Các ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II đã thực hiện đến đâu: Kỳ 2- Maritime Bank
Hiện tại, theo tính toán nội bộ, dựa trên các tiêu chuẩn Basel II, Maritime Bank đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn khoảng 13%, cao hơn so với mức yêu cầu của NHNN (>=8%).
- 22-11-2016Thực thi Basel II, khó ở đâu?
- 21-11-2016Khách hàng làm sao để nhận diện được ngân hàng áp dụng Basel II?
- 20-11-2016Lãnh đạo ngân hàng có quan ngại khi áp dụng Basel II?
Hiệp ước vốn Basel II đặt ra các tiêu chuẩn về vốn và quản lý rủi ro tiên tiến đối với các ngân hàng cũng như hướng dẫn về quản lý giám sát đối với các cơ quan chủ quản, nhằm đảm bảo hệ thống tài chính ngân hàng hoạt động vững mạnh.
Thông qua triển khai Basel, các ngân hàng không chỉ thu được những lợi ích thiết thực từ nền tảng quản trị rủi ro tốt mà còn nâng cao vị thế và hình ảnh của mình trên thị trường, với đối tác, với các nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của cơ quan quản lý (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), triển khai tốt Basel II còn giúp các ngân hàng có cơ hội gia tăng tỷ suất lợi nhuận, hiệu quả sử dụng vốn.
Maritime Bank là một trong 10 ngân hàng được NHNN lựa chọn thí điểm triển khai tuân thủ Basel II. Ngân hàng này cho biết, để đảm bảo sự thành công của dự án quan trọng này, ngay từ năm 2014, Maritime Bank đã tiến hành những bước chuẩn bị đầu tiên. Năm 2015, Maritime Bank thành lập Ban Chỉ đạo dự án Basel II với thành viên là các lãnh đạo cấp cao thuộc Hội đồng Quản trị và Hội đồng Điều hành, thành lập riêng một Trung tâm Basel II và Mô hình công cụ rủi ro chuyên trách để đầu mối triển khai dự án.
Việc triển khai thành công và hiệu quả dự án phụ thuộc rất nhiều vào việc dữ liệu phải chính xác, đầy đủ và sẵn có theo các yêu cầu, tiêu chuẩn của Basel II. Nhờ vào sự chuẩn bị từ sớm và sự đầu tư đúng mức, Maritime Bank cho biết sẽ đưa vào sử dụng chính thức hệ thống cơ sở dữ liệu, tính toán tự động tài sản có rủi ro (RWA) và tỷ lệ an toàn vốn Basel II (CAR) trong tháng 11 này. Hệ thống dữ liệu và công cụ báo cáo này cũng sẽ giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và quản trị nội bộ của Ngân hàng.
Hiện tại, theo tính toán nội bộ, dựa trên các tiêu chuẩn Basel II, Maritime Bank đang duy trì tỷ lệ an toàn vốn khoảng 13%, cao hơn so với mức yêu cầu của NHNN (>=8%). Nhờ đó, Ngân hàng có nền tảng an toàn để triển khai các kế hoạch kinh doanh mới trong các năm tới.
Để tiếp tục triển khai theo Basel II được hiệu quả hơn, Maritime Bank cũng có một số đề xuất với cơ quan quản lý. Theo đó, ngân hàng này cho rằng để xây dựng mô hình tính toán chi phí vốn cho rủi ro tín dụng, Maritime Bank mong muốn cùng các TCTD khác, dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về khách hàng tập trung và toàn diện.
Hơn nữa, một trong những yêu cầu quan trọng để triển khai Basel II hiệu quả là NHNN cần đảm bảo sự đồng bộ giữa các quy định trong nội dung thông tư về tỷ lệ an toàn vốn với các chính sách quản lý và đặc trưng thị trường Việt Nam.
Cuối cùng, Maritime Bank và các TCTD đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các kênh truyền thông và đào tạo với các quản lý cấp cao của các TCTD. Đây là yếu tố là cần thiết nhằm tạo ra sự thay đổi từng bước và sâu rộng trong quan điểm quản trị của các ngân hàng, quyết định sự thành công của việc triển khai Basel II tại Việt Nam.
Trí Thức Trẻ