Các doanh nghiệp Trung Quốc bị tổn thương vì Trade War tìm thấy "miền đất hứa"
Với hơn 1 tỷ dân, thị trường nội địa đang là cứu cánh cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bị tổn thương bảo các khoản thuế của ông Trump.
- 04-09-2019Thị trường lo ngại về diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại, Dow Jones có lúc mất hơn 400 điểm
- 03-09-2019Niềm tin sụt giảm nghiêm trọng, Mỹ - Trung chật vật sắp xếp cuộc đàm phán thương mại tiếp theo
- 31-08-2019Khoản nợ 1.000 tỉ USD trái phiếu thời nhà Thanh có thể được ông Trump sử dụng để gây áp lực thương mại cho Bắc Kinh
- 31-08-2019Tại sao chiến tranh thương mại giữa với châu Âu sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn sự đối đầu của Mỹ và Trung Quốc?
Không đâu bằng... ở nhà
Trong hơn một thập kỷ, nhà sản xuất Matsutek nỗ lực xây dựng các mối quan hệ kinh doanh với những tên tuổi lớn của phương Tây. Họ cung cấp linh kiện cho Philips và Honeywell để phục vụ nhu cầu của thị trường Mỹ và các nước khác. Các nhà máy của Matsutek nằm ở Trung Quốc.
Chiến lược mà công ty này theo đuổi suốt nhiều thập kỷ đã được đáp đền. Matsutek hiện đang là nhà sản xuất máy hút bụi tự hành lớn thứ 2 thế giới. Tuy nhiên, kể từ khi cuộc chiến thương mại nổ ra, công ty có trụ sở tại Đài Bắc, Đài Loan, đã trở thành một trong những doanh nghiệp gánh chịu thương tổn nhiều nhất của thuế quan.
Doanh số các sản phẩm Matsutek tại Mỹ đã giảm 1/5 vào năm ngoái khi chúng bị áp thuế 25%. Điều này khiến họ buộc phải đóng cửa 2 trong số 11 dây chuyền lắp ráp nằm ở Trung Quốc đại lục. Vốn sẵn không hài lòng với thị trường Mỹ sau cuộc chiến pháp lý với đối thủ iRobot Corp năm 2017, thuế quan là cú đánh cuối cùng để Matsutek quyết định đi tìm cho mình vùng đất hứa mới.
"Đây là thời điểm thức tỉnh chúng tôi. Chúng tôi nhận ra rằng mình không thể chỉ dựa vào riêng thị trường xuất khẩu. Thay vào đó, chúng tôi tăng cường xây dựng thương hiệu của mình ở Trung Quốc", Terry Wu, giám đốc điều hành 2 nhà máy của Matsutek ở Thâm Quyến, chia sẻ.
Cuộc chiến thương mại đang tạo ra hàng loạt bước ngoặt đối với nhiều nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM), vốn được biết tới nhiều trong vai trò sản xuất cho các thương hiệu phương Tây. Thay vì đứng phía sau và là một mắt xích của chuỗi cung ứng, họ đã quyết định tái định vị thương hiệu và đẩy mạnh bán hàng.
Đối với những doanh nghiệp như Matsutek, quyết định này là một bước ngoặt về chiến lược. Nhiều doanh nghiệp cũng đang chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để khai thác tốt tiềm năng của thị trường hơn 1 tỷ dân, nơi họ không bao giờ bị đe dọa đánh thuế như xuất khẩu sang Mỹ.
"Một OEM cũng giống như một người nông dân đang kỳ vọng một vụ mùa tốt nếu có mưa. Tại sao chúng ta không tự xây dựng thương hiệu của riêng mình, bán sảng phẩm với giá thấp hơn một chút nhưng đảm bảo chúng có chất lượng ngang ngửa với các thương hiệu nước ngoài", Wu nhấn mạnh.
