MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng đang “bế tắc” trước áp lực tăng vốn

28-09-2016 - 20:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Hệ số an toàn vốn tối thiểu là điều kiện số một để ngân hàng áp dụng thông lệ Basel II, là yếu tố quyết định quy mô tăng trưởng tín dụng. Nhưng ngược lại, nhiều ngân hàng vẫn chưa biết xoay nguồn ở đâu, khi mà một trong những kênh được trông đợi là giữ lại cổ tức để tăng vốn thì không được chấp nhận, do bị gắn với kết quả xử lý nợ xấu.

Áp lực với CAR

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố cuối tuần trước, tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm ở mức 9,09% so với cuối năm 2015. So với mục tiêu 18 - 20% trong năm nay, dư địa tối thiểu 9% còn lại không dễ kịp lấp đầy khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa là hết năm.

Theo quy luật hàng năm thì giải ngân của các ngân hàng thường dồn vào những tháng cuối năm do có yếu tố “mùa vụ kinh doanh”; theo dự báo, để tăng trưởng 9% còn lại trong hơn 3 tháng cũng không phải khó khăn lắm vì không ít dự án ở một số lĩnh vực rủi ro đang rất khát vốn. Nhưng đó là đối với một số ít ngân hàng có hệ số CAR trên 12%, phần lớn còn lại chỉ quanh mức khuyến cáo của NHNN 9%. Vì thế, vấn đề đau đầu với các ngân hàng có hệ số CAR 9% là làm thế nào để tăng trưởng được tín dụng, bảo đảm sinh lời so với số lượng nguồn đã huy động.

CAR của khối ngân hàng thương mại nhà nước liên tục sụt giảm, từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay - gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, và thấp hơn mức bình quân 10,3% của ASEAN.

Đáng chú ý, vài năm gần đây, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR (Thông tư 02 và Thông tư 09 nhằm phản ánh thực chất và rõ ràng hơn, thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Thông tư 36 quy định các tiêu chuẩn về an toàn hoạt động của hệ thống tiến gần hơn với thông lệ quốc tế…) nên vừa làm giảm vốn tự có và làm tăng tài sản có rủi ro, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.

Số nợ xấu do chính các ngân hàng công bố cho thấy, đến cuối quý 2 năm nay, chỉ riêng 9 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã có tổng nợ xấu lên đến 43.000 tỉ đồng, tăng 28% so với cuối năm trước. Trong đó, 3 ngân hàng lớn nhất là BIDV, Vietcombank, VietinBank đã chiếm tới 26.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 20% tổng nợ xấu.

Nhìn thấy áp lực hệ số CAR không đảm bảo khi lộ trình áp dụng Basel II đang đến gần, nếu cứ gắn với kết quả xử lý nợ xấu (bao gồm nợ hiện tại ở các ngân hàng được xác định ở mức dưới 3%, nợ cơ cấu lại theo Quyết định 780 và số nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng - VAMC) thì làm thế nào để tăng vốn thực sự là bài toán khó giải đối với một số ngân hàng.

Chật vật con đường tăng vốn

Theo thống kê của một số công ty chứng khoán, trong năm 2016 có 17 ngân hàng đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2016. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính được công bố mới đây thì chỉ mới có 4 ngân hàng trong danh sách này được xem là hoàn thành chỉ tiêu. Nhưng thực tế thì chỉ có 2 ngân hàng hoàn thành tăng vốn, còn 2 ngân hàng khác thì vẫn còn rất nhiều chật vật.

Trong số 2 ngân hàng tăng vốn hoàn thành mục tiêu phải kể đến Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Cuối tháng 8.2016 vừa qua, Vietcombank công bố thỏa thuận ghi nhớ sẽ bán 7,73% vốn cổ phần mới của Vietcombank, tương ứng 305.810.895 cổ phần. Đối tác mua là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore - GIC Special Investments.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng chào bán thành công như với Vietcombank. Đơn cử như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng có định hướng phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay nhưng cho đến giờ vẫn chưa thấy thông tin gì về đối tác chiến lược của ngân hàng này.

Trong đại hội cổ đông đầu năm, các ngân hàng đều trình phương án tăng vốn tuy nhiên đến thời điểm này khi năm 2016 đã đi vào những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng vẫn còn khá im ắng về các giải pháp tăng vốn hay nói đúng hơn là đang “bế tắc” về vấn đề này.

Bởi ngoài việc thực hiện sáp nhập với các ngân hàng khác, những phương án khác được hướng đến hiện nay là bán cho cổ đông ngoại, phát hành cổ phiếu tăng vốn hoặc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, câu chuyện tăng vốn tại mỗi ngân hàng lại chẳng dễ dàng gì.

Ngay cả việc bán cổ phần cho các đối tác chiến lược nước ngoài đang ngày càng khó khăn hơn rất nhiều và rất ít ngân hàng có thể thực hiện thành công. Bằng chứng là nhiều năm vừa qua, ngành ngân hàng không còn gây được chú ý với các nhà đầu tư ngoại, cổ phiếu không còn hấp dẫn nữa. Cùng với lộ trình mở cửa ngành tài chính theo các hiệp định thương mại, các ngân hàng nước ngoài đã được phép thành lập ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Cho nên, các tổ chức nước ngoài cũng không nhất thiết phải mua cổ phần của các ngân hàng trong nước.

Nắm tình hình tăng vốn không mấy thuận lợi nên khi kết thúc quý 2/2016, các ngân hàng đã đề xuất NHNN cho phép giữ lại cổ tức để tăng vốn, nhằm mục đích bảo đảm hệ số CAR, từ đó mở rộng tín dụng theo mục tiêu được phân bổ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chưa duyệt.

Có ý kiến cho rằng, với những trường hợp ngân hàng thương mại có nhu cầu giữ lại cổ tức để tăng vốn thì NHNN nên xem xét giải quyết, bởi vì xét đến cùng, tăng vốn cũng là biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống và ngược lại, trong bối cảnh thị trường khó khăn đối với phát hành, nợ xấu chưa được xử lý triệt để…

Việc tăng vốn của các ngân hàng đang ngày càng cấp thiết hơn bao giờ hết, để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế theo Basel II, đồng thời có thể đẩy mạnh phát triển kinh doanh mà vẫn đảm bảo các chỉ tiêu an toàn, các giới hạn so với vốn tự có theo quy định của NHNN. Cụ thể, theo Thông tư 06, tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sẽ buộc phải giảm từ mức hiện tại 60% về còn 50% từ năm 2017 và xuống 40% vào năm 2018.

Theo Vi An

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên