MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các tỉnh thành ồ ạt gọi vốn đầu tư nhà ở xã hội

05-08-2023 - 16:40 PM | Bất động sản

Các địa phương kêu gọi đầu tư hàng nghìn căn hộ nhà ở xã hội đáp ứng cho người có thu nhập thấp ở đô thị và công nhân các khu công nghiệp.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc đang kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng 6 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 8.000 căn hộ và nhà liền kề cho công nhân.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ tiêu của tỉnh cần hoàn thành 28.300 căn nhà ở xã hội, trong đó giai đoạn 2022 - 2025 phải hoàn thành 8.800 căn, giai đoạn 2026 - 2030 phải hoàn thành 19.500 căn.

Các tỉnh thành ồ ạt gọi vốn đầu tư nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Các địa phương kêu gọi đầu tư nhà ở xã hội theo Đề án 1 triệu căn hộ của Thủ tướng Chính phủ (ảnh: Như Ý).

UBND tỉnh Bình Dương muốn xây 170.000 căn nhà xã hội từ nay đến năm 2030. Số căn nhà xã hội này sẽ đáp ứng nhu cầu 680.000 người. Mục tiêu trên cao gần gấp đôi chỉ tiêu 86.900 căn được Chính phủ giao trong đề án 1 triệu căn nhà xã hội. Bình Dương sẽ dành quỹ đất 612 ha để triển khai, diện tích sàn xây dựng ước đạt hơn 10 triệu m2. Tổng vốn đầu tư gần 93.000 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2021-2025, tỉnh dự kiến dành khoảng 158 ha diện tích đất đầu tư để hoàn thành hơn 42.000 căn, đáp ứng cho khoảng 163.000 người. Tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng.

Theo UBND tỉnh Bình Dương, để đạt mục tiêu trên, giải pháp về quỹ đất được đề án ưu tiên. Trong đó, có 34 khu vực do các doanh nghiệp nhà nước hoặc do Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý, 17 khu vực có sẵn quỹ đất của các nhà đầu tư. Ngoài ra có thêm 20% quỹ đất có sẵn từ các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị quy hoạch dành cho phát triển nhà ở xã hội.

Tỉnh còn bố trí quỹ đất chuyển đổi công năng tại TP Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, thị xã Bến Cát, quỹ đất di dời hoặc gần các khu, cụm công nghiệp và 27 khu vực phát triển đô thị trên các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP HCM - Chơn Thành.

UBND TP Đà Nẵng đang triển khai 6 dự án với 3.814 căn và đang lập thủ tục đầu tư để kêu gọi đầu 4 dự án có quy mô 3.451 căn. Ngoài ra, thành phố còn giới thiệu để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai 1 dự án thiết chế công đoàn và nhà ở công nhân với quy mô 460 căn.

UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua rà soát đã lựa chọn 82 dự án, vị trí quỹ đất để thực hiện thu hút đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, thành phố Sông Công có số dự án nhà ở xã hội nhiều nhất với 35 dự án. Tiếp đến là thành phố Phổ Yên với 26 dự án, thành phố Thái Nguyên 18 dự án. Huyện Phú Bình có 4 dự án gồm: Khu nhà ở xã hội số 1 Hương Sơn, Khu nhà ở xã hội số 1 Tân Hòa, Khu nhà ở xã hội xã Điềm Thụy và Dự án nhà ở xã hội thuộc Khu tái định cư và nhà ở công nhân Khu công nghiệp Điềm Thụy (phần diện tích 180ha).

Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai. Để đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội, ông Hà Minh Hải - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội kiến nghị, riêng nhà ở xã hội phải có quy định, quy trình riêng, rút gọn các trình tự về lựa chọn chủ đầu tư, đặc biệt là lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu. Lý do là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, cần phải linh hoạt thiết lập quy trình ngắn gọn. Hiện, quy trình đấu thầu vẫn còn tốn nhiều thời gian.

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho rằng: "Riêng đối với nhà ở xã hội, chúng tôi đề xuất cần có cơ chế ưu đãi mạnh, hấp dẫn chủ đầu tư, như các chính sách về quỹ đất, lựa chọn nhà đầu tư, giao đất… Về quy trình đầu tư phải có tính đặc thù, rút ngắn thời gian giải quyết. Hiện tại nếu chúng ta vẫn cứ như các dự án nhà ở thương mại từ 24-36 tháng thì rất khó. Tôi đề nghị rút ngắn xuống dưới 12 tháng".

Bên cạnh đó, ông Khôi kiến nghị, các địa phương ưu tiên đầu tư hạ tầng ở ngoài hàng rào các dự án để khi dự án nhà ở xã hội triển khai thì sẽ kết nối được ngay. Cần đẩy nhanh việc triển khai các dự án nhà ở xã hội cho giai đoạn từ năm 2024 trở đi. Nếu các địa phương không rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch xây dựng, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cũng như chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở, trong đó có phân khúc nhà ở xã hội, ngay trong 6 tháng cuối năm 2023 thì bước sang năm 2024 vẫn lúng túng trong việc triển khai ở xã hội cũng như nhà ở thương mại.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên