MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cách xử lý khủng hoảng của vị Thống đốc Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất mọi thời đại

Mỗi khi Alan Greenspan – vị Chủ tịch FED nắm quyền lâu nhất tại Mỹ, phát biểu thì thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế của Mỹ và cả thế giới đều chuyển động mạnh.

Cũng vì thế, Alan được coi là Thống đốc Ngân hàng Trung ương quyền lực nhất mọi thời đại. Ông đã chứng kiến Mỹ trải qua 2 cuộc khủng hoảng lớn là Dotcom và khủng hoảng 2008.

Trong cuốn tự truyện Kỷ nguyên hỗn loạn, Alan thừa nhận đã đặt niềm tin vào thị trường tín dụng thứ cấp để vực dậy nền kinh tế sau khủng hoảng dotcom. Nhưng có lẽ niềm tin vào thị trường này lại dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ năm 2008.

Cắt giảm lãi suất và căn bệnh thiểu phát

Sau khủng hoảng dotcom, nền kinh tế Mỹ có những dấu hiệu phục hồi, song tăng trưởng còn yếu và chưa ổn định. Dư địa của cuộc khủng hoảng làm cho giới đầu tư chán ngấy thị trường chứng khoán.

Để vực dậy nền kinh tế suy thoái, Alan Greenspan- Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã chủ trương nới lỏng tiền tệ. Theo đó, FED duy trì kế hoạch giảm mạnh lãi suất ngắn hạn, gồm 7 lần cắt giảm từ đầu năm 2001. Đến tháng 12/2002, lãi suất chiết khấu đứng ở mức thấp kỷ lục 1,25%, nhằm thúc đẩy thị trường tín dụng và kích thích mức lạm phát đang thấp.

Ngoài ra, lãi suất giảm còn khuyến khích nguồn vốn chảy vào thị trường chứng khoán nhằm chặn đà sự sụt giảm của thị trường này. Song những chính sách mạnh tay chưa vực dậy được nền kinh tế yếu kém như kỳ vọng của FED. Điều này đã khiến Alan Greenspan và các cộng sự bày tỏ lo ngại về khả năng Mỹ sẽ bước vào một thời kỳ trượt dốc tồi tệ từng xảy ra và làm Nhật Bản tê liệt trong suốt 30 năm, đó là thiểu phát. Nhật Bản phải bơm tiền vào lưu thông, giảm lãi suất xuống 0% và chịu thâm hụt ngân sách lớn...

Giảm phát đã trở thành mối lo ngại chính trong nội bộ FED. Từ năm 2000 đến 2003, thất nghiệp tăng từ 4% - 6%. Đối đầu với bài toán này, Alan Greenspan vẫn chủ trì theo đuổi cắt giảm lãi suất như một chính sách duy nhất để chấm dứt tình trạng thiểu phát, ngay cả khi chính sách này có thể thúc đẩy bong bóng tài sản có thể xảy ra sau này.

Nhà đất thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thị trường bất động sản, mà cụ thể hơn, phải là thị trường tín dụng nhà ở thứ cấp, đã phản ứng tốt với tín hiệu lãi suất rẻ của FED. Lãi suất cầm cố 30 năm ở dưới mức 6%, thấp nhất kể từ thập niên 60.

Việc sở hữu nhà của người dân Mỹ trở nên dễ dàng hơn. Tỷ lệ gia đình Mỹ có nhà riêng tăng vọt, lên tới 69% vào năm 2006, đặc biệt tỷ lệ người da đen có nhà ngày càng tăng. Điều đó đã cải thiện đáng kể niềm tin công chúng vào sự phục hồi kinh tế, kéo theo là sự gia tăng thu nhập của người dân.

Đối với họ, có lẽ bất động sản là những tài sản có giá trị thực, đem lại cảm giác an tâm hơn là cổ phiếu của những công ty công nghệ trong khủng hoảng Dotcom.

