MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các hãng hàng không lo tốn, cục nói phải nghiên cứu

Trong khi các hãng hàng không cũng như chuyên gia trong ngành lo ngại việc giảm tải cho Tân Sơn Nhất bằng cách đậu máy bay qua đêm ở sân bay Cần Thơ gây tốn kém và “hành chính hoá” thị trường, lãnh đạo Cục Hàng không cho rằng, đây mới là đề nghị nghiên cứu nhưng trước sau cũng phải làm.

Chưa ép ngay, nhưng phải nghiên cứu!

Ngày 27.12, ông Võ Huy Cường - Cục phó Cục Hàng không cho biết, do sân bay Tân Sơn Nhất đang và sẽ thiếu chỗ đỗ máy bay nên cục khuyến khích các hãng hàng không điều chỉnh lịch bay để các chuyến bay muộn đến Cần Thơ rồi đỗ máy bay tại đó và sáng hôm sau lại xuất phát từ Cần Thơ đi các điểm phía bắc. Ông Cường không nêu ra chi tiết số chỗ đỗ hiện đang thiếu mà chỉ khẳng định, thiếu nhiều dù các hãng hàng không như Vietjet hay Vietnam Airlines đã đỗ một số máy bay tại các sân bay khác ngoài Tân Sơn Nhất như Đà Nẵng, Cam Ranh hay Cát Bi. Ông Cường cho hay, tuỳ theo lịch bay của từng ngày số chỗ đỗ bị thiếu có sự dao động nhưng thực tế đều vượt các số ấn định cho các hãng.

Khi được hỏi về việc khuyến khích hay bắt buộc các hãng hàng không phải đỗ máy bay qua đêm ở Cần Thơ, đại diện cục cho rằng, không còn chỗ đỗ thì phải chuyển nhưng tới nay cục mới chỉ yêu cầu các hãng nghiên cứu để làm chứ chưa đưa ra thời hạn phải triển khai do muốn đỗ máy bay ở Cần Thơ các hãng hàng không phải triển khai các thiết bị, cơ sở bảo dưỡng và nhân lực đi kèm. Dù chưa đưa ra thời hạn cụ thể ngoài việc phải nghiên cứu và báo cáo kế hoạch trước ngày 30.1.2017, nhưng lãnh đạo cục nhấn mạnh về lâu dài, các hãng phải nghiên cứu để ra đậu máy bay ở Cần thơ và Phú Quốc. Và sân bay Cần Thơ cũng sẽ phải nâng cấp để đáp ứng nhu cầu đậu máy bay qua đêm.

Ông Cường cũng phủ nhận thông tin về việc các hãng hàng không phải đậu máy bay ở Cần Thơ vào buổi tối rồi quay lại Tân Sơn Nhất vào sáng hôm sau vì làm thế tốn kém và vô lý.

Trước câu hỏi về tính khả thi của việc điều chuyển chuyến bay về Cần Thơ khi mà nhu cầu khách hàng ở đây rất ít, lãnh đạo cục cho rằng, các hãng hàng không phải nghiên cứu và qua hệ thống kênh bán của mình để giới thiệu cho hành khách đi tàu bay các tỉnh lân cận gần Cần Thơ chọn xuất phát hoặc đến từ đây mà không nhất thiết phải đi lên phía bắc bằng Tân Sơn Nhất. Ông này nhận định cần thay đổi thói quen của người đi máy bay là cứ kéo về Tân Sơn Nhất để ra phía bắc. “Nếu khách có nhu cầu, cần kích thích, giới thiệu tạo đường bay mới và như thế sẽ đạt được mục đích để các máy bay về Cần Thơ trong dịp chiều muộn rồi đỗ lại để sáng hôm sau lại bay từ đó đi” ông Cường nói.

Nắn đường bay: Tốn, kém khả thi và ngược hướng thị trường

Chia sẻ với báo Lao Động đại diện một số hãng hàng không cho rằng, việc đổi đường bay đến Cần Thơ để đậu qua đêm nhằm giảm tải cho Tân Sơn Nhất là khó khả thi, vì nhu cầu hành khách miền Tây không cao. Bên cạnh đó, hạ tầng của sân bay Cần Thơ chưa đáp ứng được nhu cầu và các hãng hàng không muốn biến đây thành căn cứ sẽ phải đầu tư nhiều.

Theo đại diện Jetstar Pacific, yêu cầu nêu trên của Cục Hàng không đồng nghĩa với việc các hãng phải mở các đường bay mới đến Cần Thơ vào cuối ngày, trong khi thị trường này chưa đủ lớn nên sẽ không dễ dàng.

Còn một chuyên gia hàng không nhận định, đây là giải pháp mang tính tình thế và chưa thật hợp lý vì Tân Sơn Nhất là cảng hàng không lớn nhất cả nước, nếu bị giảm tải sẽ gây xáo trộn việc đi lại của hành khách cũng như ảnh hưởng dây chuyền đến các sân bay địa phương khác. Do đó, giải pháp tốt nhất là nên nhanh chóng mở rộng chỗ đỗ tại Tân Sơn Nhất, bởi việc mở rộng 21ha trong sân bay (phần đất do Bộ Quốc phòng giao) đang triển khai khá chậm.

Hiện Tân Sơn Nhất có 57 chỗ đậu máy bay, song số máy bay các hãng trong nước thường đậu qua đêm tại đây lên tới hơn 70. Mỗi ngày Vietnam Airlines có 2 chuyến Hà Nội - Cần Thơ, Vietjet Air có một chuyến bay Hà Nội - Cần Thơ, một chuyến Đà Nẵng - Cần Thơ, Jetstar chưa mở đường bay đến Cần Thơ. Hiện mới chỉ có sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng đủ điều kiện bảo dưỡng, sửa chữa lớn với các máy bay gặp trục trặc kỹ thuật. K.H

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, phương án chuyển các máy bay đỗ lại qua đêm ở sân bay Tân Sơn Nhất về sân bay Cần Thơ không chỉ tốn kém mà làm tăng nguy cơ mất an toàn bay. Bởi vì sân bay Cần Thơ tuy cách TPHCM rất ngắn nhưng là quãng đường nguy hiểm do máy bay phải thực hiện thêm 4 lần hạ, cất cánh. Hoạt động hàng không rất khó ở công đoạn hạ, cất cánh. Hầu hết tai nạn, hư hỏng, ngốn xăng dầu, tạo tiếng ồn lớn nhất, gây ô nhiễm là ở giai đoạn này. Theo PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, để giảm tải cho sân bay TSN thì phải làm sao khai thác sân bay Cần Thơ nhiều lên để hành khách đến miền Tây hay đi từ miền Tây khỏi phải lên, xuống tại sân bay TSN.

Chuyên gia giao thông Phạm Sanh thì cho rằng, quá tải hiện nay ở sân bay TSN là quá tải đường lăn và đường cất/ hạ cánh. Vì vậy, nếu mà cho máy bay bay xuống Cần Thơ thì còn kẹt hơn nữa. Để giải quyết quá tải chỗ đậu tàu bay thì ngành hàng không có thể tận dụng những chỗ còn trống trong khu vực sân bay hoặc xung quanh sân bay TSN để đậu máy bay. MINH QUÂN

Theo Khánh Hòa

Lao động

Trở lên trên