PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Hạn mức tín dụng đang được vận hành hợp lý
Đó là quan điểm của PGS.TS Nguyễn Thị Mùi, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, xung quanh các vấn đề liên quan đến tăng trưởng hạn mức tín dụng và chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% mà dư luận đang rất quan tâm gần đây.
- 31-08-2022Lý do tốc độ tăng trưởng tín dụng chững lại đáng kể
- 30-08-2022Nên siết hay nới room tín dụng?
- 30-08-2022Thủ tướng: Không siết tín dụng bất động sản bất hợp lý
-
Việc lạm phát của một số nước tăng cao bất biết từ nguyên nhân nào, thì một trong những công cụ mà Ngân hàng Trung ương các nước trên thế giới thường sử dụng là công cụ lãi suất. Vì thế, động thái tăng lãi suất của Mỹ hay một số nước châu Âu và một vài nước ở các khu vực khác nhau rõ ràng có đem lại tác động nhất định
-
Đối với tất cả các sản phẩm cho vay tiêu dùng đều rất rủi ro, tuy mức độ có khác nhau
PV: Bà có nhận định như thế nào về việc NHNN điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng 14% trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Nguyễn Thị Mùi: Hiện nay, NHNN đang chịu nhiều áp lực về nới hạn mức tăng trưởng tín dụng, thậm chí có ý kiến cho rằng cần bỏ quy định hạn mức. Tôi cho rằng: nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng, nên việc khống chế tăng trưởng tín dụng luôn là cân nhắc hàng đầu của NHNN trong điều hành CSTT, kiểm soát lạm phát. Một công cụ hợp lý, hiệu quả, khi phù hợp với đặc thù, tình hình của nền kinh tế. Hạn mức tín dụng – một công cụ hành chính, nhưng đang được NHNN vận hành một cách hợp lý, phù hợp với đặc thù ở Việt Nam - thị trường vốn chưa phát triển, ngân hàng vẫn là kênh đáp ứng vốn trung và dài hạn chủ yếu cho nền kinh tế. Việc điều hành tăng trưởng hạn mức tín dụng nên thận trọng trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát.
Bà đánh giá như thế nào về các chính sách của ngành Ngân hàng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19 thời gian vừa qua?
Trong bối cảnh dịch Covid -19 tác động tiêu cực tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, ngành Ngân hàng đã vào cuộc từ rất sớm, triển khai nhiều giải pháp về tiền tệ, tín dụng, lãi suất, thanh toán, như các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... để hỗ trợ kịp thời cho khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh bằng chính nguồn lực của ngành. Các chính sách và biện pháp hỗ trợ khách hàng là rất cần thiết, nhưng cần lưu ý, các chính sách hỗ trợ khách hàng nêu trên cũng tiền ẩn nhiều rủi ro cho mỗi ngân hàng, đó là nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong việc thực thi chính sách, không để phát sinh nợ xấu không có khả năng thu hồi, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu các NHTM.
Tốc độ giải ngân chương trình hỗ trợ lãi suất 2% hiện nay đang chưa được như kỳ vọng, theo bà, lý do có thể là gì?
Có nhiều lý do chưa giải ngân được như kỳ vọng, trong đó, theo tôi thấy là các lý do sau: Thứ nhất, nhiều khách hàng, nhất là các doanh nghiệp khá e ngại khâu hậu kiểm vì đây là nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Thông thường, khi tham gia chương trình HTLS từ nguồn NSNN, trong nhiều trường hợp, không những ngân hàng mà cả các khách hàng được hỗ trợ sẽ phải làm việc với các đoàn thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của các cơ quan có thẩm quyền....
Thứ 2 là khó xác định đối tượng HTLS, nhất là các khách hàng kinh doanh đa ngành, có mã ngành được HTLS, có mã ngành không được HTLS (Văn bản giải đáp số 525/BKHĐT-PTDN ngày 29/7/2022 về đối tượng được HTLS của Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong khi chứng từ mua hàng lại không bóc tách theo từng mục đích. Ví dụ: khách hàng kinh doanh ngành thủy sản, mua lô cá nguyên liệu vừa để sản xuất, chế biến (mã ngành C, được hỗ trợ lãi suất), vừa để kinh doanh thương mại (mã ngành G, không được hỗ trợ lãi suất). Điều này đã gây khó khăn cho cả khách hàng và các ngân hàng do ngân hàng không có cơ sở thẩm định để xác định trong đơn hàng mua có bao nhiêu % giá trị đơn hàng mua cá để sản xuất, chế biến được HTLS.
Quan điểm "không hạ chuẩn tín dụng" liệu có "hơi cứng nhắc"? Theo Bà, có nên mở rộng đối tượng cho vay không? Đối tượng nào nên được mở rộng để hỗ trợ?
Đối với các khách hàng thuộc đối tượng được HTLS, nhưng không đủ điều kiện vay vốn, thì luôn mong muốn các ngân hàng "hạ chuẩn tín dụng" để tiếp cận được vốn từ các ngân hàng. Nhưng xét ở góc độ các NHTM, thì "hạ chuẩn tín dụng" đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro cao hơn, nhiều hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động ngân hàng và tiềm ẩn rủi ro cho cả hệ thống.
Theo tôi, trước mắt, chưa cần đặt vấn đề mở rộng đối tượng HTLS, mà nên đặt vấn đề rà soát các đối tượng được HTLS theo hướng đơn giản hơn.
Do đó, việc rà soát đối tượng theo hướng quy định đơn giản hơn, không chỉ giúp DN hoàn thiện thủ tục để được HTLS nhanh hơn, không gây khó khăn cho DN về việc không bóc tách chứng từ mua bán, đồng thời cũng giúp ngân hàng trong công tác thẩm định, giải ngân vốn vay nhanh chóng và thuận lợi hơn.
Bà có bình luận gì nếu giả sử chương trình HTLS 2% không được giải ngân theo dự kiến? Việc đánh giá hiệu quả chương trình này cần phải căn cứ vào việc gì?
Nếu giả sử chương trình HTLS từ nguồn NSNN không được giải ngân theo dự kiến, thì tiền này vẫn thuộc NSNN, NSNN có thể tiếp tục sử dụng nguồn này cho các mục tiêu đầu tư công của quốc gia.
Mặc dù vậy, NHNN cùng các cơ quan liên quan vẫn cần phải thực hiện một cách quyết liệt và tích cực để giải ngân hết số tiền từ gói HTLS trong thời gian quy định. Tuy nhiên, đánh giá hiệu quả của gói HTLS 2% không đơn thuần là giải ngân nhanh, hết gói HTLS. Vấn đề quan trọng hơn ở đây là phải giải ngân đúng đối tượng, đúng mục đích và kịp thời đáp ứng nhu cầu về vốn cho các khách hàng.
Theo bà, cần có giải pháp như thế nào để cải thiện kết quả chương trình HTLS?
Để cải thiện kết quả chương trình HTLS, theo tôi cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bộ ngành, địa phương và khách hàng (doanh nghiệp, hộ gia đình, hợp tác xã). Cụ thể:
Đối với NHNN: tăng cường công tác thông tin truyền thông, giám sát chặt chẽ các NHTM triển khai gói HTLS, đề vừa thúc đẩy nhanh việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, giúp khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh, vừa ngăn chặn những hạn chế, tiêu cực đã từng xảy ra trong đợt HTLS năm 2009. Đồng thời, điều hành hạn mức tín dụng phù hợp với nền kinh tế trong bối cảnh lạm phát. Trong quá trình chỉ đạo các NHTM, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ phía khách hàng, các NHTM, phối hợp chặt chẽ với các bộ có liên quan điều chỉnh những bất cập, để triển khai gói HTLS đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
Đối với Bộ Tài chính, nhanh chóng tìm nguồn để thực hiện HTLS trong năm 2022 và năm 2023, thanh toán ngay cho các NHTM sau khi đã hỗ trợ khách hàng vay vốn.
Bộ KH&ĐT: tiếp tục rà soát đối tượng khách hàng được HTLS theo hướng đơn giản, thống nhất cách hiểu và sát với thực tiễn kinh doanh của khách hàng.
Đối với NHTM: Nhanh chóng vận hành hệ thống tự động để theo dõi hạch toán, quản lý dữ liệu khách hàng vay vốn từ gói HTLS, nhằm đảm bảo chính xác của dữ liệu trong công tác thanh quyết toán, kiểm toán khi tham gia chương trình HTLS nguồn từ NSNN. Chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục hồ sơ vay từ gói HTLS. Mặt khác cần rà soát thủ tục, quy trình thẩm định, kết hợp với đánh giá khả năng phục hồi của khách hàng, để giải ngân nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Đối với khách hàng: Cần phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán, tài chính. Sự rõ ràng, minh bạch, kịp thời về thông tin tài chính, kế toán đối với khách hàng, là điều kiện cần thiết và rất quan trọng (điều kiện cần) để các NHTM đánh giá thực trạng về năng lực tài chính của khách hàng. Nâng cao năng lực quản lý, quản trị rủi ro; Tăng cường tính liên kết giữa các doanh nghiệp để cùng phát triển.
- Xin cảm ơn ý kiến chia sẻ của Bà.
Theo Nhịp sống kinh tế