MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các ông lớn công nghệ Mỹ hân hoan khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách của Trump

22-01-2021 - 09:35 AM | Tài chính quốc tế

Các ông lớn công nghệ Mỹ hân hoan khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách của Trump

Vài giờ sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Joe Biden ký một số sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách của chính quyền Trump liên quan đến nhập cư. Làng công nghệ Mỹ hân hoan với động thái này.

Biden ký sắc lệnh chấm dứt chính sách hạn chế đi lại với người Hồi giáo từ 7 quốc gia. Ngoài ra, ông Biden cũng lên kế hoạch gửi một dự luật cho Quốc hội hoãn việc trục xuất và sửa đổi chính sách nhập cư để tăng cơ hội trở thành công dân của 11 triệu người di cư bất hợp pháp ở Mỹ.

Một số sắc lệnh khác của ông Biden đảo ngược chính sách của Trump gồm ngừng rút Mỹ ra khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tái gia nhập Hiệp định thoả thuận khí hậu Paris, ngừng tài trợ cho việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico.

Các ông lớn công nghệ Mỹ hân hoan khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách của Trump - Ảnh 1.

CEO Apple Tim Cook nhanh chóng lên tiếng ủng hộ chính sách nhập cư của chính quyền Biden

"Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Tổng thống Biden trong việc theo đuổi cải cách nhập cư toàn diện, phản ánh các giá trị công lý, công bằng và nhân phẩm của Mỹ. Nỗ lực này sẽ củng cố những cộng đồng người Mỹ và sự công bằng với cơ hội mà đất nước này nuôi dưỡng từ lâu", Giám đốc điều hành Apple Tim Cook phát biểu. "Các lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn hợp tác với chính quyền, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Quốc hội, để đạt được giải pháp thiết thực và toàn diện sửa chữa hệ thống nhập cư, bao gồm cả chính sách quyền công dân".

Giám đốc điều hành Google Sundar Pichai cũng đưa ra một tuyên bố ủng hộ chính sách nhập cư mới của chính quyền Biden. "Chúng tôi hoan nghênh hành động nhanh chóng trong việc cứu trợ Covide, Hiệp định khí hậu Paris và cải cách nhập cư. Google mong muốn được hợp tác với chính quyền mới để giúp Mỹ phục hồi sau đại dịch và duy trì sự tăng trưởng của chúng tôi", Pichai viết trong một tweet.

Chủ tịch FWD.us Todd Schulte cho biết: "Chúng tôi rất biết ơn vì Tổng thống Biden và Phó tổng thống Harris tuân thủ cam kết gửi dự luật tới Quốc hội để chỉnh sửa hệ thống nhập cư. Điều được chờ đợi tiếp theo là Hạ viện và Thượng viện sẽ chuyển dự luật này thành luật".

Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg chính là người thành lập FWD.us, một tổ chức vận động cho người nhập cư, vào năm 2013.

Twitter cũng đưa ra một tuyên bố ủng hộ động thái này. "Sắc lệnh mới được ký mang lại hy vọng cho tất cả. Sự đa dạng làm cho nước Mỹ, công ty của chúng tôi và thế giới của chúng ta tốt hơn", công ty viết trên tweet.

Các ông lớn công nghệ Mỹ hân hoan khi Tổng thống Biden đảo ngược chính sách của Trump - Ảnh 2.

Ông Biden ký hàng loạt sắc lệnh trong ngày đầu làm việc ở Nhà trắng

TechNet, nhóm tập đoàn thương mại công nghệ Mỹ, cùng ký vào một lá thư của Diễn đàn Nhập cư quốc gia gửi Quốc hội. Các thành viên của TechNet ký vào lá thư có đại diện Amazon, Apple, Facebook, Google và Microsoft.

"Chúng ta có thể tạo ra một hệ thống nhập cư hiện đại, nhân văn và hiệu quả, tôn trọng lời hứa của Mỹ là trở thành một quốc gia nơi mọi người có thể đến từ khắp nơi trên thế giới để làm việc, đóng góp và xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân, gia đình. Khi đất nước phục hồi sau Covid, đóng góp của người nhập cư ở đây hôm nay và những người đến vào ngày mai, rất quan trọng đối với sức khỏe, hạnh phúc của công nhân Mỹ và gia đình", bức thư của TechNet có đoạn.

Đầu 2017, sắc lệnh do ông Trump ký ban hành cấm người tị nạn và công dân đến từ 7 nước có đa số dân là người Hồi giáo, nhập cảnh vào nước này trong một thời hạn quy định tạm thời. Tổng cộng 97 tập đoàn và công ty công nghệ ở Mỹ, trong đó có Apple, Google, Microsoft... cùng ký vào lá đơn theo quy chế Amicus Curiae ủng hộ đơn kiện của hai bang Washington và Minnesota phản đối sắc lệnh. Các công ty công nghệ Mỹ cho rằng sắc lệnh ảnh hưởng không tốt đến hoạt động kinh doanh.

Hồi tháng 6/2020, chính quyền Trump thông báo ngưng cấp nhiều loại thị thực làm việc cho người nước ngoài, bao gồm visa H-1B (cho lao động có trình độ như lập trình viên), H-2B, H-4, J-1 và L-1. Amazon, Google, Twitter và các công ty công nghệ Mỹ đồng loạt phản đối bởi quyết định "tồi tệ đến mức không thể tin được" sẽ làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế và tính cạnh tranh của nước Mỹ. Các công ty công nghệ tại Thung lũng Silicon duy trì lợi thế cạnh tranh bằng việc chiêu mộ người lao động có tay nghề cao thông qua thị thực H1-B. Năm ngoái, nhân viên Google và Amazon được cấp khoảng 9.000 visa loại H1-B.

Theo Bảo Nhi

Nhịp sống doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên