MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng Mỹ đang đứng trước nguy cơ lỗ 620 tỷ USD

14-03-2023 - 15:32 PM | Tài chính quốc tế

Chi nhánh SVB tại Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Chi nhánh SVB tại Santa Clara, bang California (Mỹ) ngày 13/3/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ đã khiến các nhà đầu tư cảm thấy hoang mang vì vụ việc này cho thấy một vấn đề lớn hơn trong lĩnh vực ngân hàng: Khoảng cách ngày càng lớn giữa giá trị trái phiếu mà những ngân hàng lớn nắm giữ và giá trị thực sự của chúng trên thị trường.

Theo kênh CNN ngày 13/3, SVB sụp đổ một phần do giá trị trái phiếu mà ngân hàng này mua được trong thời kỳ bùng nổ đã giảm, thời kỳ mà ngân hàng này có rất nhiều tiền gửi của khách hàng và cần một nơi nào đó để giữ tiền.

Nhưng SVB không phải là tổ chức ngân hàng duy nhất gặp vấn đề đó. Theo Công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC), các ngân hàng Mỹ đang chịu khoản lỗ 620 tỷ USD trên giấy tờ (tài sản đã giảm giá nhưng chưa bán) tính tới cuối năm 2022.

Khi lãi suất gần bằng 0, các ngân hàng Mỹ đã gom rất nhiều trái phiếu và trái phiếu kho bạc. Giờ đây, khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất để chống lạm phát, những trái phiếu đó đã giảm giá trị.

Khi lãi suất tăng, trái phiếu mới phát hành bắt đầu mang lại lãi suất cao hơn cho các nhà đầu tư, điều này làm cho trái phiếu cũ có lãi suất thấp trở nên kém hấp dẫn và kém giá trị hơn. Kết quả là hầu hết các ngân hàng đều có một số khoản lỗ trên sổ sách.

Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cho biết vào tuần trước: “Môi trường lãi suất hiện tại đã có những tác động đáng kể đến khả năng sinh lời và rủi ro trong chiến lược đầu tư và huy động vốn của các ngân hàng”. Ông nói thêm: “Các khoản lỗ trên sổ sách làm suy yếu khả năng của ngân hàng trong đáp ứng nhu cầu thanh khoản bất ngờ trong tương lai”.

Nói cách khác, các ngân hàng có thể thấy rằng họ có ít tiền hơn mình nghĩ, đặc biệt là khi cần tiền, bởi vì chứng khoán của họ có giá trị thấp hơn mong đợi.

Ông Jens Hagendorff, Giáo sư tài chính tại Đại học King's College London, cho biết: “Nhiều tổ chức, từ ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại và quỹ hưu trí, đang nắm những tài sản có giá trị thấp hơn đáng kể so với báo cáo tài chính. Các khoản lỗ từ đó sẽ lớn và cần phải được bù đắp bằng cách nào đó. Quy mô của vấn đề đang bắt đầu gây lo ngại”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng không cần phải hoảng sợ. Ông Luc Plouvier, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hà Lan Van Lanschot Kempen, nhận định: “Giá trái phiếu giảm chỉ thực sự là một vấn đề trong tình huống bảng cân đối kế toán đang sụt giảm khá nhanh… và bạn phải bán những tài sản mà thông thường bạn sẽ không phải bán”. Hiện nay, hầu hết ngân hàng lớn của Mỹ đều có tình hình tài chính tốt và sẽ không rơi vào tình trạng buộc phải bán lỗ trái phiếu.

Trong khi đó, ngày 13/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định hệ thống ngân hàng của nước này vẫn an toàn. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định người dân Mỹ có thể tin tưởng vào sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong nước, nhấn mạnh rằng người dân có thể rút tiền gửi bất cứ lúc nào.

Liên quan vụ sụp đổ của SVB, ông Biden cho biết chính phủ sẽ đảm bảo những người gửi tiền ở SVB có thể nhận lại tiền, đồng thời cho biết những người trả thuế sẽ không phải chịu tổn thất nào. Theo ông Biden, số tiền này là tiền phí mà các ngân hàng đã trả cho tiền gửi bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Tổng thống Biden cũng hối thúc Quốc hội ban hành các quy định nghiêm ngặt hơn đối với các ngân hàng, tránh để vụ việc tương tự lặp lại. Ông lưu ý một gói cứu trợ lớn, như đã được áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, không nằm trong số các biện pháp đang được chính phủ cân nhắc. Ông cho biết, khi chính phủ tiếp quản ngân hàng này, ban điều hành SVB sẽ buộc phải thôi việc, trong khi các cổ đông của SVB cũng không nhận được tiền hỗ trợ.

Trước đó, Tổng thống Mỹ đã cam kết sẽ làm mọi cách để giảm thiểu các tác động từ vụ SVB và Ngân hàng Signature đóng cửa. Tuy nhiên, tâm lý các nhà đầu tư tại Mỹ vẫn bị ảnh hưởng, dẫn đến việc các chỉ số chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 13/3.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn tại Mỹ như JPMorgan, Chase, Morgan Stanley và Bank of America đồng loạt giảm trong các mức dao động từ 2,8%-6,3%. Chỉ số ngân hàng khu vực KBW - gồm cổ phiếu của 24 ngân hàng lớn nhất của Mỹ giảm 11,2%.

Theo Thùy Dương

Báo tin tức

Trở lên trên