Các nền kinh tế lớn tăng lãi suất, Việt Nam không thể chủ quan
“Việt Nam không thể chủ quan khi các quốc gia thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, chúng ta luôn phải nghiên cứu, dự báo, đưa ra kịch bản cụ thể để điều hành chính sách phù hợp”.
-
Nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng, nên việc khống chế tăng trưởng tín dụng luôn là cân nhắc hàng đầu của NHNN trong điều hành CSTT, kiểm soát lạm phát
-
Đối với tất cả các sản phẩm cho vay tiêu dùng đều rất rủi ro, tuy mức độ có khác nhau
Suy thoái rập rình
Chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến thị trường tài chính quốc tế rung lắc. Với việc đồng USD mạnh lên, một số nền kinh tế mới nổi có cơ cấu kinh tế yếu ớt đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, phá giá tiền tệ và khủng hoảng nợ. Phía doanh nghiệp, chi phí đầu vào mua bằng đô la Mỹ tăng cao trong khi lạm phát khiến sức mua yếu đi, đồng nghĩa với việc biên lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm. Khi cả biên lợi nhuận và sức mua của người tiêu dùng đều sụt giảm mạnh thì suy thoái kinh tế rất dễ xảy ra.
Với việc đồng USD mạnh lên, một số nền kinh tế mới nổi có cơ cấu kinh tế yếu ớt đang đối mặt với nguy cơ suy thoái, phá giá tiền tệ và khủng hoảng nợ (ảnh minh hoạ)
Ông Pierre-Oliver Gourinchas, Chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) bày tỏ: “Chúng tôi không muốn các Ngân hàng Trung ương tăng mạnh lãi suất để nền kinh tế suy sụp chỉ vì mục tiêu hạ lạm phát. Hiện các Ngân hàng Trung ương đang tìm cách dung hòa giữa mục tiêu hạ lạm phát với bình ổn giá. Mục tiêu của chính sách thắt chặt tiền tệ không phải để gây ra những “đau đớn” không cần thiết cho nền kinh tế Mỹ hay các nền kinh tế khác”.
Liên quan đến câu chuyện lãi suất, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, Ủy viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, việc lạm phát của một số nước tăng cao bất biết từ nguyên nhân nào, thì một trong những công cụ mà Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới thường sử dụng là công cụ lãi suất. Vì thế, động thái tăng lãi suất của Mỹ hay một số nước châu Âu và một vài nước ở các khu vực khác nhau rõ ràng có đem lại tác động nhất định. Còn về kết quả thì lúc này chưa thể nói đã đáp ứng được mong muốn của các Chính phủ hay chưa.
Khi sử dụng công cụ lãi suất, bao giờ cũng có hai mặt, tích cực ở chỗ chính sách tiền tệ hướng tới thắt chặt sẽ tạo điều kiện kiểm soát lạm phát và từng bước kéo lạm phát xuống mức thấp. Còn tác động tiêu cực mà các cơ quan đều biết trước khi sử dụng đó là, một khi lãi suất cao sẽ bị thu hẹp đầu tư, ít tạo được công ăn việc làm, không có điều kiện mở rộng sản xuất và chi phí vốn của các doanh nghiệp đi vay tăng cao, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của chính các doanh nghiệp. Nếu chính sách lãi suất cao này kéo dài không được xem xét linh hoạt, đôi khi sẽ phản tác dụng làm cho nền kinh tế bị suy thoái trầm trọng hơn.
“Trong bối cảnh hoạt động giữa các quốc gia như thương mại, đầu tư, xuất nhập khẩu được liên thông với nhau, mà một số quốc gia trong khu vực thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, sẽ tác động đến nhiều quốc gia khác, đầu tiên là tác động đến vai trò vị trí của đồng tiền. Sự thật là đô la Mỹ trong thời gian qua liên tục lên giá còn các đồng tiền khu vực khác thì suy yếu.
Về tác động toàn cầu hay chuỗi cung ứng cũng rất rõ rệt, chỉ có điều mức độ tác động của mỗi một quốc gia có sự đậm nhạt khác nhau và tùy thuộc vào chính sách điều hành của mỗi quốc gia đó. Bao gồm chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ để làm sao tác động vào nền kinh tế ở mức có thể chấp nhận được”, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi phân tích.
Không thể chủ quan chính sách
Riêng với Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, chúng ta cũng không ngoại lệ khi phải chịu tác động trước sức ép tăng tỷ giá , ở khía cạnh xuất khẩu hàng hóa thanh toán bằng đồng USD thì các doanh nghiệp có lợi. Nhưng việc lên giá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn vừa qua, trong khi các hợp đồng thương mại của doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài thường ký kết từ đầu năm để thực hiện cho 6 tháng hoặc cả năm.
Ngược lại, các doanh nghiệp nhập khẩu phải chịu thiệt thòi vì nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất bị đội giá, nhưng tương tự, các doanh nghiệp cũng đều có ký kết từ trước đó nên mức độ thiệt hại chưa quá trầm trọng. Nếu USD cứ tiếp tục đà tăng như vậy đến năm 2023, thì các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng vô cùng lớn.
PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi
Ngoài ra, nhiều ý kiến lo ngại, lãi suất cơ bản tại Mỹ và ECB tăng lên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dòng vốn đầu tư vào Việt Nam. PGS. TS. Nguyễn Thị Mùi nhận định, chắc chắn đồng USD tăng giá sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, nhưng ảnh hưởng thế nào và ảnh hưởng bao nhiêu lại tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Đây đang là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải xử lý, để tỷ giá biến động trong khuôn khổ cho phép, tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như thu hút đầu tư. Tỷ giá giữ được tương đối ổn định thì việc chuyển dòng vốn ra nước ngoài sẽ không lớn, nhưng nếu tỷ giá biến động quá mạnh mà không kìm được thì rất dễ dẫn đến hiện tượng tháo vốn.
Xoay quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Bích Lâm, Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê đánh giá, Việt Nam vẫn được xem là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 7 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 11,57 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 7 tháng trong 5 năm qua.
“Trong thời gian tới, dòng vốn FDI có chất lượng sẽ đổ vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, cơ khí chính xác. Theo khảo sát, khoảng 76% doanh nghiệp của châu Âu (EU) đang hoạt động tại Việt Nam sẽ tăng vốn đầu tư, nhất là trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo đạt trên 6% trong năm 2022 và 2023.
TS. Nguyễn Bích Lâm
Điều đáng nói, kể từ khi FED tăng lãi suất, chỉ có 4.600 tỷ đồng vốn rút ròng từ đầu năm đến nay ra khỏi thị trường Việt Nam. Tuy vậy, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, kéo dài nhiều năm chưa có chuyển biến đáng kể, ảnh hưởng đến huy động các dòng vốn, uy tín quốc gia, giảm niềm tin của nhà đầu tư, nhà tài trợ, nhiều dự án lớn đội vốn, gây lãng phí, thất thoát và kém hiệu quả”, ông Lâm nhận xét.
Về điều hành chính sách vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới, PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi khuyến nghị, Chính phủ, các bộ ngành cần theo sát diễn biến của nền kinh tế trong nước cũng như sự tác động của nước ngoài vào Việt Nam.
Trong khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, điều hành lãi suất theo xu hướng tăng, nhưng NHNN Việt Nam không đưa ra tuyên bố cứng rắn nào về chính sách tiền tệ và đã khẳng định lạm phát ở Việt Nam vẫn trong giới hạn cho phép. Những vấn đề đưa đến lạm phát gần 3% trong 7 tháng qua suy cho cùng không hẳn do yếu tố tiền tệ tác động, mà do chi phí đẩy, đứt gãy chuỗi cung ứng cùng nhiều vấn đề khác. Điều này rất đáng quan tâm và NHNN phải theo dõi sát.
Một vấn đề nữa là phải giữ tỷ giá hối đoái ở mức tương đối ổn định bằng cách, khi biến động thì các công cụ có trong tay như bơm ngoại tệ để giúp sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu được bình thường. Việt Nam không thể chủ quan khi hầu hết các quốc gia trên thế giới đều thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất cao, chúng ta luôn luôn phải nghiên cứu, xem xét, dự báo, đưa ra những kịch bản cụ thể. Còn ngay lúc này phải phụ thuộc vào thực tế nền kinh tế Việt Nam, các mục tiêu hướng tới thời kỳ hậu Covid để điều hành chính sách vĩ mô phù hợp trong đó có chính sách tiền tệ.
Diễn đàn doanh nghiệp