Các nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) rót tới 1,5 tỷ USD vào một tỉnh giàu có top đầu Việt Nam
Các nhà đầu tư tới từ Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là đối tác dẫn đầu vốn FDI vào tỉnh này với hơn 1,5 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư.
- 21-12-2023WB: Nền kinh tế còn nhiều khó khăn, Việt Nam có thể xem xét gia hạn các chương trình hỗ trợ kinh tế sang năm 2024
- 21-12-2023Du lịch Bình Thuận lần đầu thu trên 10.000 tỷ đồng
- 21-12-2023Xử phạt chế tài nặng nhất chủ đầu tư làm chậm tiến độ dự án điện khí
Tính từ năm 1990 khi Quảng Ninh chính thức thu hút dự án FDI đầu tiên, đến nay trên địa bàn tỉnh có 169 dự án FDI của các nhà đầu tư tới từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt xấp xỉ 11,66 tỷ USD.
Trong đó, các nhà đầu tư tới từ Hồng Kông (Trung Quốc) vẫn là đối tác dẫn đầu với hơn 1,5 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng vốn FDI thu hút vào tỉnh này; đơn cử như doanh nghiệp Jinko Solar, TCL… Tiếp theo là Đài Loan với 925 triệu USD, chiếm gần 30%, Singapore với hơn 286 triệu USD, chiếm 9,2%. Cùng với đó là một số nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hoa Kỳ, UAE, Indonesia, Thái Lan...
Tháng 10 vừa qua, dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Jinko 1) tại khu công nghiệp Sông Khoai (TX Quảng Yên) đã chính thức được khởi động, đi vào vận hành sản xuất. Dự án 750 triệu USD này từ nhà đầu tư Hồng Kông nằm trong nhóm dự án có suất đầu tư cao trong các khu công nghiệp hiện nay của tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những dự án có thời gian cấp phép đầu tư nhanh nhất trên địa bàn từ trước tới nay. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tất cả thủ tục và cấp phép cho nhà đầu tư.
Trong quý IV, Quảng Ninh cũng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,5 tỷ USD cho Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam.
Thông tin thêm về FDI vào Quảng Ninh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 11/2023, tổng vốn FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 3,13 tỷ USD, bằng 313% chỉ tiêu Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh, bằng 261% kế hoạch năm 2023 UBND tỉnh đặt ra và bằng 127,8% cùng kỳ năm 2022.
Quảng Ninh đang là địa phương dẫn đầu trong các tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút FDI năm 2023. Đây cũng là con số kỷ lục về thu hút FDI của Quảng Ninh từ trước tới nay. Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 25 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký là hơn 3,13 tỷ USD; điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với số vốn tăng thêm 28,86 triệu USD.
Đến hết quý III/2023, các dự án FDI trên địa bàn tỉnh ước giải ngân khoảng gần 700 triệu USD; tổng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án FDI đạt khoảng gần 3,4 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt gần 4 tỷ USD. Khu vực FDI đã đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 76 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng và hiện đang góp phần giải quyết việc làm cho khoảng gần 43.000 lao động.
Theo định hướng, tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư cho khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh và du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại...
Dự kiến trong thời gian tới, tiềm năng thu hút FDI của Quảng Ninh còn rất lớn khi địa phương được quy hoạch nhiều KCN, KKT nhất miền Bắc. Tỉnh cũng còn dư địa lớn về nguồn đất, điển hình là KKT ven biển Quảng Yên, một điểm sáng thu hút đầu tư của tỉnh, hiện vẫn còn trên 9.700ha quỹ đất sạch.
Kinh tế của tỉnh này cũng có nhiều bước ngoặt khi 9 năm liên tiếp tăng trưởng GRDP trên hai con số (từ 2015 - 2023), riêng năm 2023 chỉ tiêu này đạt 11,03%, dẫn đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, xếp thứ 3 trên toàn quốc. Ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 0,1% hộ nghèo theo tiêu chí mới. GRDP bình quân đầu người ước đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; tạo ra hơn 21.000 việc làm tăng thêm. Thu ngân sách của tỉnh trong 9 tháng đầu năm cũng đứng thứ 6 cả nước, đạt hơn 40.000 tỷ đồng. Về hạ tầng giao thông, tỉnh sở hữu tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, dài 176 km.