MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?

07-08-2022 - 12:15 PM | Tài chính quốc tế

Các nhà khoa học nhận thấy giữa tần suất giấc ngủ trưa và sức khỏe tim mạch tạo vào với nhau thành một đồ thị hình chữ J. Nghĩa là giấc ngủ trưa giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch xuống một điểm nhất định, sau đó, nó sẽ tăng mạnh trở lại.

Giấc ngủ trưa được biết đến với vai trò vô cùng quan trọng. Nó đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khỏe và tinh thần. Ngủ trưa giúp bạn thư giãn cơ thể, rũ bỏ căng thẳng và cải thiện tâm trạng sau một buổi sáng làm việc mệt mỏi.

Đồng thời, ngủ cũng là cách bạn tiết kiệm năng lượng, lấy lại sự tỉnh táo và cải thiện trí nhớ khi bạn thức dậy để tập trung cho công việc buổi chiều.

Thomas Edison thậm chí còn coi giấc ngủ trưa là suối nguồn sáng tạo. Tương truyền khi ngủ trưa, Edison sẽ cầm một viên bi thép trong tay và nằm dài trên ghế băng. Mục đích là để khi ông ấy vừa chìm vào giấc ngủ, bàn tay thả lỏng ra sẽ khiến viên bi thép rơi xuống đất đánh thức ông ấy dậy.

Edison cho biết ngay chính giai đoạn nhập nhằng giữa giấc ngủ và thức tỉnh này là lúc ông đạt tới sự sáng tạo tuyệt đỉnh nhất. Đó có thể chính là bí quyết đã giúp Edison đem các phát minh từ giấc mơ của ông ra ngoài đời thực.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 1.

Thomas Edison ngủ trưa dưới một gốc cây năm 1921, phía xa bên phải là Tổng thống Mỹ Warren Harding đang đọc báo.

Như vậy, ngủ trưa rõ ràng là rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cái gì nhiều quá cũng không tốt. Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Hypertension cho biết nếu bạn ngủ trưa quá nhiều, đó lại là một dấu hiệu đáng lưu tâm cho thấy sức khỏe của bạn đang có vấn đề.

Những người ngủ trưa quá nhiều và quá thường xuyên thường gặp phải các vấn đề liên quan đến cao huyết áp, bệnh tim mạch và đột quỵ. Họ thậm chí có thể tử vong ngay trong giấc ngủ trưa của mình.

Nhưng như thế nào là ngủ trưa quá nhiều và quá thường xuyên? Ngủ trưa ở mức độ nào thì sẽ tốt? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

1. Ngủ trưa tốt cho sức khỏe

Chúng ta biết trong điều kiện sống lý tưởng nhất, một người trưởng thành nên ngủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày. Khoảng thời gian đó sẽ cho phép bạn thức dậy và tỉnh táo một cách tự nhiên, như tổ tiên chúng ta từng làm trong quá khứ.

Không có chuông báo thức, không điện thoại, không cần người gọi bạn dậy. Một khi bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm, tiếng gà gáy hoặc ánh nắng mặt trời sẽ tự nhiên đánh thức bạn dậy vào buổi sáng. Và bạn cũng sẽ không cần cà phê để vực ngày làm việc của mình.

Nhưng rõ ràng, đây chỉ là một kịch bản vô cùng lý tưởng. Nó hiếm khi xảy ra với mọi người sống trong thời đại này. Có tới 62% người trưởng thành trên khắp thế giới nói rằng họ bị thiếu ngủ vì không ngủ đủ giấc mỗi đêm.

Đó là nơi mà giấc ngủ trưa trở thành một phương án bù đắp, giúp họ lấy lại được năng lượng và sự tỉnh táo cho ngày làm việc của mình.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 2.

Một giấc ngủ trưa của Thomas Edison vào tháng 10 năm 1972, sau khi ông thức làm việc 72 tiếng liên tục.

Theo National Sleep Foundation, một tổ chức nghiên cứu giấc ngủ tại Mỹ, có 50% người trưởng thành Hoa Kỳ ngủ trưa ít nhất 1 lần trong tuần. Tại một số quốc gia có nền văn hóa siesta (trong tiếng Tây Ban Nha nghĩa là ngủ trưa) như Hy Lạp, Brazil và Mexico, có tới 72% dân số nói rằng họ ngủ trưa ít nhất 4 lần mỗi tuần.

Những giấc ngủ trưa như thế này được coi là tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu trên tạp chí Heart năm 2019 cho biết tần suất ngủ trưa từ 1-2 lần mỗi tuần có thể làm giảm 48% nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch như đau tim, đột quỵ hoặc suy tim.

Nhưng tần suất ngủ trưa cao lại là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm

Đó là những gì mà các nhà khoa học đã cảnh báo trong suốt những năm gần đây. Họ nhận thấy giữa tần suất giấc ngủ trưa và sức khỏe tim mạch tạo vào với nhau thành một đồ thị hình chữ J.

Nghĩa là ngủ trưa sẽ giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch xuống một điểm nhất định, sau đó, nó sẽ tăng mạnh. Ví dụ nghiên cứu trên tạp chí Heart cho thấy khi tần suất ngủ trưa tăng đến 6-7 buổi/tuần, lợi ích sức khỏe của giấc ngủ không còn nữa. Hay nói cách khác, nó đã quay về con số 0 tròn trĩnh.

Thậm chí bạn không cần phải ngủ trưa hàng ngày. Một nghiên cứu mới trên tạp chí Hypertension nói rằng nếu bạn là một người không bao giờ hoặc hiếm khi ngủ trưa, nhưng đột nhiên dạo gần đây lại ngủ trưa và ngủ trưa nhiều hơn, đó là một chỉ dấu cho thấy cơ thể bạn đang có vấn đề nghiêm trọng.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 3.

Tần suất ngủ trưa quá cao thì lại là một dấu hiệu cảnh báo bệnh tim mạch.

Nghiên cứu này đào sâu Biobank, một kho lưu trữ hơn nửa triệu hồ sơ y tế ẩn danh của người dân Vương quốc Anh, trong đó ghi lại tất cả gen di truyền, lối sống và tình trạng sức khỏe của họ.

Các hồ sơ trong Biobank chi tiết đến mức nó chứa cả mẫu máu, nước bọt và nước tiểu hàng tháng của người dân. Bằng cách khai thác các thông tin này cộng với bản tự báo cáo về lối sống, chế độ ăn và cả giấc ngủ của người dân, các nhà khoa học có thể tìm thấy nhiều phát hiện quan trọng.

Đối với giấc ngủ trưa, họ nhận thấy:

- Những người ngủ trưa nhiều thường là nam giới, có trình độ học vấn và thu nhập thấp, hút thuốc lá, uống rượu, ngủ ngáy và có chất lượng giấc ngủ ban đêm thấp

- So với những người ngủ trưa ít hoặc không bao giờ ngủ trưa, những người ngủ trưa nhiều có nguy cơ mắc cao huyết áp cao hơn 12% và nguy cơ đột quỵ cao hơn 24%.

- Những người dưới 60 tuổi ngủ trưa nhiều có nguy cơ phát triển cao huyết áp cao hơn 20%. Con số là 40% ở những người ít ngủ trưa nhưng dạo gần đây lại ngủ trưa thường xuyên hơn.

Đây đều là những cảnh báo nguy hiểm, bởi tăng huyết áp không phải là một hiệu ứng bình thường. Nó là khởi điểm của các vấn đề tim mạch, dẫn tới đột quỵ, gây tàn tật nghiêm trọng hoặc tử vong sớm.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 4.

Nikola Tesla cũng được biết đến là một thiên tài thích ngủ trưa, ông thường ngủ dưới 20 phút mỗi lần.

Bạn không nên ngủ trưa quá 30 phút

Ngoài tần suất giấc ngủ trưa trong tuần, thời gian ngủ cũng là một thước đo cho độ lành mạnh cho giấc ngủ trưa của bạn. Các nghiên cứu trước đây cho thấy thời gian ngủ trưa tối ưu nhất nằm trong khoảng từ 20-30 phút.

Đây được gọi là những giấc " ngủ ngắn năng lượng ", sẽ đem lại lợi ích sức khỏe cho những người có nó. Ngược lại, một nghiên cứu của Đại học Tokyo cho thấy giấc ngủ trưa kéo dài quá 40 phút có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn chuyển hóa.

Thuật ngữ này được sử dụng để gọi chung những điều kiện dẫn đến cao huyết áp, tích trữ mỡ và tăng hàm lượng đường, cholesterol trong máu. Chúng làm gia tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tử vong sớm.

Giả thuyết được đưa ra cho rằng giấc ngủ trưa quá 40 phút khiến cơ thể ghi nhận tín hiệu đó đến từ một giấc ngủ sâu. Điều này sẽ làm chu trình trao đổi chất của cơ thể thay đổi.

Nhưng khi bạn tỉnh dậy bất chợt sau khoảng thời gian đó, giấc ngủ trưa kéo dài sẽ gây ra một "cú sốc" trong chu trình trao đổi chất và khiến nó bị rối loạn. Một giấc ngủ ngắn hơn không đưa cơ thể vào giai đoạn ngủ sâu, cho nên chúng ta sẽ không gặp phải vấn đề gì cả nếu chỉ ngủ trưa dưới 30 phút.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 5.

Mặc dù có thói quen ngủ 10 tiếng mỗi đêm, Albert Einstein thỉnh thoảng cũng vẫn ngủ trưa.

Cuối cùng, lời khuyên dành cho bạn là gì?

Nếu bạn là một tín đồ ngủ trưa, National Sleep Foundation cho biết có một số mẹo nhỏ mà bạn có thể nên ghi nhớ. Đầu tiên là về thời gian ngủ. Một giấc ngủ trưa lý tưởng nên kéo dài khoảng 20 phút.

Đó là thời gian cho phép bạn cải thiện tâm trạng, sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc, đồng thời không mang lại những tác dụng phụ như tỉnh dậy vẫn thèm ngủ, đau đầu, choáng váng hoặc lảo đảo.

Ngay cả khi bạn nằm xuống 20 phút trong buổi trưa mà không thể ngủ được, sự tĩnh lặng cũng có thể mang lại những lợi ích nhất định.

Thứ hai đó là thời gian ngủ trưa, bạn không nên ngủ trưa quá muộn. Nếu bạn thức dậy vào lúc 6 giờ sáng và đi ngủ vào 10 giờ tối, hãy ngủ trưa vào đúng giữa khoảng thời gian đó, nghĩa là 2 giờ chiều. Ngủ muộn hơn giờ này có thể khiến bạn mất ngủ vào ban đêm.

Thứ ba, hãy sắp sếp không gian giấc ngủ của mình một cách hợp lý. Tìm một nơi thoải mái, tối, mát mẻ và yên tĩnh. Cố gắng thiết kế giấc ngủ trưa giống giấc ngủ ban đêm của bạn là cách để nâng cao chất lượng giấc ngủ đó.

 Các vĩ nhân ngủ trưa như thế nào: Tại sao ngủ trưa nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh tật nguy hiểm?  - Ảnh 6.

Văn phòng làm việc của Thomas Edison luôn có một chiếc giường êm ái để ông ngủ trưa (góc dưới bên trái).

Ngoài ra, bạn cũng có thể nghe một số bài nhạc nhẹ để dễ đi vào giấc ngủ hơn. Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Sleep Medicine năm 2017 cho thấy: Những người nghe nhạc trước khi ngủ trưa có cảm giác thời gian tốt hơn và tỉnh táo hơn sau khi họ thức dậy.

Điều cuối cùng mà bạn cần nghi nhớ là: Đừng bao giờ cố gắng dùng giấc ngủ trưa thay thế cho giấc ngủ ban đêm. Giấc ngủ trưa kéo dài chỉ 20 phút, và nó không thể bù đắp đủ những giờ ngủ mà bạn thiếu hụt vào đêm qua.

Vì vậy, tốt nhất chúng ta nên ngủ đủ 7- 8 tiếng mỗi đêm, 20 phút ngủ trưa chỉ là thêm vào để cải thiện sự tỉnh táo cho buổi chiều của bạn mà thôi.

Tham khảo Sciencealert , Healthline , Mayoclinic , Forbes , Scientificamerican , Themarginalian , Sleepadvisor , Medicalnewsdaily

Theo Thanh Long

Tổ quốc

Trở lên trên