MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào?

Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào?

Việc các ngân hàng đưa ra một quyết định nào đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến việc làm người dân, đặc biệt là những người mua nhà lần đầu, hay đầu tư chứng khoán?

Việc quản lý lượng tiền tệ lưu thông trong một nền kinh tế là công việc của ngân hàng trung ương. Tại nước Anh, đó là Ngân hàng Anh. Tại châu Âu, đó là Ngân hàng Trung ương châu Âu. Và tại Hoa Kỳ, đó là Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED).

Mùa xuân năm 2009, hoạt động của các ngân hàng trung ương đột nhiên trở thành tâm điểm chú ý của người dân. Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh lúc bấy giờ đã tham gia một cuộc tranh luận công khai với Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh Alistair Darling.

Thực ra, Jean-Claude Trichet, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu; Ben Bernanake, Chủ tịch FED; và Mervyn King, Thống đốc Ngân hàng Anh đã là những nhân vật chính trong công cuộc đối phó với một cuộc khủng hoảng toàn cầu bắt đầu từ năm 2007.

Vậy thực sự, các quyết định của ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào?

Lấy ví dụ ở đây là FED. Người đứng đầu - Chủ tịch của FED có khả năng ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và xác định lãi suất ngân hàng. Nếu FED mắc một sai lầm nào đó, hàng triệu người dân có thể bị mất việc làm, tỷ lệ lạm phát sẽ tăng ngoài tầm kiểm soát, hoặc giá trị của thị trường chứng khoán có thể sụt giảm nghiêm trọng.

Tất cả những điều đó có thể xảy ra, và thực tế là đã xảy ra với Hoa Kỳ kể từ khi FED được thành lập vào năm 1913.

Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào? - Ảnh 1.

Từ năm 1987 đến năm 2006, FED được điều hành bởi Alan Greenspan. Vốn là người ủng hộ lý thuyết về thị trường tự do của Ayn Rand, trong những năm 1990, Greenspan đã được mệnh danh là một "phù thủy kinh tế" và được coi là một trong những chủ tịch thành công bậc nhất của FED.

Đồng tiền khiến cả thế giới phải "xoay quanh"

Ngân hàng trung ương lâu đời nhất trên thế giới là Ngân hàng Anh, hay còn được gọi dưới cái tên Quý bà của khu phố Threadneedle (Old Lady of Threadneedle). Nó được thành lập vào năm 1964, với chức năng trở thành ngân hàng của chính phủ và quản lý nợ quốc gia.

Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào? - Ảnh 2.

Ngân hàng Anh.

Còn ngân hàng trung ương có tuổi đời non trẻ nhất là Ngân hàng Trung ương châu Âu, được thành lập vào năm 1998, vào thời điểm đồng tiền chung Euro ra đời. Vào năm 2009, đồng Euro là đồng tiền chính thức của 16 trên 27 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu, và được sử dụng hằng ngày bởi khoảng 327 triệu dân châu Âu.

Các ngân hàng trung ương có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của chúng ta như thế nào? - Ảnh 3.

Ngân hàng Trung ương châu Âu

Thực ra, khái niệm tiền tệ đã từ lâu không còn chỉ là số lượng đồng bảng Anh, đô la Mỹ hoặc đồng Euro... mà còn bao gồm các khoản tiền được gửi lại các ngân hàng. Các ngân hàng trung ương thay đổi số lượng tiền tệ đang được lưu thông bằng cách mở rộng, hoặc thu nhỏ số lượng tín dụng trong nước.

Và bởi vì mỗi khoản cho vay sẽ tạo ra một tài khoản mới trong ngân hàng, sự mở rộng tín dụng sẽ dẫn đến các khoản tiền gửi tại ngân hàng tăng lên. Những khoản tiền gửi này là một sự thay thế tốt cho việc phát hành các tờ giấy bạc.

Về cơ bản, cách thức vận hành chính sách tiền tệ có thể khác nhau giữa các nước, nhưng ảnh hưởng của nó thì không có nhiều sai biệt. Tại Hoa Kỳ, sự mở rộng hay thu hẹp của các hợp đồng tín dụng được thực hiện thông qua các chính sách thị trường mở. Các chính sách này được chỉ đạo trực tiếp từ Uỷ ban thị trường mở trực thuộc FED.

Nhiệm vụ chính của Uỷ ban này là điều hành lãi suất liên bang - thực chất là lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng. FED có thể tác động đến lãi suất này bằng cách mua hoặc bán Trái phiếu kho bạc trên thị trường tự do.

Chống chọi với lạm phát

Vai trò của Chủ tịch FED vào những thời điểm cần thiết cũng tương tự như vai trò của một người lính cứu hỏa trong một tòa nhà đang bốc cháy. Nếu có hai nạn nhân tại hai căn phòng và chỉ có thể cứu một trong hai, thì bất kỳ quyết định nào được đưa ra cũng sẽ gặp phải chỉ trích của một số người.

Với trường hợp của FED, cơ quan này có thể chọn việc ngăn chặn suy thoái kinh tế bằng cách giảm lãi suất. Nhưng bởi vì sự suy thoái này chỉ là nhất thời, do đó chính sách này chỉ có lợi trong ngắn hạn. Việc giảm lãi suất để kích cầu kinh tế trong giai đoạn suy thoái cũng có thể gây ra kỳ vọng về việc lạm phát tăng cao.

Khi kinh tế bắt đầu phục hồi, tỷ lệ lạm phát tăng lên rất cao và giữ nguyên ở tỷ lệ đó trong một thời gian dài. Đây chính xác là điều đã diễn ra trong giai đoạn 1951 đến 1982, khi sau mỗi cuộc suy thoái, tỷ lệ lạm phát lại tăng lên một chút.

Lạm phát cao luôn song hành cùng lãi suất cao, và cho tới năm 1981, lãi suất cho tài sản thế chấp với lãi suất cố định trong vòng 30 năm đã lên tới mức 18%/năm.

Tác động của việc trên tới những người mua nhà lần đầu là hết sức nghiêm trọng. Ví dụ, một người lính trở về sau Thế chiến II sẽ chỉ phải trả 59 USD một tháng cả gốc lẫn lãi cho khoản tiền 10 nghìn USD ông ta đi vay. Trong khi đó, vào năm 1981, con cháu của ông ta phải trả 150 USD một tháng cho khoản vay tương đương.

Hơn nữa, tính qua những cuộc khủng hoảng từ năm 1951 mà Hoa Kỳ trải qua đến nay, hầu hết mỗi cuộc suy thoái đều gắn liền với tình trạng thất nghiệp tăng nhanh, đồng thời lãi suất dành cho các trái phiếu kho bạc lại giảm mạnh.

Thực ra, lãi suất giảm là do nỗ lực của FED trong việc giảm thiểu các tác dụng phụ của những cuộc suy thoái đó đến cuộc sống người dân.

Đặng Hùng

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên