MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản đang rơi vào khủng hoảng khiến Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua

02-11-2023 - 06:11 AM | Thị trường

Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản đang rơi vào khủng hoảng khiến Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua

Giá của mặt hàng này đã giảm hơn 25% trong năm 2023.

Hoạt động đẩy mạnh mua ồ ạt lúa mì của Trung Quốc có thể sẽ hỗ trợ giá lúa mì toàn cầu, vốn đã giảm hơn 25% trong năm nay - trong bối cảnh nguồn cung dồi dào từ nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu là Nga.

Trung Quốc - nhà sản xuất và tiêu dùng lúa mì lớn nhất thế giới - đã mua khoảng 2 triệu tấn lúa mì của Australia trong mùa vụ mới vào tháng 10, giao hàng bắt đầu từ tháng 12. Trung Quốc cũng đã đặt khoảng 2,5 triệu tấn lúa mì từ Pháp kể từ tháng 9 cho lô hàng giao từ tháng 12 đến tháng 3, đây là khối lượng mua lớn bất thường vào thời điểm này trong năm.

Nhìn chung, nhập khẩu lúa mì năm 2023 của Trung Quốc có thể đạt khoảng 12 triệu tấn, vượt mức kỷ lục 9,96 triệu tấn của năm 2022 và nhu cầu mua mạnh mẽ dự kiến sẽ tiếp tục đến năm 2024.

Trung Quốc cho biết sản lượng lúa mì của nước này đã giảm 0,9% trong năm nay xuống còn 134,5 triệu tấn, là mức giảm đầu tiên trong 7 năm bất chấp diện tích mở rộng, sau khi mưa lớn làm ảnh hưởng đến ngũ cốc trưởng thành ở khu vực trồng trọt trọng điểm tại khu vực miền Trung ngay trước vụ thu hoạch.

Tuy nhiên, theo ước tính của một công ty hàng hoá ở Sydney, khoảng 25 triệu tấn hay khoảng 20% vụ thu hoạch của Trung Quốc năm nay bị thiệt hại do mưa. Một phần lúa mì bị mưa làm hỏng sẽ chỉ phù hợp làm thức ăn chăn nuôi hoặc trộn với lúa mì nhập khẩu chất lượng cao hơn trước khi xay thành bột.

Sau gạo, thêm mặt hàng nông sản đang rơi vào khủng hoảng khiến Trung Quốc phải lùng sục khắp thế giới tìm mua - Ảnh 1.

Giá lúa mì lao dốc trong vòng 1 năm qua (Nguồn: Trading Economics)

Stefan Meyer, nhà môi giới ngũ cốc tại StoneX ở Sydney cho biết: “Australia có cơ hội lấp đầy khoảng trống về chất lượng mà Trung Quốc hiện đang phải gánh chịu, đặc biệt là đối với lúa mì xay xát có hàm lượng protein cao”.

Dù sản lượng lúa mì ở Australia - nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ hai thế giới - được dự báo sẽ giảm xuống 26 triệu tấn - giảm so với mức kỷ lục 39,7 triệu tấn của mùa trước - do khô hạn vì hình thái thời tiết El Nino, nhưng điều này cũng dẫn tới chất lượng lúa mì năm nay tốt hơn do thời tiết khô ráo nên hàm lượng protein cao hơn.

Ma Wenfeng, nhà phân tích cấp cao tại Beijing Orient Agribusiness Consultancy cho biết, tỷ lệ thu hoạch lúa mì của Trung Quốc thấp hơn sẽ không phù hợp để xay xát chất lượng cao, mặc dù một phần trong số đó có thể được sử dụng sau khi làm sạch.

Rosa Wang, nhà phân tích tại Shanghai JC Intelligence Co. cho biết: “Giá là lý do chính, vì nó thực sự rẻ”.

Trong khi đó, Trung Quốc có lẽ đang xem xét những rủi ro thời tiết ngày càng gia tăng ở các nước xuất khẩu hàng đầu và chuẩn bị cho năm tới.

Dữ liệu hải quan của Trung Quốc cho thấy nhập khẩu lúa mì từ tháng 1 đến tháng 9 của nước này đã tăng 53,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 10,17 triệu tấn, bao gồm 6,4 triệu tấn từ Australia và 1,8 triệu tấn từ Canada. Những số liệu này không phản ánh các đơn đặt hàng được thực hiện để giao hàng trong tương lai.

Không giống như các hàng hoá khác, nhập khẩu lúa mì từ Australia phần lớn không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng song phương giữa hai chính phủ trong những năm gần đây.

Ngoài ra, việc Trung Quốc đẩy mạnh nhập khẩu lúa mì từ Australia có thể buộc các nhà nhập khẩu đối thủ như Indonesia và Nhật Bản phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế từ Bắc Mỹ và khu vực Biển Đen.

Tham khảo: Reuters

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên