MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách ly xã hội khiến nhiều mặt hàng thực phẩm 'cháy hàng' ở TPHCM

17-07-2021 - 08:53 AM | Thị trường

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại khu vực phía Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng hàng hóa cho TPHCM. Rau củ quả và trứng gia cầm là những sản phẩm đang bị cháy hàng những ngày qua.

Mỗi ngày TPHCM cần khoảng 7.000 tấn lương thực, thực phẩm, tuy nhiên trong giai đoạn cách ly xã hội, nguồn hàng cung ứng đang bị sụt giảm khoảng 1.000 tấn. Thực tế trên đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng của người dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hoành hành.

Cách ly xã hội khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cháy hàng ở TPHCM - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương chia sẻ thông tin tại buổi họp báo,


Tại cuộc họp báo diễn ra vào tối 16/7 về công tác phòng chống dịch COVID-19 ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết: "Việc triển khai vận chuyển hàng hóa từ các địa phương về thành phố đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là từ các tỉnh miền Tây vì nhiều tỉnh thành đồng loạt thực hiện Chỉ thị 16 để tập trung chống dịch".

Theo ông Phương, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng đã ảnh hưởng đến việc thu mua, vận chuyển hàng hóa từ khâu vận chuyển nội tỉnh đến liên tỉnh. Mặt khác, một số địa phương đã tiến hành xử phạt đối với người dân khi tập trung đông người tại nơi sản xuất, chế biến khiến nguồn nông sản đến kỳ thu hoạch nhưng chưa có phương án xử lý.

Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, mặt hàng thiếu nhiều nhất của người dân thành phố hiện nay là rau củ quả và trứng gia cầm. Trước tình hình trên, Sở Công thương thành phố đã liên hệ với các tỉnh thành để rà soát, giới thiệu các đơn vị cung ứng hàng hóa có năng lực cung ứng tốt ở khu vực Miền Đông, Tây Nguyên và các tỉnh Phía Bắc.

Cách ly xã hội khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cháy hàng ở TPHCM - Ảnh 2.

Chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố trong giai đoạn dịch bệnh đang gặp khó khăn.

Theo phân tích của ông Phương, thời điểm bình thường không có dịch bệnh, người dân ở Miền Tây không dự trữ trứng gia cầm họ có thể tự túc từ vật nuôi hàng ngày nên lượng trứng tiêu thụ thấp. Tuy nhiên, khi nhiều tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 người dân địa phương tăng cường sử dụng trứng và dự trữ trứng làm thực phẩm khiến nguồn hàng này thiếu hụt. Các nhà cung cấp hiện không đảm bảo được số lượng vì giá thị trường ở mức rất cao ngay tại vùng nguyên liệu.

Mỗi người chỉ được mua 2 vỉ trứng

Tại TPHCM, giá trứng trên địa bàn thành phố đang có sự chênh lệch lớn giữa các điểm bán trong siêu thị và bên ngoài. Trứng gia cầm trong siêu thị và các điểm bình ổn giá luôn được giữ ở mức ổn định nhưng bên ngoài thì giá cao hơn rất nhiều. Sự chênh lệch giá đã khiến một số người nảy sinh lòng tham, vào siêu thị vào thu gom trứng gia cầm mang ra ngoài bán và đẩy giá lên cao hơn. Để ngăn chặn tình trạng trên, các điểm bán thực phẩm bình ổn giá đã kiểm soát bằng biện pháp chỉ cho mỗi người mua không quá 2 vỉ trứng.

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp nên số chợ truyền thống phải đóng cửa vì không đảm bảo an toàn ngày càng tăng, đến nay toàn thành phố chỉ còn 46 chợ đang hoạt động. Thời điểm bình thường, chợ truyền thống có năng lực cung ứng chiếm 60% đến 70% thị phần thực phẩm phục vụ người dân. Dịch bệnh đã khiến cán cân nguồn cung ứng đảo chiều, lượng hàng hiện tại tập trung chủ yếu ở các siêu thị, năng lực cung ứng tại đây đã đẩy lên tối đa nhưng không đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng.

Cách ly xã hội khiến nhiều mặt hàng thực phẩm cháy hàng ở TPHCM - Ảnh 3.

Thành phố đang tăng cường các giải pháp để tìm nguồn cung ứng và nhân rộng các điểm phân phối cho người dân.


Trước tình hình trên, Sở Công thương kêu gọi các nguồn lực xã hội doanh nghiệp có khả năng và kinh nghiệm cung ứng hàng hóa không liên quan đến lương thực thực phẩm chủ động mở thêm chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia, các điểm bưu cục trên địa bàn thành phố đang được sử dụng làm điểm cung ứng hàng hóa cho người dân.

Dự kiến sắp tới, thành phố sẽ xem xét phương án cho mở cửa trở lại và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ đối với những chợ truyền thống đã đảm bảo an toàn dịch để tăng cường chuỗi cung ứng thực phẩm đến người dân. Sở Công thương đang kiến nghị thành phố hỗ trợ doanh nghiệp tham gia thu mua dự trữ hàng hóa cho người dân để thúc đẩy giải pháp dự phòng hàng hóa.

Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo nguồn cung ứng và hệ thống phân phối không bị đứt gãy, Sở Công thương đã đề nghị thành phố và các tỉnh thành ưu tiên tiêm vắc xin cho những người trực tiếp sản xuất, vận chuyển lương thực thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu.

Theo Vân Sơn

Tiền phong

Trở lên trên