MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng nhận định thế nào về nợ xấu quý 4/2021 và quý 1 năm nay?

06-01-2022 - 06:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng nhận định thế nào về nợ xấu quý 4/2021 và quý 1 năm nay?

Trước đó, NHNN ước tính tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vào cuối năm 2021 có thể lên tới khoảng 7,31% nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu.

Theo kết quả khảo sát mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, các TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng có dấu hiệu "tăng nhẹ" trong quý IV/2021 nhưng kỳ vọng sẽ "giảm nhẹ" trở lại trong Quý I/2022.

Mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được nhận định có dấu hiệu tăng chậm lại trong Quý IV/2021 và Quý I/2022 so với Quý III/2021. Tính chung cả năm 2021, MBRR được các TCTD đánh giá tiếp tục "tăng nhẹ" so với năm 2020 cho đến hết quý I/2022, nhưng được kỳ vọng sẽ điều chỉnh giảm nhẹ trong các quý cuối của năm 2022. Dự báo tổng thể cả năm 2022, các TCTD kỳ vọng xu hướng giảm MBRR.

Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 2,6% trong Quý I/2022 và tăng 12,1% trong năm 2022. 95% TCTD dự báo tổng huy động vốn tăng trưởng dương trong năm 2022, 3% dự báo duy trì ổn định và 2% TCTD dự báo huy động vốn tăng trưởng âm trong năm 2022.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 5,3% trong quý I/2022 và tăng 14,1% trong năm 2022, điều chỉnh giảm nhẹ so với mức dự báo 14,3% tại kỳ điều tra trước.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 diễn ra vào chiều ngày 29/12, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, dịch bệnh kéo dài trong suốt 2 năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ.

Theo Phó Thống đốc, nếu tính cả dư nợ của khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi theo Thông tư 01 có nguy cơ chuyển thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống hiện vào khoảng 7,31%. Trước đó, con số ước tính được ông Tú đưa ra tại buổi họp báo ngày 28/12 là 8,2%, tuy nhiên sau khi ước tính lại trên tổng tín dụng tăng, tỷ lệ nợ xấu ước tính đã giảm tương ứng.

''Điều này khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn, tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD'', Phó Thống đốc nhận định.

Cũng theo đại diện NHNN, tính đến 29/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,97% với tổng dư nợ toàn nền kinh tế đạt 10,38 triệu tỷ đồng. Hết năm 2021, con số này ước đạt 13,5% - 14%. Năm 2022, định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Quốc Thụy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên