Các doanh nghiệp nợ Bảo hiểm xã hội 13.121 tỉ đồng
BHXH Việt Nam vừa cho biết đến hết tháng 9-2016, số nợ BHXH đã lên tới 13.121 tỉ đồng, chiếm 6% số phải thu.
- 20-09-2016Hơn 100.000 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội
- 04-08-2016Khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm xã hội: Khó thực thi?
- 22-06-2016Nợ bảo hiểm xã hội vẫn ở mức cao
Tình hình nợ đọng, trốn đóng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Trong đó, nợ BHXH bắt buộc là 8.987 tỉ đồng, có 3.351 tỉ đồng là số nợ BHXH kéo dài trên 6 tháng. Nợ BHXH không chỉ xảy ra ở các doanh nghiệp (DN) ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài mà gồm nợ của các DN nhà nước, tập trung ở ngành giao thông, xây dựng và các tập đoàn đang thực hiện cơ cấu lại DN.
Cùng đó, số nợ BHYT là 3.653 tỉ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 481 tỉ đồng. Đáng nói là có tình trạng nhiều DN hoạt động sản xuất - kinh doanh có lãi nhưng cố tình nợ đọng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động, thậm chí có tình trạng DN đã thu tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN của người lao động (trừ tiền lương) nhưng chiếm dụng để sử dụng vào mục đích khác.
BHXH Việt Nam cho biết theo quy chế phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam, cơ quan BHXH sẽ cung cấp thông tin, tài liệu trong việc khởi kiện ra tòa án đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN. Căn cứ hồ sơ do cơ quan BHXH cung cấp, tổ chức Công đoàn khởi kiện đơn vị nợ BHXH theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
Hiện 5 cơ quan gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra Chính phủ và BHXH Việt Nam đang phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về BHXH tại các địa phương.
Người lao động