Cách nào chặn đà giảm giá lúa gạo?
Để chặn đà giảm của giá lúa, các địa phương cần có chính sách cho lưu thông hợp lý; đồng thời tiếp sức cho DN về vốn tín dụng để thu mua lúa.
- 12-08-2021Giá lúa gạo bắt đầu tăng sau chuỗi ngày ảm đạm, ngân hàng mở hầu bao cho vay mạnh
- 09-08-2021Doanh nghiệp nêu lý do chưa mua lúa của dân
- 08-08-2021Nông dân gặp khó vì giá lúa giảm, giá phân bón nhảy vọt
Theo các doanh nghiệp (DN), giá lúa giảm sâu một phần xuất phát từ việc các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quá chặt, mỗi nơi mỗi kiểu, khiến khâu lưu thông bị gián đoạn, ngưng trệ. Để chặn đà giảm của giá lúa , các địa phương cần có chính sách cho lưu thông hợp lý; đồng thời tiếp sức cho DN về vốn tín dụng để thu mua lúa.
1.500 ha lúa đến vụ thu hoạch
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến hết tháng 8 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 1.500 nghìn ha lúa Hè Thu đến vụ thu hoạch, với sản lượng ước tính khoảng 7,8 triệu tấn.
Trong thời gian tới, sau khi thu hoạch lúa vụ Hè Thu, các tỉnh ĐBSCL sẽ tiếp tục đến vụ Thu Đông sớm, và vụ Đông Xuân. Chuỗi thu hoạch lúa ở khu vực này sẽ diễn ra liên tục.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá lúa giảm mạnh, thấp hơn so với cùng kỳ khoảng 500 - 600 đồng/kg.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, những ngày gần đây, giá lúa bắt đầu nhích lên, song nhìn chung tình hình vẫn rất căng thẳng.
“Tâm lý người dân bắt đầu bi quan, giá lúa thấp trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật...tăng cao, người dân băn khoăn có sản xuất nữa hay không, sản xuất rồi bán ở đâu, như thế nào?”, ông Nam nói và cho rằng, nếu để tình trạng này kéo dài, việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia sẽ rất khó khăn, đời sống hàng chục triệu hộ nông dân ĐBSCL chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Chờ gỡ vướng khâu lưu thông
Đề cập giải pháp để tháo gỡ những vướng mắc cho ngành lúa gạo, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc, Cty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho rằng, trong tình hình hiện nay, chưa cần đến phương án Chính phủ tăng mua dự trữ quốc gia, do quy trình thủ tục phức tạp.
Nếu bây giờ, Tổng Cục dự trữ quốc gia mới bắt đầu thu mua thì vụ Hè Thu cũng đã thu hoạch xong.
Theo ông Bình, hiện tại, nhiều DN có khả năng mua dự trữ, do vậy giải pháp tốt nhất là nên tạo điều kiện cho DN thu mua. Trong đó, các Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nới hạn mức vay của DN.
“Như Công ty Trung An, bây giờ chúng tôi muốn mua dự trữ, nhưng không có tiền. Ngân hàng chỉ cho vay hạn mức 200 tỷ đồng. Bây giờ, nên tạo điều kiện cho chúng tôi vay thêm để thu múa lúa, hỗ trợ nông dân.
Sang tháng 9 là đến vụ Thu Đông, nếu không giải quyết tốt từ bây giờ, hoạt động sản xuất và xuất khẩu tới đây và cả năm 2022 cũng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Bình nói.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để chặn đà giảm giá lúa, công ty đang tích cực thu mua lúa của nông dân với cam kết mua giá lúa tươi OM 5451 không dưới 4.800 đồng/kg, OM 18 không dưới 5.500 đồng/kg.
“DN cũng sẽ tài trợ cho các tỉnh bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 và các đối tác của công ty; xây dựng quy trình mua lúa không tiếp xúc. Tuy nhiên, để làm được như vậy, các địa phương phải vào cuộc hỗ trợ DN.
DN giờ chỉ mong mỏi địa phương có thể xây dựng luồng xanh cho ghe mua lúa; thương lái (đã được xét nghiệm) được di chuyển đến các địa phương khác nhau để thu mua mà không phải cách ly”, ông Thuận kiến nghị.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, giải pháp cấp bách hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho ngành lúa gạo là cần tập trung giải quyết khâu vận chuyển, lưu thông.
Giá lúa nhích dần
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, sau khi Bộ NN&PTNT và các đơn vị vào cuộc gỡ vướng cho ngành lúa, giá lúa gạo ĐBSCL những ngày qua bắt đầu nhích dần lên. Cụ thể, giá gạo IR NL 504 tăng khoảng 200 đồng, lên mức 7.500 đồng/kg; gạo TP IR 504 tăng 200 đồng, lên 8.200-8.300 đồng/kg. Tại những tỉnh có lúa hè thu đang thu hoạch như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… Riêng giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi đã tăng khoảng 100 đồng/kg, dao động 4.500-4.900 đồng/kg.Ông Trần Thanh Nam cho biết, trên thị trường quốc tế, hiện tại, các nước vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhiều nước do ảnh hưởng của dịch COVID-19 cũng muốn tăng dự trữ.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ các thương nhân, DN, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm lãi, mở rộng thêm hạn mức tín dụng.
Hưng Dương
Theo ông Nam, nhiều tỉnh đang làm quá chặt khâu kiểm tra giấy tờ, cách ly, khiến thương lái e sợ không dám xuống các địa phương.
Ở các tỉnh ĐBSCL, việc di chuyển từ vùng này qua vùng khác liên tục để thu mua là điều không tránh được, nhưng nếu mỗi địa phương áp dụng một biện pháp kiểm tra, cách ly khác nhau, thương lái, DN sẽ gặp khó vì mất rất nhiều thời gian.
Tại cuộc họp trực tuyến tìm giải pháp tiêu thụ lúa Hè Thu 2021 của các địa phương Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) diễn ra mới đây, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, dự kiến trong tháng 8, tỉnh này sẽ thu hoạch hơn 27.200 ha lúa, ước sản lượng gần 170.000 tấn; tháng 9 sẽ có hơn 392.900 tấn.
Hiện tại, có khoảng 70% sản lượng lúa của Đồng Tháp được xay xát ngoài tỉnh. Lượng gạo tồn kho của 28 DN đang hoạt động trên địa bàn còn khá nhiều, do đó, khả năng thu mua tối đa chỉ khoảng 20.000 tấn lúa nguyên liệu.
Phía Vinafood 1 cho biết, DN sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân và mong muốn giải phóng lượng lúa tồn kho, có chính sách thu mua phù hợp, các địa phương tạo thuận lợi trong tổ chức thu hoạch, vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Tuấn Khoa, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành II (Long An), trước mắt việc mua lúa tạm trữ trong dân để kích cầu, nâng giá cũng là điều tốt. Tuy nhiên, việc thực hiện triển khai đi thu mua sẽ rất khó khăn khi kiểm soát dịch bệnh đang thực hiện rất chặt.
Đại diện 4 tỉnh thành Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ cho biết sẽ có văn bản chung để kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn này, cũng như có chính sách về gói tín dụng hỗ trợ DN thu mua lúa gạo.
Dự kiến 4 địa phương này sẽ thành lập tổ công tác liên ngành và thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch ...
Tiền phong