MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng chi tới hơn 300.000 tỷ đồng trả lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm

20-08-2023 - 07:32 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng chi tới hơn 300.000 tỷ đồng trả lãi tiền gửi trong 6 tháng đầu năm

Trong 6 tháng đầu năm 2023 hàng loạt nhà băng ghi nhận trả lãi tiền gửi tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Số dư và tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn - tiết kiệm vẫn liên tục tăng. Từ nay đến cuối năm, áp lực trả lãi của các nhà băng sẽ ra sao?

Nhiều ngân hàng ghi nhận chi phí lãi tiền gửi tăng mạnh

Theo thống kê của chúng tôi tại 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, 6 tháng đầu năm 2023, các nhà băng này đã trả 311.816 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng gần 80% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, Nhóm Big 4 gồm (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank), dẫn đầu danh sách các ngân hàng đã trả lãi tiền gửi nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm 2023, với tổng số lãi đã trả là 151,47 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 48,6% số lãi 29 nhà băng đã chi.

Đồng thời, trong 6 tháng đầu năm 2023, chỉ có 2 nhà băng ghi nhận lãi tiền gửi đã trả tăng dưới 50% là BacABank (40%) và Agribank (48,2%).

Việc chi phí trả lãi của các ngân hàng tăng mạnh là điều đã được nhiều chuyên gia dự báo từ thời điểm quý 4/2022 khi các nhà băng bước vào cuộc đua lãi suất và cùng lúc có một lượng tiền lớn đổ vào hệ thống ngân hàng qua kênh tiền gửi có kỳ hạn và tiết kiệm.

Mặt khác, các số liệu cũng cho thấy, đến cuối tháng 6/2023, tổng tiền gửi tại các ngân hàng kể trên là hơn 10,69 triệu tỷ, tăng gần 739 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức tăng hơn 7,42% so với đầu năm. Đồng thời, có một điểm đáng chú ý là tỷ trọng tiền gửi tiết kiệm - có kỳ hạn vẫn tiếp tục tăng lên. Cụ thể, đến cuối quý II/2023 tỷ lệ này là 82,6%, tăng 2,2 điểm phần trăm so với đầu năm 2023 và tăng 3,2 điểm phần trăm so với cuối quý II/2022.

Số dư và tỷ trọng tiền gửi có kỳ hạn - tiết kiệm vẫn tăng, áp lực trả lãi của các ngân hàng những tháng cuối năm sẽ ra sao?

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, lãi suất huy động đã hạ rất nhanh. Do đó, dù số dư và tỷ trọng đóng góp trong tổng tiền gửi khách hàng của tiền gửi có kỳ hạn - tiết kiệm có nhích lên, song áp lực chi phí vốn tăng lên đã được giảm đáng kể. Bên cạnh đó, phần lớn tiền gửi tại hệ thống ngân hàng có kỳ hạn từ 6-12 tháng, điều này cũng đồng nghĩa với một lượng lớn tiền gửi lãi suất cao từ hồi quý IV năm trước đã đáo hạn. Mặt khác, dù đang thấp hơn so với đầu năm, song nếu so với quý I/2023, chỉ tiêu CASA đã có tín hiệu phục hồi. Trên cơ sở đó, áp lực trả lãi tiền gửi của toàn ngành có thể không còn quá cao như trước đây.

Ở góc nhìn của công ty chứng khoán VNDirect, CASA toàn ngành ngân hàng đã có sự cải thiện từ mức 17,6% tại cuối Q1/23 lên 18,2% tại cuối Q2/23 khi lãi suất tiền gửi giảm liên tục theo 4 lần cắt giảm lãi suất điều hành. Khi hiệu lực từ lần cắt giảm lãi suất thứ 3 và 4 hồi cuối quý II/2023 thẩm thấu sâu hơn, chi phí vốn sẽ giảm mạnh hơn. Tuy nhiên, NIM sẽ khó lòng cải thiện ngay lập tức, vì việc cắt giảm lãi suất vẫn là ưu tiên hàng đầu để thúc đẩy hoạt động kinh tế.

Theo  của TS. Phùng Thái Minh Trang - Trưởng khoa Tài chính Ngân hàng Đại học Hoa Sen, từ nay đến cuối năm, dưới sự hỗ trợ của nhà nước bằng cả chính sách tài khóa và tiền tệ, các hoạt động kinh tế sẽ tốt hơn. Qua đó, thu nhập của doanh nghiệp và người dân cũng được cải thiện, tiền gửi vào hệ thống ngân hàng theo đó sẽ tăng trưởng tích cực hơn. Mặt khác, nhờ vào việc tăng cường số hóa, cải thiện quy trình, tiền gửi không kỳ hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng về mặt số dư cũng như tỷ trọng trong tổng tiền gửi. Qua đó, các ngân hàng có thể thu hút thêm nguồn vốn giá rẻ, góp phần nới rộng NIM, tăng lợi nhuận.

Tổng hợp ý kiến từ phía ngân hàng, công ty chứng khoán và chuyên gia, từ giờ đến cuối năm, áp lực trả lãi tiền gửi của các ngân hàng đã giảm đáng kể. Do 1) lãi suất huy động đã giảm sâu, vì thế trung bình chi phí vốn cũng hạ xuống; 2) phần lớn lượng tiền gửi lãi suất cao đã đáo hạn và 3) CASA phục hồi.

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên