MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các NHTW Úc và New Zealand đang dẫn đầu cuộc đua xuống đáy

23-08-2019 - 10:08 AM | Tài chính quốc tế

Giới phân tích nhận định, các NHTW của hai nền kinh tế này đang đi đầu trong cuộc đua về đáy - nơi mà lãi suất ở mức 0% vẫn có thể là chưa đủ...

Các NHTW của Úc (RBA) và New Zealand (RBNZ) đang cân nhắc các hành động mà cho đến gần đây dường như không ai có thể tưởng tượng được: đó là sẽ triển khai các chính sách tiền tệ “cực đoan” vốn chỉ xuất hiện và được sử dụng trên toàn cầu thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra. Giới phân tích nhận định, các NHTW của hai nền kinh tế này đang đi đầu trong cuộc đua về đáy - nơi mà lãi suất ở mức 0% vẫn có thể là chưa đủ.

Những xoay chiều bất ngờ

Mới chỉ năm ngoái thôi, RBA và RBNZ đều đưa ra tín hiệu về việc sẽ tăng lãi suất. Nhưng rất nhanh chóng sau đó, hàng loạt các bất định gia tăng, từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tranh chấp thương mại Mỹ - Trung leo thang hay triển vọng tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu rơi vào ảm đạm  khiến Úc và New Zealand không những không thể tăng lãi suất như dự kiến mà đã phải giảm lãi suất và còn phải tìm thêm giải pháp “phi truyền thống” khác nữa để bù đắp và đối phó lại với các tác động từ bên ngoài.

Từ đầu năm tới nay, các NHTW này đã có hai lần cắt giảm lãi suất, qua đó đưa lãi suất xuống mức thấp kỷ lục 1% - ngang với mức mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và NHTW Anh (BoE) áp dụng khi họ chuyển sang mua tài sản (các gói nới lỏng định lượng QE) để hỗ trợ nền kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Hiện cả RBA và RBNZ đều để ngỏ cánh mở có thể giảm lãi suất thêm, mà không cần để lại “chút đạn dược cuối cùng nào”, tức là lãi suất có thể về mức 0% và không còn dư địa trong trường hợp cần đối phó với các cú sốc bên ngoài.

Và trong bối cảnh đó, Thống đốc RBA Philip Lowe và người đồng cấp Adrian Orr của RBNZ cho biết, việc thảo luận về lựa chọn các giải pháp “phi truyền thống” trong thời điểm hiện nay là cần thiết dù không nhất thiết sẽ phải sử dụng đến chúng.

Trong đó, New Zealand có vẻ “hăng hái” hơn so với Úc về khả năng phải vận dụng tới các giải pháp này, đặc biệt là sau khi RBNZ đã gây sốc cho thị trường với quyết định cắt giảm lãi suất tới 0,5% vào đầu tháng này. RBNZ cho biết không có lựa chọn nào bị loại bỏ khỏi kho công cụ của mình, từ việc có thể áp dụng lãi suất âm, cho vay các ngân hàng, hướng dẫn chuyển tiếp hay nới lỏng định lượng.

Trong khi đó, Thống đốc RBA Philip Lowe vẫn khăng khăng rằng, ông không nghĩ RBA sẽ phải dùng đến các biện pháp phi truyền thống trên. Tuy nhiên, Hội đồng Thống đốc của RBA cũng đã có cuộc thảo luận chính thức đầu tiên về các lựa chọn như vậy tại cuộc họp chính sách tháng 8 vừa qua, trong đó đã xem xét kinh nghiệm của NHTW các nước. Các giải pháp được quan tâm bàn bạc cũng tương tự như RBNZ của New Zealand đã nêu ra và còn bao gồm cả khả năng can thiệp tỷ giá. Tuy nhiên, RBA tỏ ra rất thận trọng và lưu ý rằng, họ không thể thực hiện được một đánh giá đầy đủ về những tác động mang lại của các giải pháp như vậy vì nhiều giải pháp vẫn đang diễn ra mà chưa biết được tác động cuối cùng.

Một câu hỏi đặt ra là liệu RBNZ và RBA có thể sẽ làm gì đầu tiên, hay nghiêng về áp dụng giải pháp phi truyền thống nào trước nhất nếu cần thiết? Thống đốc RBNZ Adrian Orr hiện đang tập trung rất nhiều vào giải pháp lãi suất âm. Nếu áp dụng giải pháp này (hiện lãi suất dưới 0% đã được áp dụng tại một số nước như Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ), Bộ Tài chính New Zealand ước tính tỷ lệ tiền mặt chính thức có thể xuống thấp tới mức âm 0,35%.

Trong khi đó đối với RBA, Hội đồng Thống đốc trong cuộc họp vừa qua đã lưu ý rằng, kinh nghiệm ở các nước cho thấy một gói các biện pháp phi truyền thống có xu hướng mang lại hiệu quả tốt hơn so với các biện pháp đơn lẻ.

Khi nào có thể sẽ bắt đầu?

Xin đừng nín thở chờ đợi vì điều này ít có khả năng diễn ra trong ngắn hạn. RBNZ cho biết, họ sẽ chỉ sử dụng đến các biện pháp “bần cùng” này trong trường hợp “cạn kiệt” các chính sách truyền thống và lưu ý hiện lạm phát vẫn còn một chặng đường dài ở mức dưới 2%. Do đó ngay ở thời điểm hiện tại thì triển vọng phải áp dụng biện pháp phi truyền thống có rất ít khả năng xảy ra.

Hơn nữa, RBNZ cũng nhấn mạnh rằng, việc cắt giảm lãi suất 0,5% gần đây sẽ làm giảm nhu cầu phải sử dụng đến các chính sách như vậy. Tuy nhiên, hầu hết các NĐT và nhà kinh tế dự báo, RBNZ sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa với mức 0,25% vào tháng 11 tới, đưa lãi suất xuống 0,75%.

Thống đốc RBA Philip Lowe trong tháng này nhắc lại rằng, ông không nghĩ rằng các chính sách phi truyền thống có khả năng xảy ra ở Úc, dù kỳ vọng thị trường cho thấy từ nay đến giữa năm 2020 sẽ có thêm hai lần cắt giảm lãi suất nữa và khiến tỷ lệ tiền mặt chỉ còn 0,5%. RBA không thể sử dụng những chính sách này chỉ đơn giản để nỗ lực thúc đẩy lạm phát tăng và thay vào đó là giữ chúng trong tay để sẵn sàng sử dụng trong trường hợp phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Ở cả hai quốc gia này, hiện nền kinh tế nội địa của họ không phải ở tình trạng tồi tệ, do đó nếu họ quyết định kích hoạt các chính sách phi truyền thống trên có thể khiến làm gia tăng tốc độ suy giảm của tăng trưởng toàn cầu.

Thực tế cho thấy, ở các nền kinh tế mà chính sách lãi suất âm được áp dụng, chi phí đi vay được hạ xuống và áp lực về các điều kiện tài chính được giảm bớt. Những lo ngại về việc lãi suất âm sẽ thúc đẩy người gửi tiết kiệm rút tiền khỏi ngân hàng và cất dưới gầm bàn cũng không xảy ra. Tuy nhiên, tác động sẽ giảm dần khi các biện pháp như vậy tồn tại quá lâu.

Hơn nữa, việc áp dụng các chính sách như vậy mang lại hiệu quả khác nhau ở các nước đã áp dụng. Nên đúng như RBA đã lưu ý, phần lớn các “thí nghiệm toàn cầu” về các chính sách phi truyền thống này vẫn đang được tiến hành và không hề dễ dàng để có thể rút ra được kết luận chắc chắn về những tác động mang lại.

Bên cạnh đó cũng cần lưu ý đến những tác động tiềm năng, đó là khi các NHTW tăng nắm giữ trái phiếu qua các gói QE thì khi có bất kỳ sự siết chặt nào về lợi suất có thể sẽ khuyến khích thị trường hướng tới các tài sản rủi ro hơn. Tiền rất rẻ (do lãi suất thấp) cũng có thể dẫn đến việc các tài sản bị định giá cao hơn, mà bất động sản là một ví dụ kinh điển, từ đó tạo tiền đề cho khả năng có những điều chỉnh mạnh về sau này, khiến thị trường có thể rơi vào bất ổn. Và các NHTW vì thế lại càng khó quay trở về với các chính sách truyền thống.

Theo Hồng Quân

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên