Các OTA Việt Nam đã làm gì để vượt qua 'phép thử' Covid-19?
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng từng nhận định rằng đại dịch Covid-19 như một phép thử cho ngành du lịch. Vậy, các OTA (đại lý dịch vụ du lịch trực tuyến) Việt Nam đã vượt qua "phép thử" này như thế nào trong năm vừa qua?
- 23-12-2020Báo Anh: Việt Nam cùng nhiều nền kinh tế đang phát triển tại châu Á dần 'quay lưng' lại với than
- 23-12-2020Top 10 sự kiện nổi bật năm 2020
Năm 2020, đại dịch Coivid-19 đã tác động nặng nề đến nền kinh tế, đặc biệt nhất là ngành du lịch. Cụ thể, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80% so với năm 2019, cùng với đó, lượng khách nội địa cũng giảm khoảng 50%.
Theo số liệu thống kê của bộ VHTT&DL, năm 2020, ước tính tổng thiệt hại ngành du lịch Việt Nam lên đến 23 tỷ USD, dẫn đến khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động.
Đại dịch nhìn chung đã tác động sâu đến toàn bộ cấu trúc ngành du lịch, trong đó đặc biệt phải kể đến sự sụt giảm của các dịch vụ phái sinh, bao gồm hoạt động: đặt phòng, đặt vé máy bay, các dịch vụ hỗ trợ du lịch…
Theo báo cáo của Grant Thornton Vietnam, hơn 30% lượng phòng đặt các khách sạn cao cấp đến từ công ty lữ hành và nhà điều hành tour. Đứng thứ hai là các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agencies – OTAs) đóng góp gần 26%.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nhận định rằng đại dịch đã thúc đẩy xu hướng đặt phòng với OTA hơn là qua các đại lý du lịch. Một số cái tên OTA quen thuộc bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ qua biên giới như Booking.com, Airbnb.com, Tripavisor, Traveloka hay các OTA nội địa như iVIVU, Vntrip, Luxstay…
Trước đó, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng đã nhận định: "Ðại dịch Covid-19 như một phép thử cho ngành du lịch". Vậy, các OTA Việt Nam đã vượt qua "phép thử" này như thế nào trong năm vừa qua?
Thời gian qua, nhiều OTA đã nỗ lực chạy đua trong sáng kiến số. Điển hình như iVIVU đã áp dụng nhân viên ảo Olivia giải đáp những thắc mắc của khách hàng đặt chỗ.
Hay như Vntrip đã bất ngờ thay đổi chiến lược kinh doanh từ mảng B2C sang tập trung vào việc phát triển giải pháp chuyển đổi số ở mảng B2B (khách hàng là doanh nghiệp).
Theo ông Hà Văn Siêu - Phó Cục trưởng Tổng cục du lịch, trong bối cảnh toàn cầu đang trải qua những biến cố chưa từng có, các giải pháp số hóa trong du lịch sẽ tạo ra một phong trào trong tương lai.
"Năm 2020 là một năm với những biến cố chưa từng có của lịch sử ngành du lịch. Song, qua dịch, chúng ta cũng nhìn thấy rất nhiều doanh nghiệp vùng lên chống chọi, sử dụng công nghệ để đứng vững. Các giải pháp như TMS (Vntrip) được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả cao trong giai đoạn phục hồi hậu Covid-19".
Trên thực tế, các nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ cũng đang tập trung số hóa ngành du lịch, điển hình TripAction, TravelBank của Mỹ; Ctrip của Trung Quốc, khi nhu cầu đi công tác của các doanh nghiệp không ngừng tăng.
Do vậy, việc một doanh nghiệp OTA Việt Nam đưa ra các giải pháp số là một tín hiệu tích cực cho ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung.