MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng đã trả bao nhiêu tiền lãi cho người gửi tiền trong năm nay?

31-08-2018 - 11:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ 13 ngân hàng đã chi ra tới gần 97.000 tỷ đồng để trả lãi cho khách hàng gửi tiền, tăng 18% so với mức chi ra trong cùng kỳ năm 2017.

Cuối tháng 6/2018, khối lượng tiền mà người dân, doanh nghiệp gửi tại 13 ngân hàng đã niêm yết gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, ACB, MB, Eximbank tăng 10% so với đầu năm lên tới 4,36 triệu tỷ đồng. Con số này lớn tới mức, bằng khoảng 112% vốn hóa thị trường chứng khoán (cùng thời điểm cuối tháng 6).

Với lượng tiền gửi khổng lồ trên, 13 ngân hàng đã phải chi ra tới gần 97 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4,17 tỷ USD) để trả lãi cho khách hàng gửi tiền, tăng 18% so với mức chi ra trong cùng kỳ năm 2017.

Với lượng tiền gửi lớn nhất (hơn 964 nghìn tỷ) trong hệ thống NHTM CP , BIDV là ngân hàng chi lãi tiền gửi nhiều nhất cho khách hàng: 22,6 nghìn tỷ đồng. Theo sau BIDV lần lượt là VietinBank và Vietcombank.

Trong 3 "ông lớn", Vietcombank đang có vẻ là ngân hàng có lợi nhất về chi phí lãi phải trả cho khách hàng gửi tiền. Trong 6 tháng đầu năm, Vietcombank chi hơn 12,1 nghìn tỷ, VietinBank chi hơn 19,8 nghìn tỷ để trả lãi tiền gửi.

Lượng tiền gửi tại Vietcombank không quá cách biệt với BIDV và VietinBank, lần lượt bằng 79% và 90% lượng tiền gửi tại 2 ngân hàng này. Tuy nhiên, số tiền lãi mà Vietcombank phải trả cho khách hàng chỉ bằng 54% của BIDV và 61% của VietinBank.

Sở dĩ như vậy là vì trong cơ cấu tiền gửi của Vietcombank có tỷ trọng lớn (28%) của tiền gửi không kỳ hạn (216,7 nghìn tỷ). Tỷ trọng này tại BIDV và VietinBank chỉ có 17% và 14%. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn là nguồn vốn gần như rẻ nhất, lãi suất loại tiền gửi này hiện chỉ có 0,1%/năm tại Vietcombank. Ngoài ra, lãi suất tiết kiệm có kỳ hạn tại Vietcombank đang là thấp nhất, thấp hơn cả VietinBank và BIDV.

Các ngân hàng đã trả bao nhiêu tiền lãi cho người gửi tiền trong năm nay? - Ảnh 1.

Lãi tiền gửi là chi phí chính trong chi phí lãi ở các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các hình thức huy động vốn cũng ngày càng đa dạng hơn, đặc biệt huy động bằng chứng chỉ tiền gửi đang ngày càng phổ biến. Điển hình là VPBank, bên cạnh 151.302 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng, nguồn vốn của ngân hàng này còn được bổ sung với 64.311 tỷ đồng từ phát hành giấy tờ có giá (bao gồm chứng chỉ tiền gửi phát hành cho cá nhân và tổ chức). Theo đó, ngoài phải trả 3.945 tỷ đồng lãi tiền gửi, VPBank còn phải trả lãi phát hành giấy tờ có giá cũng lên đến 2.841 tỷ đồng. 

Mặc dù lãi suất huy động kỳ hạn ngắn có xu hướng đi xuống trong nửa đầu năm, gửi tiền vào ngân hàng vẫn tiếp tục được người dân ưa thích làm nơi vừa giữ tiền an toàn vừa sinh lời khi tăng trưởng huy động cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số tiền mà 13 ngân hàng trên trả lãi cho khách hàng gửi tiền trong nửa đầu năm nay cũng tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.



Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên