MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách "bốn đại gia lương thực" ABCD của phương Tây kiếm tiền giữa khủng hoảng

09-08-2022 - 14:11 PM | Tài chính quốc tế

Tàu chở hàng Razoni với lô ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine chưa thể cập cảng Tripoli ở Lebanon vào ngày 7/8. Ảnh: shobserver.com

Tàu chở hàng Razoni với lô ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine chưa thể cập cảng Tripoli ở Lebanon vào ngày 7/8. Ảnh: shobserver.com

Xu hướng của thị trường lương thực thế giới luôn được kiểm soát bởi bốn "đại gia lương thực" của phương Tây, bất chấp cảnh báo về "cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu".

Hãng tin AFP của Pháp ngày 7/8 đưa tin, đại sứ quán Ukraine tại Lebanon tuyên bố rằng, tàu chở hàng Razoni với lô ngũ cốc đầu tiên từ Ukraine chưa thể cập cảng Tripoli ở Lebanon vào ngày 7/8. Khi được hỏi tại sao không thể đến đúng hẹn, đại sứ quán Ukraine cho biết, họ "không thể cung cấp thêm thông tin".

Trước đó một ngày, tàu chở hàng Fulmar S đã cập cảng Chornomorsk ở miền nam Ukraine, là con tàu đầu tiên đến cảng của Ukraine để thu mua lương thực kể từ khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine. Thị trường lương thực toàn cầu dường như đang dần thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Theo tờ "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc, gần đây đã có nhiều cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu", nhưng trên thực tế, xu hướng của thị trường lương thực thế giới luôn được kiểm soát bởi bốn "đại gia lương thực" của phương Tây.

Trong khi nhiều công ty phương Tây lần lượt rút vốn khỏi Nga và gây áp lực lên Matxcơva, bốn "đại gia lương thực" vẫn giữ thái độ bình thản về nguồn lực của thị trường Nga, với hy vọng tiếp tục kiểm soát xu hướng của thị trường lương thực thế giới.

"ABCD" là những ai?

"ABCD" là viết tắt của Archer Daniels Midland (A), Bunge (B), Cargill (C) và Louis Dreyfus (D) - bốn nhà buôn lương thực quốc tế lớn. Bốn "đại gia lương thực" này kiểm soát 80% hoạt động buôn bán lương thực của thế giới.

Archer Daniels Midland là công ty sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới. Cargill là công ty nông nghiệp tư nhân lớn nhất ở Mỹ, và Bunge là nhà chế biến hạt có dầu lớn nhất thế giới. Ba công ty này là công ty Mỹ, còn Louis Dreyfus đến từ Pháp.

Theo hãng tin Bloomberg, trong quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh nông nghiệp cốt lõi và chế biến hạt cải dầu của Archer Daniels Midland đã tăng lên mức 1,12 tỷ USD từ mức 570 triệu USD cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo doanh thu của Bunge trong quý 2 năm nay cho thấy, lợi nhuận tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Bloomberg dẫn lời Greg Heckman - Giám đốc điều hành Bunge - cho biết: "Do nhu cầu tiếp tục tăng cao và nguồn cung thắt chặt hơn, lợi nhuận của chúng tôi vẫn trên đà tăng và dự báo lợi nhuận năm nay là trên 20%."

Cách bốn đại gia lương thực ABCD của phương Tây kiếm tiền giữa khủng hoảng - Ảnh 1.

Bốn "đại gia lương thực" ABCD kiểm soát 80% hoạt động buôn bán lương thực của thế giới. Ảnh: zhihu.com

Tờ "Người bảo vệ" của Anh từng mô tả về bốn "đại gia lương thực" như sau: "Chỉ cần bạn còn sống trên đời, không thể thoát khỏi bốn "đại gia lương thực". Hầu hết gạo, bột, ngũ cốc, dầu, đường, sô cô la, thịt và hải sản mà mọi người ăn trong cuộc sống hàng ngày được kiểm soát bởi bốn "đại gia lương thực". Khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng nổ, khiến giá lương thực toàn cầu tăng chóng mặt, các nhà buôn lương thực quốc tế lại mải miết kiếm tiền, lợi dụng tình trạng khan hiếm nguồn cung để đẩy giá lương thực lên cao.

Là nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, ở Nga có vô số chi nhánh của bốn "đại gia lương thực". Sau khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ, dù hoạt động kinh doanh của các công ty này bị ảnh hưởng nhưng giá lương thực gián tiếp tăng cao cũng đủ bù đắp cho khoản lỗ này, thậm chí còn làm cho họ kiếm được nhiều tiền hơn trước.

Trong bối cảnh nhiều công ty phương Tây dần rút khỏi thị trường Nga, nhưng những nhà buôn lương thực này vẫn án binh bất động. Archer Daniels Midland và Cargill nói rằng, việc duy trì hoạt động nông nghiệp ở Nga là rất hợp lý.

Cơ quan nghiên cứu thị trường LogisticOS cho biết, kể từ khi tình hình căng thẳng leo thang ở Ukraine, sản lượng cây trồng của các "đại gia lương thực" quốc tế không thay đổi đáng kể. Dữ liệu cho thấy, trong những tháng gần đây, Cargill và Louis Dreyfuss đều xuất khẩu lúa mì từ Ukraine.

"Vũ khí" của ABCD

Theo tờ "Thời báo Hoàn cầu", "vũ khí" của bốn "đại gia lương thực" để kiểm soát giá lương thực toàn cầu là kiểm soát tiến độ vận chuyển lương thực toàn cầu.

Lấy Cargill làm ví dụ, công ty này kiểm soát đội vận tải đường thủy lớn nhất thế giới (bao gồm vận tải thủy nội địa và vận tải viễn dương), có đội vận tải hàng khô rời gồm hơn 500 tàu, triển khai hoạt động bốc xếp hàng hóa tại gần 1.000 cảng trên thế giới, và có khối lượng vận chuyển hóa vượt quá 2 tỷ tấn/năm.

Tờ "Thời báo Hoàn cầu" nhận định, để đảm bảo thời gian thu được lợi nhuận cao càng lâu càng tốt, các nhà buôn lương thực không muốn tăng tốc vận chuyển mà đặt trách nhiệm lên các quốc gia xung đột và các chính phủ phương Tây.

Juan Luciano - Giám đốc điều hành Archer Daniels Midland - cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng, sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ, công ty này đã giúp xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine, nhưng tất cả các nỗ lực đều được thực hiện bằng đường thủy nội địa, nên bị hạn chế rất nhiều, vì vậy các nhà buôn lương thực vẫn mong đợi Nga và Ukraine ký kết hiệp định xuất khẩu lương thực.

Cách bốn đại gia lương thực ABCD của phương Tây kiếm tiền giữa khủng hoảng - Ảnh 2.

Bốn "đại gia ngũ cốc" đều làm ăn phát đạt trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu. Ảnh:sohu.com

Trên thực tế, bốn "đại gia lương thực" từ lâu nay luôn kiếm được lợi lớn trong thời kỳ chiến tranh, khủng hoảng. William Cargill - người sáng lập hãng Cargill - đã tạo lập gia sản của mình bằng cách bán ngũ cốc vào cuối thời kỳ nội chiến Mỹ (năm 1865). Hãng Cargill cũng nhiều lần đứng trước bờ vực phá sản, nhưng cuối cùng đã được cứu thoát bởi hai cuộc chiến tranh thế giới, và tận dụng thời cơ chiến tranh để mở rộng kinh doanh ra thế giới một cách thành công.

Mã Văn Phong - nhà phân tích cấp cao tại công ty tư vấn nông nghiệp Oriental Egger - nói với phóng viên "Thời báo Hoàn cầu" rằng, bốn "đại gia lương thực" ABCD đã trở thành các tổ chức độc quyền trên thị trường toàn cầu. Nhìn lại lịch sử, có thể thấy rằng họ đều làm ăn phát đạt trong các thời kỳ khủng hoảng toàn cầu.

Theo ông Mã, có hai cách chính để những "đại gia" này kiểm soát nông nghiệp: thứ nhất, thu mua lương thực với giá thấp, sau khi hình thành độc quyền thì bán lại với giá cao hơn; thứ hai, hầu hết các loại hạt giống và phân bón mà người nông dân cần đều nằm trong tay của bốn nhà buôn lương thực lớn.

https://soha.vn/cach-bon-dai-gia-luong-thuc-abcd-cua-phuong-tay-kiem-tien-giua-khung-hoang-20220808103900724.htm

Theo Hữu Hiển

Trí thức Trẻ

Trở lên trên