Các ông lớn ngành gạo làm ăn ra sao trong cơn sốt giá gạo?
Giữa bối cảnh ngành gạo liên tục lập kỷ lục về giá sản lượng, giá trị cùng đơn giá tăng thì nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại làm ăn kém hiệu quả
- 02-11-2023Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản đang rơi vào khủng hoảng khiến Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua
- 01-11-2023Xuất khẩu gạo 10 tháng thu về 4 tỷ USD
- 01-11-2023Giá gạo Việt Nam vượt xa Thái Lan tới 92 USD/tấn
- 31-10-2023Sau gạo và đường, thêm một loại nông sản gặp bão giá do Ấn Độ - Là mặt hàng Việt Nam cũng đang nhập khẩu hàng triệu tấn
- 28-10-2023Gạo Việt Nam tiếp tục thiết lập kỷ lục mới
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục lập kỷ lục từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, từ sau 20-7, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thông dụng, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã nhảy vọt lên mức 530 USD/tấn, tăng 100 USD/tấn trong tháng 8,9. Sang tháng 11, giá gạo vào đợt sốt giá mới, lên hơn 650 USD/tấn. Dù vậy, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gạo lại cho thấy chiều hướng ngược lại.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán LTG), trong giai đoạn sốt giá gạo (bắt đầu từ cuối tháng 7 khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng thường), doanh nghiệp này lại báo lỗ đến 327 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lời gần 64 tỉ đồng.
Trong khi đó, doanh thu thuần trong quý đạt 4.461 tỉ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng mảng lúa gạo đóng góp hơn 4.000 tỉ đồng doanh thu, chiếm 88% tổng doanh thu trong kỳ và cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2022.
Giải trình về biến động trên, ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, cho biết do quý III có sự biến động về chi phí, đặc biệt là chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỉ giá hối đoái nên lợi nhuận sau thuế của quý III giảm 391 tỉ đồng.
Một doanh nghiệp đưa kho gạo đến hội chợ xúc tiến thương mại
Lũy kế trong 9 tháng 2023, Lộc Trời có doanh thu thuần hơn 10.440 tỉ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, lợi nhuận còn gần 20 tỉ đồng, giảm 91% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã TAR) dù liên tục có lùm xùm trong quý III từ lãnh đạo từ nhiệm, bị phạt tiền,… nhưng kết quả kinh doanh lại khả quan khi có lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 11,9 tỉ đồng, tăng so với mức 11,06 tỉ đồng so với cùng kỳ. Nguyên nhân do bán hàng hóa dịch vụ nhiều hơn và ghi nhận cổ tức, lợi nhuận từ Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An Kiên Giang.
Dù vậy, lũy kế 9 tháng đầu năm, gạo Trung An ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.479 tỉ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ nhưng lãi chỉ 12,8 tỉ đồng, giảm 75% so với cùng kỳ.
Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, mã chứng khoán VSF) công bố kết quả kinh doanh trong quý III với doanh thu thuần đạt hơn 7.300 tỉ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận 21,66 tỉ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ vỏn vẹn 265 triệu đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinafood 2 có doanh thu 18.665 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ; lợi nhuận 31,58 tỉ đồng, tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ.
Nguyên nhân được ông Trần Tấn Đức, quyền Tổng giám đốc Vinafood 2, giải trình do công ty quản lý tốt và kiên quyết tiết giảm các khoản chi phí; theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời nắm bắt cơ hội và hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh doanh nên mang lại lợi nhuận cao hơn cùng kỳ.
Nhờ hưởng lợi từ việc tăng giá gạo, sản lượng gạo tăng xuất khẩu gạo liên tục lập kỷ lục, dự kiến cả năm 2023 có thể thu về từ 4,2-4,5 tỉ USD. Tuy nhiên, giá gạo tăng cao gây nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu khi ký hợp đồng trước, sau đó mới gom hàng để giao nên nhiều trường hợp phải mua giá cao, bán giá thấp.
Ngoài ra, giá gạo tăng cũng khiến chi phí vốn của doanh nghiệp trong ngành gia tăng, bào mòn lợi nhuận.
Người Lao Động