Với những công ty có trụ sở tại Trung Quốc và có liên quan quá nhiều tới thị trường Mỹ, đây là một trong số ít những lựa chọn chiến lược của họ bên cạnh đẩy sản xuất sang các nước khác, một chiến thuật cũng đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
Về lâu dài, các công ty Trung Quốc có động lực lớn hơn trong việc phát triển thương hiệu của riêng mình để cạnh tranh với các tên tuổi nước ngoài. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp Trung Quốc có thị trường đa dạng hơn mà còn buộc các thương hiệu nước ngoài phải đẩy mạnh hoạt động nhằm giữ vững thị trường. Người tiêu dùng Trung Quốc sẽ là những người hưởng lợi nhiều nhất.
Cú huých của Thương mại điện tử
Anhui Deli, nhà sản xuất ly uống rượu và các sản phẩm từ thủy tinh khác, có doanh thu hàng năm đạt 800 triệu tệ (113 triệu USD). Đây cũng là một trong các nạn nhân của chiến tranh thương mại.
"Mỹ từng là thị trường chính của chúng tôi cho tới năm nay. Cuộc chiến thương mại đã khiến khách hàng Mỹ e ngại trong việc ký thêm đơn hàng mới. Thậm chí, nhiều đơn hàng cũ cũng bị phía Mỹ hủy bỏ", Cheng Yingling, giám đốc marketing của công ty, cho biết.
Tuy nhiên, đó chưa phải điều tệ nhất. Thuế quan bổ sung, có hiệu lực vào tháng 9, sẽ đưa thuế nhằm vào đồ thủy tinh Trung Quốc lên 40%, một cú đánh mạnh vào ngành công nghiệp này.
Dẫu vậy, họ đã tìm thấy một lối thoát. Trung Quốc đang là một trong những nơi thương mại điện tử bùng nổ mạnh nhất. Doanh số bán hàng qua mạng của các doanh nghiệp như Anhui Deli ở chính thị trường nội địa đã sắp bù đắp được nỗi đau mà chiến tranh thương mại gây ra với họ.
Gần đây, Anhui Deli đã hợp tác với Pinduoduo, một trong các nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc. Doanh số của họ đạt hơn 50.000 hộp đựng thủy tinh mỗi tháng, cao gấp 3 lần so với doanh số của loại sản phẩm tương tự được bán qua hệ thống của hàng truyền thống.
Bên cạnh đó, Anhui Deli cũng tính tới việc xây dựng một nhà máy ở Pakistan và dự kiến đưa nó vào hoạt động trong tháng 1. Tuy nhiên, việc điều chuyển sản xuất sang các nước khác cần thời gian và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Được thúc đẩy một phần bởi các tranh chấp thương mại, các công ty thương mại điện tử đang tập trung thu hút những doanh nghiệp xuất khẩu đang muốn mở rộng thị trường nội địa. Trong một chương trình được triển khai tháng 12 năm ngoái, các công ty thương mại điện tử đã cung cấp các dịch vụ tư vấn về phát triển sản phẩm cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Họ cũng cam kết chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ quảng cáo.
"Pinduoduo đã liên lạc với chúng tôi. Họ nói rằng họ muốn có một mô hình kinh doanh từ nhà sản xuất tới thẳng người tiêu dùng. Dường như họ đang làm rất tốt với các doanh nghiệp nhỏ ở các thành phố nhỏ. Đó là lý do chúng tôi gật đầu hợp tác", ông David Fang , phó chủ tịch Shenzhen MTC Co, công ty chuyên cung cấp TV cho Walmart dưới thương hiệu Onn, cho hay.
Với Matsutek, tập trung vào thị trường Trung Quốc là một thành công lớn. Họ đã bán được hơn 100.000 robot hút bụi dưới thương hiệu Jiaweishi ở thị trường nội địa. Công ty đang lên kế hoạch mở lại 2 dây chuyền sản xuất bị đóng cửa vì chiến tranh thương mại cũng như thêm 3 dây chuyền mới vào năm sau.
"Chúng tôi nghĩ rằng mình có cơ hội lớn ở Trung Quốc. Độ phủ của robot hút bụi ở thị trường Mỹ là 17% trong khi ở Trung Quốc mới là 1,5%. Hơn nữa, thị trường này có tới 1 tỷ dân", Wu của Matsutek, nhấn mạnh.