MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ngân hàng trung ương được dự báo tăng mua vàng trở lại trong năm 2021

Theo giới chuyên gia, các ngân hàng trung ương – nhân tố quan trọng thúc đẩy vàng tăng giá trong những năm gần đây, dự kiến thu mua vàng nhiều hơn trong 2021 sau khi giảm vào năm nay.

Citigroup nhận thấy nhu cầu từ khu vực nhà nước tăng lên khoảng 450 tấn sau khi giảm còn 375 tấn trong năm nay, mức thấp nhất trong một thập kỷ. Còn HSBC Securities dự báo mức tăng trưởng nhu cầu thấp hơn một chút, lên 400 tấn từ ước tính 390 tấn trong năm 2020, có thể là mức thấp thứ hai trong 10 năm.

Các ngân hàng trung ương được dự báo tăng mua vàng trở lại trong năm 2021 - Ảnh 1.

Nhu cầu vàng có thể tăng trong năm 2021 nhưng không thể đạt mức cao như những năm trước. Màu xám: ước tính của citigroup. Đơn vị: Tấn.

Mặc dù các dự báo thấp hơn nhiều so với khối lượng thu mua gần như cao nhất - hơn 600 tấn một năm, được ghi nhận trong cả năm 2018 và 2019, việc các ngân hàng trung ương tăng cường thu mua sẽ giúp thúc đẩy vàng miếng.

Trong một báo cáo mới đây, Citi cho biết Nga có thể quay trở lại thị trường vào mùa xuân tới và ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể tiếp tục bổ sung vào kho dự trữ sau cuộc bầu cử tại Mỹ.

Sự phát triển này có thể tác động lớn hơn tới thị trường nếu các quỹ giao dịch hối đoái – nhân tố chính thúc đẩy nhu cầu trong năm 2020 – giảm hoạt động mua của họ khi các nền kinh tế toàn cầu phục hồi từ đại dịch COVID-19.

Theo Bloomberg, giá vàng miếng và các tài sản trong quỹ ETF đã tăng cao lên mức kỷ lục trong năm 2020 khi các nhà đầu tư tìm kiếm nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh đại dịch bùng phát toàn cầu, chính sách tiền tệ nới lỏng và khả năng giảm giá của tiền định danh.

Kể từ đó, giá vàng giao ngay đã giảm từ mức cao nhất trong lịch sử và dự kiến xác lập tháng giảm lớn nhất kể từ năm 2016, nhưng vẫn trong đà đạt mức tăng hàng quý thứ 8 nhờ dòng chảy ổn định vào các quỹ ETF.

Colombia và Uzbekistan là hai trong số các quốc gia giảm dự trữ vàng những tháng gần đây và Philippines cho biết họ đang cân nhắc việc bán vàng. Nga tuyên bố sẽ ngừng hoạt động thu mua từ tháng 4, trong khi đã gần một năm kể từ khi Trung Quốc thông báo bất kỳ động thái nào.

"Hoạt động mua ròng của ngân hàng trung ương đã chậm lại nhưng vẫn khả quan, vì vậy không có tồn tại rủi ro các ngân hàng trung ương trở thành nguồn gây áp lực giảm giá như những năm 90", ông Bernard Dahdah, chuyên gia phân tích hàng hóa cao cấp tại Natixis SA, nhận định.

Các ngân hàng trung ương mua vàng ròng trong năm thứ 10 liên tiếp vào năm 2019, nhưng nhu cầu đã trở nên tập trung hơn, với ít ngân hàng bổ sung dự trữ vào năm 2020, theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Lượng vàng được mua đã giảm 39% xuống 233 tấn trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Theo ông Shaokai Fan, người đứng đầu phòng Quan hệ Ngân hàng Trung ương tại WGC, mỗi ngân hàng trung ương xác định việc phân bổ vàng là tối ưu cho tình hình của mình. Một số có thể đã giảm nắm giữ vì tỷ lệ vàng trong kho dự trữ của họ đã cao, đặc biệt là khi giá vàng tăng hoặc vì họ đã phải giảm phần tài sản không phải vàng trong dự trữ để duy trì tính ổn định của tiền tệ.

Nhà phân tích kim loại quý Suki Cooper của Standard Chartered cũng dự đoán các ngân hàng trung ương vẫn là người thu mua ròng dù hành động bán vàng ra đã xuất hiện, nhưng bà nhận thấy lượng mua giảm xuống 400 tấn trong năm tới từ 417 tấn của năm 2020.

Dự báo của Citigroup lạc quan hơn, dựa trên dự báo sự phục hồi kỳ vọng về việc giá dầu tăng cao hơn và tăng trưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn.

Tâm Ly

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên