám đốc BizFly, cho rằng việc ứng dụng nền tảng kinh doanh trực tuyến không phải là mới, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh như hiện nay cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp truyền thống chuyển mình, bởi thị trường đang được giáo dục mạnh.
Gần như cùng lúc các doanh nghiệp F&B lớn như Starbucks, Golden Gate, The Coffee House… đều đồng loạt đẩy mạnh mô hình bán hàng trực tuyến và giao hàng nhằm ứng phó với tình hình dịch bệnh. Sức sáng tạo của các chuỗi nhà hàng và quán cà phê là một mảng màu tươi sáng, và điều đáng mừng là các nền tảng công nghệ phục vụ kinh doanh online do người Việt phát triển đã sẵn sàng.
Ẩm thực và đồ uống (F&B) là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19. Việc phải ngừng hoạt động bán hàng tại chỗ khiến các nhà hàng, quán cà phê phải xoay xở chuyển hướng sang hình thức bán hàng mới là nhận đơn hàng trực tuyến và giao hàng tại nhà. Bài viết ghi nhận thực tế kinh doanh theo mô hình trực tuyến của 3 doanh nghiệp F&B thuộc top lớn nhất Việt Nam là Starbucks Việt Nam, Golden Gate và The Coffee House.
Starbucks Việt Nam: Vào tuần cuối tháng 3/2020 khi các thành phố yêu cầu đóng cửa các dịch vụ kinh doanh không cần thiết trong đó có các chuỗi quán cà phê, doanh thu từ mảng giao hàng của Starbucks Việt Nam đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân của tháng 2.
Golden Gate: Tung ra các gói dịch vụ G- Delivery và I-cook giao hàng tận nhà với các combo đồ nướng và lẩu, cũng như các món ăn chế biến sẵn từ chuỗi nhà hàng trong hệ thống Golden Gate đồng thời cho phép khách hàng mượn bếp nướng hoặc lẩu tại nhà miễn phí.
The Coffee House: Tất cả các đơn hàng từ 50.000 đồng trở lên đều được miễn phí vận chuyển. Doanh thu đơn hàng từ mảng giao hàng tính tới ngày 29/3/2020 đã tăng 30% so với tuần trước đó, trong bối cảnh tất cả quán cà phê The Coffee House đã đóng cửa.
Khi thuê mặt bằng trở thành gánh nặng quá lớn
Cắt giảm và cắt giảm là phương châm được anh NNA triệt để áp dụng trong công việc kinh doanh cho thuê xe ô tô kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trước kia, anh thuê một mặt bằng nhỏ khoảng 10m2 ngay mặt đường Ô Chợ Dừa nối dài (Hà Nội) với mức giá 9,5 triệu một tháng. Sau khi dịch xảy ra, nhận thấy việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng lâu dài anh nhanh chóng trả địa điểm cũ và thuê địa điểm mới chỉ rộng 7m2, 3 tầng nhưng có mặt tiền bé hơn với mức giá 7,5 triệu đồng một tháng. Song song, anh tăng cường giao dịch với khách hàng qua mạng Internet thay vì trực tiếp. Doanh nghiệp "siêu" nhỏ này không thuộc ngành F&B nhưng để tồn tại qua thời đại dịch họ đã biết thích nghi bằng cách cắt giảm chi phí mặt bằng và đẩy mạnh việc kinh doanh qua mạng.
Theo bà Patricia Marques, CEO Starbucks Việt Nam, ngay sau khi dịch Covid-19 xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp, Starbucks Việt Nam đã nhanh chóng liên hệ với tất cả các đơn vị đang cho công ty thuê cửa hàng để hỗ trợ giảm bớt tiền thuê mặt bằng như một phần kế hoạch duy trì kinh doanh trong thời gian tới. Bà cho biết, các chủ nhà cho thuê lẻ phản ứng khá nhanh với tình hình kinh doanh chung và đưa ra mức giảm giá cho thuê khá tốt.
Một vài công ty trong nước cũng hỗ trợ tốt về tiền thuê trong thời gian vừa qua và sắp tới với dự đoán dịch bệnh sẽ còn kéo dài và còn ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung. Không tiết lộ cụ thể về mức giảm giá, song người đứng đầu Starbucks Việt Nam cho biết, có bên sở hữu mặt bằng đã giảm tiền thuê cho chuỗi cà phê của Mỹ này trong 3 tháng gần nhất, hay có bên thì giảm ngay tiền thuê 1 tháng trước mắt và cam kết tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của tháng tiếp theo sẽ có hỗ trợ cụ thể.
"Cũng có những đơn vị hỗ trợ rất tốt là miễn phí tiền thuê cho Starbucks Việt Nam trong thời gian khó khăn này. Nhưng có một vài trường hợp, chúng tôi gặp khó khăn trong việc đề nghị hỗ trợ tiền thuê từ chủ mặt bằng, hoặc không nhận được sự phản hồi nhanh chóng", bà Marques nói.
CEO Starbucks Việt Nam bày tỏ quan điểm trong 4 năm nay, giá thuê mặt bằng bán lẻ tại Việt Nam đã cao hơn so với các nước như Singapore, Hồng Kông và Thái Lan. Tại sân bay Hồng Kong, theo bà, với lượng khách qua lại sân bay rất lớn nhưng giá thuê trên một mét vuông còn thấp hơn giá thuê tại các sân bay ở Việt Nam. Một ví dụ khác là giá thuê trên 1 m2 tại các trung tâm thương mại lớn, có vị trí đắc địa tại thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội còn cao hơn so với Singapore và Thái Lan mặc dù sức mua không bằng. Giá mặt bằng quá cao khiến chuỗi quán cà phê nước ngoài lớn nhất Việt Nam hiện nay (63 cửa hàng tại 4 thành phố lớn) không thể ký hợp đồng thuê tại một vài địa điểm trung tâm quận 1, TP. HCM dù vị trí đẹp.
Theo các chuyên gia F&B, thuê mặt bằng là chi phí lớn nhất của chuỗi quán cà phê và nhà hàng. The Coffee House, chuỗi quán cà phê lớn thứ 2 cả nước (sau Highlands Coffee) chi trung bình khoảng 100 triệu đồng/tháng để thuê một mặt bằng, theo ông Võ Duy Phú, Giám đốc Thương mại và Marketing thương hiệu The Coffee House. Khoảng 60% chủ mặt bằng đã đồng ý giảm giá thuê cho thương hiệu này sau khi dịch xảy ra, theo ông Phú. Tuy nhiên, theo ông Mai Hoàng Phương, CEO The Coffee House, khi phải đóng cửa toàn bộ hệ thống The Coffee House theo yêu cầu của Chính phủ thì doanh thu của chuỗi gần bằng 0, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc vận hành và cần ít nhất 6 tháng để doanh số có thể trở về mức bình thường trước khi có dịch.
"Nếu chủ nhà hiểu và thông cảm đồng ý miễn phí khi đóng cửa và giảm 50% tiền nhà trong 3 tháng sau khi mở cửa lại sẽ giúp chúng tôi rất nhiều trong hoàn cảnh dịch bệnh hiện nay", ông Phương trả lời phỏng vấn Trí Thức Trẻ qua email.
Đặt hàng trực tuyến và giao hàng tại nhà: Phao cứu sinh của ngành F&B
Mô hình kinh doanh truyền thống trước đây vẫn mang lại doanh số tương đối tốt nên nhiều doanh nghiệp không để ý, không muốn hoặc thậm chí không có thời gian để tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp kinh doanh mới tối ưu hơn. Khi một biến cố lớn như Covid-19 xảy ra đột ngột, hầu hết các doanh nghiệp phải đối mặt với thực trạng nan giải là doanh số sụt giảm, lượng khách gần như bằng 0 hay thậm chí phải đóng cửa sau lệnh cách ly xã hội 15 ngày thì các doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đổi mới, nhìn nhận lại hệ thống, mô hình và tái định vị mình.
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Giám đốc BizFly, cho rằng việc ứng dụng nền tảng kinh doanh trực tuyến không phải là mới, tuy nhiên khi xảy ra dịch bệnh như hiện nay cũng là một cơ hội để các doanh nghiệp truyền thống chuyển mình, bởi thị trường đang được giáo dục mạnh. "Khi triển khai mô hình kinh doanh online sẽ tạo đà cho việc tìm kiếm khách hàng mới, tăng trưởng quy mô và đó sẽ trở thành xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam’, ông Tuấn nói.
Starbucks Việt Nam cho biết họ đã vạch ra hướng kinh doanh mới phù hợp với tình hình thực tế phải tạm ngừng hoạt động toàn hệ thống để phòng chống dịch bệnh bằng cách thúc đẩy mảng đặt hàng trực tuyến cũng như giao hàng trong thời gian 3 tháng đầu năm nay. Mức tăng trưởng về doanh số từ mảng giao hàng so sánh dựa trên doanh số bình quân/1 cửa hàng/ngày (vì trong các tháng có sự thay đổi về số lượng cửa hàng có áp dụng dịch vụ giao hàng) của Starbucks Việt Nam như sau:
- Tháng 2 là tháng dịch bệnh bắt đầu và hạn chế đi ra ngoài: doanh thu từ mảng giao hàng tăng 45% so với tháng 1.
"Khi triển khai mô hình kinh doanh online sẽ tạo đà cho việc tìm kiếm khách hàng mới, tăng trưởng quy mô và đó sẽ trở thành xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam"
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Giám đốc BizFly.
- Tháng 3 là tháng dịch bệnh lan rộng và hạn chế du lịch cũng như lượng khách du lịch giảm nhiều, doanh thu từ giao hàng tăng 8% so với tháng 2. Tuần cuối tháng 3 khi các thành phố yêu cầu đóng cửa các dịch vụ không cần thiết trong đó có quán cà phê, doanh thu từ giao hàng của hệ thống Starbucks Việt Nam đã tăng 50% so với mức bình quân tháng 2.
CEO The Coffee House Mai Hoàng Phương chỉ ra 3 thách thức chính đối với chuỗi quán cà phê này do tác động của dịch bệnh. Thách thức đầu tiên là thời gian, diễn biến của dịch nhanh và bất ngờ buộc công ty phải phản ứng nhanh chóng để đưa ra những phương án kinh doanh hoặc các kịch bản phù hợp với tình hình. "Tại The Coffee House, dù chúng tôi đã có những kế hoạch từ sớm, những kịch bản xấu nhất đã được dự đoán cùng với tập đoàn mẹ Seedcom nhưng tiến trình của dịch diễn ra khó đoán nên các bộ phận của công ty cũng có ít thời gian để chuẩn bị. Có những phương án bàn bạc buổi sáng, buổi chiều triển khai hoặc thậm chí chỉ trong vòng 1-2 tiếng", ông Phương nói với Trí Thức Trẻ.
Thách thức tiếp theo là làm sao duy trì được công việc và đội ngũ cho hơn 2.500 nhân viên đã xây dựng lên The Coffee House. Vẫn theo ông Phương, dịch vụ delivery đã được The Coffee House xây dựng từ hơn 2 năm trước nên kết hợp với việc luân chuyển ca, mở một số cửa hàng để phục vụ việc giao đồ uống tận nơi thì nhân viên các cửa hàng cũng có thể là shipper đi giao từng ly cà phê cho khách hàng.
Truy cập vào fanpage của The Coffe House khách hàng sẽ thấy thương hiệu này quảng bá khá mạnh cho app gọi đồ của mình. Khi muốn thưởng thức một ly cà phê sáng hoặc một món đồ uống yêu thích của mình, khách có thể đặt hàng trên app và các quán trong hệ thống The Coffee House cam kết sẽ giao các đơn hàng xa nhất dưới 30 phút. Tất cả các đơn hàng có giá trị từ 50.000 đồng trở lên đều được miễn phí vận chuyển.
Ông Mai Hoàng Phương nói: "Doanh thu đơn hàng từ mảng giao hàng tuần này (cuối tháng 3) của chúng tôi đã tăng 30% so với tuần trước. Khi các cửa hàng đã đóng cửa nhu cầu đặt hàng sẽ tăng cao hơn và chúng tôi hy vọng sẽ có những dấu hiệu tốt cho dịch vụ giao hàng tận nơi".
Không muốn chậm chân so với thị trường, chuỗi nhà hàng Golden Gate đã tung ra dịch vụ G- Delivery giao hàng tận nhà với các combo "Nướng Lẩu" từ các thương hiệu thuộc hệ thống này như Manwah, GoGi, Ashima… hay các món ăn đã được chế biến sẵn từ chuỗi nhà hàng Cowboy Jack’s, Saloon, iSushi. Ngoài ra, tập đoàn ẩm thực sở hữu gần 400 nhà hàng trên cả nước với 20 thương hiệu ở tất cả các phân khúc và phong cách ẩm thực (nướng, lẩu, đồ Âu, Nhật, trà sữa, món truyền thống Việt Nam…) này còn giới thiệu platform ICook – "Restaurant At Home" – kênh bán hàng online và giao hàng tận nhà, cung cấp các sản phẩm đồ ăn sơ chế được đóng gói của chuỗi nhà hàng thuộc Golden Gate như Sumo BBQ, Kichi Kichi, Ashima… CEO Golden Gate, ông Đào Thế Vinh cho biết khách hàng có thể mua các gói dịch vụ ICook trên các trang thương mại điện tử hay đến các siêu thị Vin+, Vinmart.
Chuỗi nhà hàng Cuốn'n'Roll tại Hà Nội thì sử dụng chatbot của BizFly – một app hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, chốt đơn hàng tự động 24/7 thông qua các kịch bản tương tác trực tiếp với khách hàng một cách thuận tiện – để giúp khách hàng gọi món về nhà. Với app này, quản lý fanpage của nhà hàng có thể trả lời các comment đặt hàng của khách một cách tự động. Hoặc chuỗi nhà hàng Sky Garden tại TP. HCM sử dụng các giải pháp website, chatbot và CRM để quản lý khách hàng, đặt món, chạy các chương trình khuyến mãi, phát coupon code cho khách hàng nhằm thu hút thực khách trong thời buổi vắng khách này.
Ông Tuấn Nguyễn, Phó Tổng Giám đốc VCCorp kiêm Giám đốc BizFly, giải thích thêm BizFly là chuỗi các giải pháp liên thông với nhau từ hạ tầng cloud (BizFly Cloud) cho đến các giải pháp tạo website, landingpage, chatbot, bot hỗ trợ, bot nhà hàng, bot bán hàng, email automation, CRM, ticket, các giải pháp loyalty như tích điểm, coupon, billing, thanh toán online. Các giải pháp của BizFly giúp doanh nghiệp tạo ra các "điểm chạm", điểm tương tác với khách hàng trên môi trường số, đồng thời gia tăng trải nghiệm tích cực cho khách hàng bằng các giải pháp automation (tự động hóa).
"Các giải pháp của BizFly cũng giúp cho các doanh nghiệp gia tăng doanh số bằng cách khai thác tối đa dữ liệu khách hàng cũ, sàng lọc và phân loại khách hàng mới thông qua hệ thống CRM, hệ thống tổng đài số", ông Tuấn nói với Trí Thức Trẻ.
Lấy một ví dụ cụ thể: khi có nhu cầu gọi món ăn về nhà, khách hàng có thể liên hệ với một nhà hàng thông qua website, chatbot và đặt bàn online hoàn toàn tự động. Việc này vừa thuận tiện với khách hàng vừa giúp cho nhà hàng tiết kiệm chi phí nhân sự và tăng khả năng phục vụ cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, việc chuyển đổi lên nền tảng online không phải ai cũng biết cách làm. Người đứng đầu doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn và tìm hiểu cặn kẽ, hợp tác với những nhà cung cấp dịch vụ và giải pháp chuyển đổi số chuyên nghiệp để được tư vấn, qua đó lựa chọn giải pháp và cách ứng dụng phù hợp với doanh nghiệp của mình. Việc ứng dụng sai không những không giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà còn tạo ra những lộn xộn hay cản trở cho các hoạt động truyền thống trước đây, ông Tuấn khuyến cáo.
BizFly Chat là chatbot hỗ trợ doanh nghiệp tư vấn, chốt đơn hàng tự động 24/7 thông qua các kịch bản tương tác trực tiếp với khách hàng. BizFly Chat nằm trong hệ sinh thái BizFly, do đội ngũ chuyên gia IT hàng đầu của VCCorp phát triển và vận hành. BizFly Chat hiện là công cụ đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam cho phép người dùng lưu trữ miễn phí 10.000 subscribes và không giới hạn số lượng tin nhắn gửi đi. Không chỉ là một chatbot miễn phí đơn thuần, BizFly Chat có đầy đủ các tính năng tương tự như các gói chatbot có giá từ 3 triệu đồng/năm trên thị trường hiện nay.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19