Giá nhà đất tăng vọt, nhiều người đổ xô đi mua nhà nhằm kiếm lời bởi họ tin tưởng rằng giá sẽ tăng cao hơn. Giới đầu cơ thu được lợi lớn chỉ đơn giản bằng cách mua nhà và bán lại, thậm chí ngay cả khi những ngôi nhà đó chưa được xây xong.

Các nhà môi giới cho vay thế chấp nôn nóng đẩy nhanh các giao dịch nhằm thu các khoản phí và chuyển sang các giao dịch kế tiếp. Theo ước tính của các nhà phân tích, khoảng 3-5% thu nhập từ bất động sản được người dân Mỹ chuyển sang nhu cầu các hàng hóa, dịch vụ khác.

Chỉ số tiêu dùng tăng cao đã đưa kinh tế Mỹ ra khỏi đình trệ và nguy cơ giảm phát. Tính đến năm 2004, tăng trưởng GDP khá ổn định, đạt 3,9%/năm. Tuy nhiên, nhìn nhận từ các khoản vay cầm cố dưới chuẩn có thể đánh giá, FED và Chính phủ dưới thời tổng thống Bush đã lựa chọn tăng trưởng tín dụng thiếu “lành mạnh” để thoát khỏi cơn suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng ổn định. Nhưng liệu điều này có bền vững?

Cú đảo chiều lãi suất – tăng liên tục 13 lần

Alan Greenspan dường như đã nhận ra dáng dấp của khủng hoảng Dotcom trong sự tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản. Đặc biệt, trong năm 2003, giá nhà đất tăng vọt 20% tại San Diego hay New York. Người dân vẫn đổ xô đầu tư vào bất động sản, họ nghĩ rằng giá nhà đất sẽ tăng trong tương lai.

Đến năm 2005, theo Hiệp hội Bất động sản Quốc gia, các nhà đầu tư chiếm 28% trong số những người mua nhà, tạo lực đẩy giá nhà đất lên cao. Đáng chú ý hơn là trong tổng cộng 3.000 tỷ USD cầm cố nhà trong năm 2006, thì có tới 2/5 là cầm cố dưới chuẩn và cầm cố khoản vay không yêu cầu đủ giấy tờ từ người đi vay. Hai loại cầm cố này hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn giá nhà lên cao, làm gia tăng rủi ro các cho các khoản nợ.

Tuy vậy, trong suốt giai đoạn 2002-2005, khi còn đương chức, Alan vẫn tin tưởng rằng lợi ích từ việc mở rộng quyền sở hữu nhà là đáng để mở rộng điều kiện các khoản tín dụng thứ cấp, tạo điều kiện cho thị trường nợ dưới chuẩn tiếp tục phát triển.

Sự tăng trưởng nóng đã làm lạm phát quay đầu. Chủ tịch Alan quay sang chủ trương thắt chặt tiền tệ, chặn đà lạm phát bằng các đợt tăng lãi suất. Tính từ tháng 6/2004 đến khi ông về hưu, FED có 13 lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản lên mức 4,25% vào đầu năm 2006.

Sự đảo chiều chính sách tiền tệ đã gia tăng rủi ro đáng kể cho thị trường tín dụng thứ cấp. Chính sách thắt chặt vẫn được duy trì ngay cả khi Alan về hưu. Các khoản vay phải trả lãi cao hơn trước khiến người vay khó có thể trả lãi.Và các khoản cầm cố dưới chuẩn được cho là đã châm ngòi cho bong bóng nhà đất, dẫn tới cuộc khủng khoảng tài chính Mỹ và toàn cầu 2008.

Nếu nhìn lại, chính sách mà Alan theo đuổi trong giai đoạn giữa 2 cuộc khủng hoảng đã góp phần vực dậy nền kinh tế đang trong cơn suy thoái. Tuy nhiên, niềm tin và cách thức vực dậy dựa vào thị trường tín dụng thứ cấp cùng với sự bùng nổ không thể lường được của thị trường này là nguyên nhân cốt lõi dẫn tới khủng hoảng 2008. Và ngay cả chính ông sau này cũng thừa nhận rằng không nhận thức được hết quy mô của thị trường tín dụng nhà ở thứ cấp.

Phạm Tâm Long

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên